Đôi vợ chồng đưa 2 con đi phượt 8 ngày 7 đêm trên cung đường dài 2030km để con học thêm kiến thức ngoài sách vở
Tin liên quan
Dịp xuân về phần lớn các gia đình lựa chọn ở nhà sum vầy quanh mâm cơm, han huyên trò chuyện gắn kết tình cảm gia đình. Khác với số đông, anh Hồng Sơn đã rủ gia đình nhỏ của mình thực hiện chuyến đi phượt đến nhiều vùng miền, tận hưởng không khí đón xuân tại các địa điểm khác nhau. “Với mình hạnh phúc ở đây là được đi đến một nơi xa lạ, được ngắm những cung đường vô tận, ngắm một bông hoa nở căng đúng lúc, để gặp những con người xa lạ, hay được ăn một món ăn ngon, ngồi một mình để nhâm nhi một cốc café. Hạnh phúc sẽ là hành trình đi theo dấu chân của mình”, anh Hồng Sơn chia sẻ.
“Dấu chân càng xa thì tấm lòng càng rộng mở”
Anh Phan Hồng Sơn (sinh năm 1982, quê Nghệ An) làm công việc kỹ sư xây dựng. Hiện anh và gia đình đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Sở thích đi phượt và khám phá các địa điểm mới từ lâu là sở thích chung của cả anh Sơn và vợ, đến khi có con niềm đam mê này cũng ngấm dần vào máu thế hệ sau.
Ông bố 2 con cho biết: “Bé lớn hồi 3 tháng tuổi đã được mình đưa đi tham quan Vịnh Hạ Long. Thời chưa có ô tô cả nhà 4 người còn đi Tam Đảo và đi Thành phố Hạ Long bằng xe máy. Trước hay bây giờ cả nhà vẫn hào hứng và vui vẻ”.
Xuân năm 2023 là năm thứ 2 gia đình anh Hồng Sơn thực hiện chuyến phượt và dịp Tết. Lần thứ nhất là chuyến xuyên nửa Việt từ Hà Nội vào đến Hội An (đi qua các địa điểm Vinh, Đèo ngang, Quảng Bình, Quảng trị, Huế, đỉnh núi Bạch Mã, Đèo Hải Vân, Bán Đảo Sơn Trà) vào năm 2020. Anh Sơn nhớ đó là thời điểm phát hiện đại dịch Covid-19, vừa đi anh vừa lo, may mắn cả nhà đều an toàn trở lại Hà Nội sau chuyến đi.
Ý muốn đi phượt dịp Tết của anh Hồng Sơn xuất phát từ việc không muốn vợ con phải vào bếp tất bật cơm nước, rửa bát, dọn dẹp làm đủ thứ lễ, chúc tụng từ ngày này sang ngày khác. Năm nay, lịch nghỉ Tết dài ngày, anh Sơn định bụng sẽ thực hiện chuyến xuyên nửa Việt còn lại vào Sài Gòn. Tuy nhiên, vì đợt Tết miền Trung hay xuất hiện mưa, đồng thời anh mới hoàn thiện xong căn nhà ngoại ô ở Ba Vì nên gia đình muốn ăn Tết ở nhà mới. Vì vậy, chuyện đi lần này gia đình 4 người đến thăm thú tại các tỉnh thành thuộc vùng Tây Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ. Lý do anh Sơn lựa chọn hai vùng này bởi muốn tận mắt ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên với hoa đào, hoa mận.
Anh Sơn nhớ lại cảm xúc của vợ con khi biết sẽ được đi du xuân: “Mọi người không hình dung được con đường nên cũng chưa ấn tượng lắm, chỉ biết là được đi chơi. Vợ cứ sợ đi mệt cho các con, nhưng các cháu trên đường hào hứng ngắm cảnh và nhiệt tình chơi khi đi đến nơi. Biết hợp tác chụp ảnh khi đến nơi có cảnh đẹp”.
Ngay sau khi nhận được lịch nghỉ Tết anh Sơn khẩn trương lên kế hoạch để đưa gia đình đi chơi với cung đường Tây Bắc rồi vòng qua Đông Bắc bộ để về Hà Nội. Mọi công việc về thắp hương, chúc tết nội ngoại, dọn dẹp nhà cửa đều được hoàn thành trước ngày 30. Sáng Mồng 1 cả gia đình đã bắt đầu lên đường, bắt đầu từ Ba Vì – Hà Nội 2, đi một vòng cung Tà Xùa – Sơn La -> TP Điện Biên -> Sìn Hồ - Lai Châu -> TP Hà Giang –> Đèo Mẻ Pia Bảo Lạc, Đỉnh Phia Oắc Nguyên Bình Cao Bằng -> Cột mộc 1116 - cửa khẩu Hữu Nghị, Đỉnh Mẫu Sơn – Lạng Sơn -> TP Móng Cái, Vân Đồn, TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí, TP Hải Dương và kết thúc ở Hà Nội. Mỗi tối gia đình anh chị ngủ tại một tỉnh thành khác nhau. Tổng quãng đường cả nhà anh Sơn dài 2030km, thời gian đi là 8 ngày 7 đêm.
Nhắc đến địa điểm khiến anh Sơn ấn tượng nhất, anh nhanh chóng đáp: “Cảm giác được đón ánh bình minh giữa biển mây ở đỉnh núi Tà Xùa, mây trắng muốt đến tận chân trời, ôm trọn các ngọn núi. Thú thật lúc đó, mình đã quá ngỡ ngàng và thích thú”.
Bản thân đã có cơ hội đi nhiều cung đường đèo Khau Phạ - Mù cang Chải, Đèo Gió Cao Bằng, lên đỉnh Bạch mã, đỉnh Ba Vì nhưng cung đường thách thức anh Sơn nhất là đường lên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Đường nhỏ quang co và dài, ngoặt trái phải liên tục, lúc từ đỉnh xuống trời đã tối đen như mực. “Mình phải căng hết mắt để nhìn, phải ló đầu ra ngoài khi cua bên trái, Không nhìn kỹ là đâm vào vách núi hoặc là vào lan can ngay”, anh Sơn nhớ lại.
Về thời tiết, gia đình 4 người bất ngờ khi đặt chân tới đỉnh Phia Oắc (Nguyên Bình, Cao Bằng) với nhiệt độ ở chân núi là 6 độ C. Càng lên cao nhiệt độ càng giảm 4 độ, 2 độ, đến đỉnh chỉ còn -1 độ. Anh Hồng Sơn cho biết tại đây gió thổi mạnh và lạnh cóng, nhưng độ ẩm thấp nên không có tuyết.
“Vợ mình đi sát các gốc cây thấy có băng bám trên rêu ở thân cây lúc đó mới ngỡ ngàng, hối cả nhà chụp ảnh, được một tấm là cả nhà vào xe hết vì lạnh cóng hết tay. Đá lạnh thì thấy rồi nhưng băng từ mẹ thiên nhiên thì chưa bao giờ, và cũng muốn thử thách đứng ngoài trời ở nhiệt độ âm xem sao.”
Chuyến đi thứ hai đã đem lại cho gia đình của anh Sơn nhiều trải nghiệm thú vị, mới mẻ, khác hẳn không khí ở thành phố. Họ gặp gỡ những con người mới, trò chuyện và kết giao, được ăn nhiều món ngon, ngắm nhìn khung cảnh đẹp nhất trong năm, được ngủ trên những chiếc giường mới tại các địa điểm du lịch. Hơn hết, chính những thành viên trong gia đình đều cảm nhận thấy tình cảm được vun vén, xây dựng sau chặng hành trình dài 2030km.
Rèn luyện cho con tính tự lập, trau dồi vốn kiến thức ngoài sách vợ sau mỗi chuyến đi
Sau chuyến đi, điều anh Hồng Sơn cảm nhận rõ ràng, trực tiếp nhất là 2 đứa con của anh đã hiểu thêm về địa lý, địa hình miền Bắc của đất nước Việt Nam. Ông bố cho hay: “Các con biết được lịch sử chiến tranh hào hùng của Dân tộc Việt Nam khi đi thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Cả nhà được chụp nhiều cảnh kỷ niệm với nhau ở các địa điểm danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam tươi đẹp”.
“Qua các khu di tích lịch sử mình luôn chủ động chỉ cho các con hiểu được lịch sử chiến dựng nước và giữ nước của Việt Nam, không đơn giản để có được cuộc sống ngày hôm nay. Chỉ cho các con biết non sông gấm vóc của Việt Nam đẹp đến nhường nào”.
Hơn hết, điều mỗi bậc cha mẹ đều mong muốn là các con học được tính tự lập, hai bạn nhỏ của anh Sơn đã tự chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi, tự tìm hiểu các điểm sắp đến, đọc các tin tức về văn hóa, xã hội để hiểu rõ hơn về từng địa điểm. Cậu con trai thứ hai đặc biệt đã để ý để đọc và hiểu ý nghĩa của tất cả biển báo giao thông khi đi trên đường.
Anh Sơn cho biết tuy đi đường dài, đèo dốc nhiều không tránh khỏi việc các con dễ bị mệt nhưng bất ngờ là khi đến địa điểm mới hai bạn lại ùa ra khám phá, chụp hình. Hai bé lúc nào cũng hào hứng, sẵn sàng cùng bố mẹ chinh phục các đỉnh đèo, cung đường dài, động sâu trong lòng núi, đi bộ trong cánh rừng nguyên sinh, chinh phục các đỉnh núi cao chót vót. Điều cả gia đình anh Hồng Sơn yêu thích nhất là những tấm ảnh được coi là cực phẩm chụp bằng flycam ở độ cao 500m. Mỗi bức ảnh là những góc nhìn mà tất cả mọi người sẽ khó gặp ở cuộc sống hàng ngày.
Anh Sơn bộc bạch, bản thân và gia đình đã có kế hoạch về những chuyến đi sắp tới chỉ chờ có thời gian sẽ lại lên đường. “Đất nước Việt Nam rất nhiều cảnh đẹp và hùng vĩ. Nếu được nghỉ dài ngày mình vẫn nung nấu một chuyến đi xuyên Việt bằng oto, đi dọc chiều dài đất nước, bờ biển việt Nam rất đẹp”.
Sau chuyến đi này, bản thân anh Sơn cũng rút ra cho bản thân nhiều bài học, kinh nghiệm đi đường dài. Từ việc chuẩn bị tốt về phương tiện, kỹ năng đi đường, kỹ năng khám phá đến kỹ năng tìm chỗ ăn chỗ ngủ, kỹ năng phán đoán tình trạng giao thông trên đường để giảm thiểu mọi rủi ro. Đặc biệt là cần chuẩn bị tốt về cung đường, thời gian di chuyển để có thể khám phá mọi địa điểm an toàn và thú vị. Có con đồng hành, trong qua quá trình di chuyển anh Sơn lồng ghép các câu hỏi, yêu cầu để các con tự làm, tự tìm hiểu, chỉ bảo cho các con về địa lý về lịch sử, về thiên nhiên kỳ thú để có thêm kiến thức thực tế.
Phương Nga
Ảnh: NVCC
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất