Ghé thăm lễ hội cầu mưa ở vùng cao Tây Bắc dịp xuân mới

Thảo Nguyên 2016-02-15 08:31
- Thời tiết mưa thuận gió hoà đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người dân tộc vùng Tây Bắc. Để biến ước vọng đó thành sự thật, mỗi dân tộc lại có một cách cầu mưa khác nhau thông qua hình thức lễ hội, trong đó phổ biến nhất là lễ hội cầu mưa của người Thái và Lô Lô.

Lễ hội cầu mưa của người Thái

Dân tộc Thái Tây Bắc không chỉ được biết đến với hình ảnh các cô gái Thái rực rỡ váy hoa xoay tròn trong điệu múa xòe mà còn nổi tiếng với kho tàng đồ sộ về phong tục tập quán, tín ngưỡng. Một trong những tín ngưỡng đó là lễ hội Xến Xó Phốn hay còn gọi là lễ hội cầu mưa.

Người dân tộc Thái tin rằng, khi có một người phụ nữ không chồng mà sinh con thì vị thần linh cai quản mưa gió sẽ không làm mưa vì thương xót đứa trẻ không cha. Từ đó lễ Xến Xó Phốn ra đời. Lễ cầu mưa chính là lễ cúng các vị thần nước, thần sông suối để mời các thần  lắng nghe nguyện vọng của con người trách phạt những người phụ nữ không biết giữ mình, làm liên luỵ đến dân bản. Những lời cầu xin, trách móc được truyền tụng qua nhiều đời và đúc kết thành các bài cúng, các trò chơi trong lễ hội cầu mưa như ngày nay.

Lễ hội cầu mưa của người vùng cao Tây Bắc

Lễ cầu mưa của người Thái thường được tổ chức vào đầu mùa mưa hàng năm.

Trong phần lễ, người đóng vai trò chính (bà Mè Mải) sẽ dẫn đầu một đoàn người đến từng nhà để xin lễ vật, khi đã xin đủ thì đoàn người rước lễ vật đến địa điểm cúng. Bà Mè Mải sẽ bắt đầu bài cúng cầu mưa với nội dung mời chư thần về hưởng lễ và lắng nghe nguyện vọng của dân bản cầu. Đến khi nào sấm sét nổi lên và trời mưa xuống thì dân bản chuyển sang phần hội với các trò chơi ném còn, uống rượu cần, hát các bài hát về tình yêu.

Thực chất lễ hội cầu mưa của người Thái ở Tây Bắc không phải mang tính chất dị đoan mà qua lễ hội người Thái mượn yếu tố tâm linh để dạy bảo con người sống cho tốt hơn. Đồng thời lễ Xến Xó Phốn còn có ý nghĩa rằng con người và thiên nhiên có sự gắn kết, ràng buộc lẫn nhau. Việc tôn trọng thiên nhiên cũng chính là tôn trọng cuộc sống, qua đó đem lại những điều tốt nhất cho cuộc sống của con người.

Lễ hội cầu mưa của người Lô Lô

Dân tộc Lô Lô có khoảng 2000 người, sinh sống chủ yếu ở các xã huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Vào những năm thời tiết không thuận, người Lô Lô lại tổ chức lễ hội cầu mưa với mục đích mong các vị thần linh phù hộ cho tiết trời êm ả, mưa thuận gió hòa để cây trồng phát triển, đời sống bà con được đầy đủ, ấm no.

Ghé thăm lễ hội cầu mưa ở vùng cao Tây Bắc dịp xuân mới

Lễ hội cầu mưa của người Lô Lô thường được tổ chức vào các ngày 15, 17, 19 tháng 3 Âm lịch.

Lễ cầu mưa của người Lô Lô khá cầu kỳ, mỗi phần của lễ hội phải tiến hành trong khoảng 2 giờ. Người làm lễ gồm một thầy cúng chính và bốn người phụ (đều là nam giới). Khi buổi lễ bắt đầu, những người giúp việc sẽ cắt tiết chó, tiết gà rồi để nguyên con bày lên một chiếc mẹt to.

Lần cúng thứ nhất, thầy cúng sẽ mời thần linh 4 phương chứng giám cho lòng thành của dân làng, xin thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tốt tươi. Tiếp theo người giúp việc sẽ mang chó, gà đi chế biến để chuẩn bị cho lần cúng thứ hai. Lần này, thầy cúng và toàn thể dân đứng xung quanh mâm đồ lễ, gồm có: Một thanh kiếm bằng sắt (hoặc gỗ), một con gà luộc chín, ba dẻ xương chó, tim gan, một chai rượu, bốn chén, hai bát canh, một bó hương, bốn tập giấy bạc, một tập giấy bản, bốn ống hương bằng tre, vàng hương và 1m vải đỏ. Lần cúng này là để mời 4 vị thần linh cai quản 4 phương cùng ăn uống với dân bản để cảm ơn các vị thần sẽ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi hơn năm qua.

Lễ hội cầu mưa là ngày hội vui nhất của người Lô Lô. Trải qua bao đời, nó đã trở thành di sản văn hoá cần gìn giữ của các dân tộc vùng cao Tây Bắc. 

Thảo Nguyên

Ảnh: Sưu tầm

(Theo Congluan)

Xem thêm:
Video hot: Cách bó giò hoa ngũ sắc thơm ngon, đẹp mắt ăn Tết

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Serum phục hồi “Ngon - bổ - rẻ” được chị Hà Linh đánh giá cao