K-Pop không phải "thủ phạm" khiến bọn trẻ nổi loạn
Tin liên quan
Cái cảnh tượng một loạt bạn trẻ đón đợi ở sân bay, thể hiện lòng hâm mộ thái quá và cuồng nhiệt đến mức khóc lóc, gào thét,... mỗi khi các ngôi sao K-pop đến Việt Nam đã chẳng còn xa lạ. Thậm chí, vì hâm mộ thần tượng mà con cái còn có cả những lời lẽ xúc phạm, hằn học dành cho bố mẹ khi bố mẹ không chi một khoản tiền đáng kể để các bạn ấy đến với “tình yêu” Kpop. Mỗi lần như thế, ta lại thấy tràn ngập những lời than thở, kêu ca, những sự phê phán, những cái nhìn đầy thất vọng về một thế hệ trẻ. Nào là vì sao các em không nghĩ đến biển Đông, không dành thời gian cho việc học hành, sao các em không khóc vì cha mẹ…
Tôi cũng không hề đồng tình với những hành động thái quá ấy trong biểu lộ tình cảm của tụi trẻ. Bản thân tôi không đánh giá cao dòng nhạc giải trí của K-pop, nó thiên về phô diễn hình thể, đánh vào những cảm nhận trực tiếp và khai thác những khía cạnh cảm xúc thay vì mở mang những cảm nhận thẩm mỹ có chiều sâu. Nhưng tôi cảm thấy những người trẻ đã yêu mến và bộc lộ tình yêu với K-pop, dù thái quá, cũng không phải là người xấu. Các em chỉ thể hiện tình cảm yêu và ghét như những gì vốn có ở trong lòng, các em không cố tình tâng bốc hay hạ thấp. Ở khía cạnh các em dám thể hiện đúng những gì mình nghĩ, làm đúng những gì khiến mình yêu, thì rõ ràng đây là tín hiệu tích cực và tiến bộ.
Vấn đề chỉ là các em đã chọn nhầm giá trị để tin theo, và sự nhầm lẫn ấy có một lý do hoàn toàn logic: đó là việc người trẻ gần như không được định hướng những giá trị thẩm mỹ theo cách mà các em thấy các em được cộng đồng tôn trọng. Nghĩa là chúng ta đã nói quá nhiều nhưng làm thì quá ít. Chúng ta đã nhồi nhét quá nhiều mà không cho các em cái quyền khám phá trong cảm hứng.
Chúng ta đã biến con em mình thành những cái tủ chứa đầy số liệu mà không nói với chúng về tình yêu giản dị với con người, với cuộc đời, về niềm vui được khám phá các giá trị thẩm mỹ chân chính trong đời sống. Chúng ta quá chú trọng vào việc gò ép con trẻ phải phân tích, giải thích mọi thứ theo một định hướng có sẵn, rồi phân biệt thứ tự thấp cao quá mức trong thành tích mà không cho chúng cái quyền cảm nhận một cách đơn sơ, nói lên tiếng nói dù ngô nghê của mình. Chúng ta căng thẳng trong việc “trừng trị”, xử lý học sinh chưa biết nghe lời mà không thật sự thừa nhận rằng chính chúng ta đang đẩy các em ra khỏi trái tim và vòng tay mình, bởi vì ở phía ta, các em không tìm được tiếng nói lắng nghe mình.
Trẻ em và thanh niên mới lớn đều nhạy cảm, điều gì khiến các em cảm thấy vui và an toàn, các em sẽ tự động tìm đến và ở lại. Các em không thích cái cách mà chúng ta định hướng, và vô tình ghét luôn cả những giá trị chân chính của truyền thống, của thẩm mỹ tích cực đã hình thành ở biết bao nhiêu thế hệ ông cha. Trong một thế giới mà các em không cảm nhận được sự chân thành và sẵn lòng lắng nghe từ cha mẹ, thầy cô, các em sẽ tìm đến những sự thể hiện ồn ào, những tiếng hò hét, khẳng định bản thân ngông cuồng, những lối ăn mặc sexy, thỏa mãn phần nhìn để trở nên nổi bật, để tin rằng mình có một giá trị riêng, để được tâng bốc và cảm thấy mình “chiến thắng”, “hơn người”. Theo một cách bản năng, các em dễ thần tượng những gì là quái tính, thay vì cá tính. Các em lao về phía những vùng sáng ảo và xếp tất cả những người không cùng sở thích với mình vào một “cái rọ” bảo thủ, “âm lịch". Nhiều bậc cha mẹ và thầy cô chúng ta cũng vậy, “dồn đống” tất cả những người trẻ yêu mến K-pop lại với nhau thành một nhóm những người “bất ổn”.
Rõ ràng, trong chuyện này, lỗi thuộc về chính những người giáo dục các em, trong đó có cha và mẹ. Bởi chúng ta làm những người trẻ cảm thấy mệt mỏi khi đến gần chúng ta. Chúng ta mê mải phán xét và chê trách quá. Chúng ta chú trọng đến phần “chiến thắng”, đến sức mạnh “chinh phục” các em quá mà quên mất, chính mình cũng cần phải lắng nghe để hiểu các em. Để thừa nhận những gì vốn cổ hủ, lạc hậu trong mình. Trong câu chuyện về sự bày tỏ và lắng nghe, nhiều khi cũng cần bỏ qua cái khái niệm bề trên - bề dưới, cái địa vị của một người “được ăn được nói” và một người “phải nghe”. Khi chúng ta thực sự khiến những người trẻ cảm thấy được tôn trọng, họ sẽ quan tâm hơn đến những gì mà chúng ta quan tâm và trân trọng. Sự thuyết phục khi ấy sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Nguyên Ân
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất