Du ngoạn sông Tiền khám phá trọn vẹn bộ tứ cù lao với giá chưa tới 500 ngàn

Nam Chấy 2017-04-21 06:15
- Được khám phá "tứ linh" sông Tiền trong một ngày, là một trải nghiệm du khách không thể bỏ qua khi đến với du lịch miền Tây sông nước.

Chỉ cách Sài Gòn chừng 75km theo lối QL1A, bộ tứ cồn Long, cồn Lân, cồn Quy, cồn Phụng là một điểm nhấn quan trọng của du lịch hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, thu hút rất nhiều du khách. Được gọi là "tứ linh" của dòng sông Tiền, đến đây bạn sẽ được cùng lúc thăm quan cả hai tỉnh, trải nghiệm cuộc sống sông nước miệt vườn, đặc biệt được giao lưu với những người nông dân chất phác, nghe đờn ca tài tử cùng thưởng thức rất nhiều món ăn ngon đặc sắc.

Đầu tiên để định hình thế nào là "tứ linh", bạn hãy đứng trên cây cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang và Bến Tre (là cây cầu dây văng lớn thứ ba đồng bằng sông Cửu Long) để quan sát. Đó là hình ảnh 4 gò đất, 4 cù lao xanh khổng lồ cùng nổi lên giữa mênh mông sông nước. Đều thuộc dòng sông Tiền nhưng cồn Long, cồn Lân ngày nay thuộc địa bàn thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; cồn Quy, cồn Phụng lại thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Hành trình khám phá "tứ linh" thường được bắt đầu từ bến phà Tân Long trong thành phố Mỹ Tho, sau khi thống nhất giá cả với nhà thuyền (thường dao động trong khoảng 200-300.000/ thuyền cho việc tham quan cả 4 cồn). Còn nếu bạn muốn đi theo tour thì phải mua vé trên trục đường 30/4 cũng trong thành phố. Giá 1 tour ghép là 80-100.000/ người, còn nếu muốn đi riêng trọn gói giá vé sẽ là 350-400.000đ.

Cồn Long hay còn gọi là cù lao Tân Long thuộc phường cùng tên gọi, thành phố Mỹ Tho. Kém nổi bật nhất trong "tứ linh" nhưng khi đến với cồn Long, du khách sẽ được thưởng thức "đã đời" đặc sản trái cây miệt vườn tại đây, từ sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, cam, xoài... Ngày nay cồn Long là nơi chuyên nuôi thủy sản trên bè và sửa chữa ghe tàu vì gần cảng cá Mỹ Tho nhất.

Tiếp theo hành trình du khách sẽ đến với cồn Lân, hay còn được gọi là cù lao Thới Sơn. Đây cũng là cồn lớn nhất trong 4 cồn nằm trên dòng sông Tiền với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Người dân cù lao Thới Sơn cũng biết làm du lịch sớm nhất với rất nhiều dịch vụ đa dạng, từ tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức đờn ca tài tử, đến việc đưa khách đi dạo quanh cồn bằng xe ngựa mà không một nơi nào có...

Đặc biệt nhất và hấp dẫn nhất với thương hiệu riêng của cồn Lân chính là dịch vụ chèo thuyền đưa du khách len lỏi trong kênh rạch chằng chịt, bao quanh là những rặng dừa nước xanh mướt ken đặc trên đầu. Đây cũng là một trong những hình ảnh được chọn là đặc trưng nhất, đại diện cho du lịch miệt vườn sông nước hai tỉnh Tiền Giang - Bến Tre bấy lâu nay.

Khám phá thế giới dừa nước, một loại cây rất thân thuộc của miền Tây, trong tiếng khua động mái chèo của các chị các mẹ mặc đồ bà ba, là một trải nghiệm không thể nào quên đối với bất kỳ ai khi đến với cồn Lân.

Đi dạo trong miệt vườn trái cây xum xuê ở cồn Lân, bạn sẽ được thưởng thức từng thức hoa quả do chính mình lựa chọn, tráng miệng bằng thứ nước uống dân dã mà độc đáo trà mật ong tại đây (ong chủ yếu chiết mật từ hoa nhãn nên mật có vị đậm đà rất riêng), kết hợp với vị chua của quất tạo thành một thức uống tuyệt vời mà không nơi đâu có được.

Cồn Quy thuộc địa bàn xã Tân Thạnh và Quới Sơn, huyện Châu Thành, cách trung tâm thành phố Bến Tre 22km đường sông. Ngày nay do bồi đắp tự nhiên, diện tích cồn Quy rộng đến 170 ha. Nhờ phù sa bồi đắp màu mỡ nên ngày càng có nhiều hộ dân đến đây sinh sống và khai thác đất trồng hoa màu và các loại cây ăn trái.

Bến Tre là xứ dừa nên không ngạc nhiên khi bạn có thể bắt gặp các sản phẩm liên quan đến dừa trên cồn Quy. Từ các xưởng chế biến món kẹo dừa nổi tiếng, kỳ công hơn đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa... đầy thân thương như món kem dừa mát lạnh này.

Và nhớ đừng quên bỏ lỡ các món ăn đặc sản của miền Tây Nam Bộ do chính bàn tay của người nông dân chất phác cồn Quy chế biến ra, là món gà nướng thơm lừng đắp đất, cá tai tượng chiên xù chính tay bạn bắt từ kênh rạch lên, con tôm càng xanh nổi tiếng miệt xứ và không thể thiếu "dừa" - một đĩa củ hũ dừa xào giòn sần sật nơi đầu lưỡi.

Chia tay cồn Quy chúng ta sẽ đến với ốc đảo xanh cồn Phụng, còn gọi là cồn Tân Vinh. Thế nhưng dân gian lại nhắc đến cù lao này với tên gọi khác: cù lao Đạo Dừa. Sỡ dĩ có tên gọi như vậy là do ngày xưa khi ông Nguyễn Thành Nam đến đây xây dựng chùa Nam Quốc Phật đã sáng lập ra giáo phái Đạo Dừa tu hành luôn tại đây. Và ngày nay vẫn còn nguyên những kiến trúc thờ tự độc đáo của Đạo Dừa như sân Rồng chạm trổ tinh xảo, tháp Hòa Bình nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo. 

Cồn Phụng ngày nay đã được cải tạo lại thành khách sạn phục vụ du khách gần xa nghỉ dưỡng. Với mục tiêu hướng đến du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh, cồn Phụng sẽ đáp ứng mọi nhu cầu ăn chơi, nghỉ ngơi của quý khách: từ thăm quan làng nghề mỹ nghệ dừa, chơi các trò chơi dân gian tát cá bờ ao, vượt cầu khỉ lắc lư, hay mạo hiểm với trò câu cá sấu, thưởng thức đờn ca tài tử...

Nam Chấy

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những người dám phanh phui showbiz Việt