Dạy con ghi nhớ thông tin – bài học không thừa phòng khi trẻ đi lạc
2016-01-11 12:52
- Những thông tin cơ bản về bố mẹ, địa chỉ gia đình mà bạn đã dạy con ghi nhớ sẽ trở nên rất hữu ích trong trường hợp bé yêu của bạn đi lạc.
Tin liên quan
1. Vì sao cần dạy trẻ tập ghi nhớ thông tin?
Khi đưa con đến những nơi công cộng, chốn đông người,... sự hiếu động và tò mò của bọn trẻ với nơi mới lạ rất dễ làm chúng lơ là rồi tách khỏi bố mẹ, người thân để khám phá. Và rồi đôi khi chỉ vài phút không để mắt, bố mẹ đã để lạc mất con.
Rơi vào những trường hợp như vậy, những thông tin mà trước đó bạn đã tập cho trẻ ghi nhớ chính là công cụ quan trọng để những người tốt bụng xung quanh có thể giúp đỡ đưa trẻ về với bố mẹ hoặc người thân.
2. Dạy trẻ ghi nhớ thông tin vào thời điểm nào?
Việc dạy trẻ ghi nhớ thông tin nên được người lớn thường xuyên tập luyện để tạo một "vệt nhớ" trong suy nghĩ và trí nhớ của trẻ. Ngay từ thời điểm trẻ biết nhận thức và nói được, bạn có thể dạy dần cho trẻ những thông tin cơ bản.
Để tránh nhàm chán, đôi khi bố mẹ có thể lồng ghép những thông tin của mình trong những trò chơi, trò vận động của trẻ để việc tiếp nhận được dễ dàng hơn. Nằm tỉ tê nói chuyện với con rồi đặt ra những câu hỏi liên quan đến tên gọi, đặc điểm của bố mẹ hoặc của ngôi nhà, khu vực gia đình sinh sống cũng là một gợi ý hay cho các ông bố bà mẹ.
3. Dạy trẻ ghi nhớ những thông tin gì?
Nếu có thể, bạn hãy dạy cho trẻ ghi nhớ càng nhiều thông tin càng tốt. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi khác nhau, mức độ ghi nhớ và nhận thức của trẻ cũng có những mức khác nhau nên những thông tin cơ bản nhất mà bố mẹ có thể tập cho con ghi nhớ nên gồm:
- Tên tuổi của trẻ và của bố mẹ. Đây được coi là thông tin đầu tiên và rất dễ dàng để bố mẹ tập cho con nhớ. Tuy nhiên, hiện tại ở rất nhiều gia đình, trẻ được gọi bằng tên thân mật vô tình khiến trẻ quên đi tên chính trong giấy khai sinh của mình. Vì vậy, bố mẹ hãy dạy trẻ ý thức được rằng khi ra đường, nếu có người hỏi con tên gì hãy trả lời tên thật của mình chứ không phải là tên gọi đáng yêu mà ở nhà mọi người vẫn âu yếm gọi.
- Số điện thoại của bố mẹ. Thông tin này cực kì hữu ích bởi nếu trẻ ghi nhớ được tên và số điện thoại của bố mẹ thì chỉ cần một cuộc gọi, những người giúp đỡ trẻ có thể liên hệ được ngay để bạn đón trẻ về. Việc nhớ số điện thoại nên được bố mẹ tập cho trẻ hàng ngày bằng việc chơi với các con số. Thỉnh thoảng, hãy nhờ những người thân hoặc hàng xóm thử hỏi xem mức độ ghi nhớ của con.
Dạy trẻ nhớ các thông tin cơ bản như tên tuổi của mình, của bố mẹ, địa chỉ gia đình để phòng khi đi lạc
Bên cạnh tên tuổi, số điện thoại của bố mẹ thì địa chỉ gia đình hoặc đặc điểm khu vực nơi nhà bạn đang sinh sống cũng là một thông tin các ông bố bà mẹ nên cho con ghi nhớ. Ngoài việc dạy trẻ học thuộc địa chỉ thì mỗi lần đưa con ra ngoài, bố mẹ có thể tranh thủ chỉ cho bé tên đường hoặc đặc điểm khu vực gia đình sinh sống. Ví dụ như nhà mình nằm gần chợ, gần trường học hoặc gần nhà có hàng cây cổ thụ to… Sau những lần được người thân chỉ dạy những thông tin đó, trẻ có thể dần hình thành thói quen quan sát để việc ghi nhớ được dễ dàng hơn.
- Nơi làm việc của bố mẹ. Nhiều người cho rằng thông tin nơi làm việc của bố mẹ không thực sự quan trọng nhưng thực tế, theo ý kiến của các chuyên gia thì việc dạy trẻ nhớ thông tin càng nhiều thì càng có lợi trong trường hợp bé đi lạc. Đối với thông tin về chỗ làm việc của bố mẹ, bạn không cần dạy con quá chi tiết, chỉ cần đơn giản nói cho trẻ biết bố làm ở Viện nghiên cứu khoa học X, mẹ làm ở công ty Y. Khi con đi lạc, nhiều khi chỉ bằng một mẩu đăng tin "Bé A, 3 tuổi, con bố B làm ở Viện nghiên cứu X đi lạc" là đủ cho bố mẹ, người thân nhận ra bé để đón về.
4. Một vài tips cho bố mẹ để phòng ngừa trẻ đi lạc
- Khi bị lạc, tâm lý chung của trẻ là lo lắng, bất an, sợ hãi nên việc các bé không nhớ được thông tin về cha mẹ, người thân là điều dễ hiểu. Hãy kiên trì dạy con các kỹ năng khi đi lạc, nhất là sự bình tĩnh. Bố mẹ nên thường xuyên chỉ cho bé những người mặc đồng phục ở ngoài đường ví dụ như các chú công an, cảnh sát giao thông hoặc các bác bảo vệ và cho bé biết đó là những người có thể tin tưởng và tìm sự giúp đỡ.
Hãy thường xuyên chỉ cho trẻ biết những người mặc đồng phục như các chú công an, cảnh sát giao thông là những người đáng tin cậy để tìm sự trợ giúp khi đi lạc.
- Mỗi lần ra ngoài, bố mẹ nên cẩn thận để vào túi áo, túi quần của con những mẩu giấy nhỏ ghi thông tin của bé và của bố mẹ. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là khi trẻ chưa tự nhớ được thông tin của mình và người thân.
- Bố mẹ có thể đặt những chiếc vòng bạc khắc tên bé kèm theo số điện thoại của mình. Đây vừa là đồ trang sức vừa là những thông tin rất hữu ích trong trường hợp trẻ đi lạc.
Bảo Bình
(Theo Congluan)
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
30 phút làm thon gọn và săn chắc cơ (Phần 3)