Tú Michael: Tôi đã thoát khỏi nỗi sợ hãi của việc học Tiếng Anh như thế nào?
Tin liên quan
Là moondancer số 1 Việt Nam, người nổi danh với những điệu nhảy Moon dancing của ông hoàng nhạc Pop Micheal Jackson, Tú Micheal chia sẻ nguyên nhân khiến anh thích học tiếng Anh, lý do ban đầu là để hiểu được những bài hát mà thần tượng của anh –MJ cất lên làm lay động cả thế giới.
Bản thân anh sau khi được học ngoại ngữ sớm, giờ đây đã có thể đi dạy tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ. Tiếp xúc với nhiều học sinh, sinh viên học tiếng Anh, anh nhận thấy một điều là học viên Việt Nam nói tiếng Anh kém là bởi họ tự ti và chưa biết cách vượt qua nỗi sợ hãi. Bài chia sẻ dưới đây của Tú Michael sẽ giúp ích được rất nhiều các học viên đang muốn học tiếng Anh trong thời gian này.
“Tôi có điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh sớm, bản thân bố tôi đã khuyến khích tôi và chính ông cũng có trình độ tiếng Anh ông đã dạy tôi những từ vựng đầu tiên khiến tôi rất thích thú.
Sau đó, nhận ra được năng khiếu tiếng Anh cũng như niềm yêu thích của tôi dành cho ngôn ngữ này mà ba mẹ tôi đã cho tôi thi vào trường chuyên Anh. Mặc dù vậy, lớp chuyên Anh không như những gì mà tôi vẫn nghĩ, khối lượng bài tập khổng lồ cùng áp lực điểm số đã khiến cho tôi không thể duy trì sở thích của mình nữa, thay vào đó là sợ chán nản, sợ hãi mỗi khi bước vào lớp tiếng Anh.
Tôi đã phải cố gắng hết sức để theo kịp chương trình học nặng nề, cố gắng kiếm được những điểm số cao để làm hài lòng bố mẹ. Không những thế, cứ mỗi lần bị điểm kém tôi luôn phải nhận những cái lắc đầu và la mắng của bố mẹ.
Vậy là từ một đứa bé rất thích thú và đam mê học ngoại ngữ để khám phá thế giới xung quanh mình tôi bỗng chốc trở thành một câu học sinh thụ động suốt những năm cấp 2, cấp 3 cố gắng đem về những điểm số tốt. Thậm chí trong những năm cấp 3 khi được chọn đi thi học sinh giỏi tôi đã buộc phải khiến cho điểm số mình thấp đi để không bị cuốn vào guồng quay của việc luyện thi. Đến giờ khi viết những dòng này tôi vẫn còn cảm nhận được những áp lực đó dù cho cũng nhờ chúng mà tôi có thể tốt nghiệp cấp 3 và bước vào cánh cửa đại học.
Bước vào cánh cửa đại học, tưởng chừng cơn ác mộng đã kết thúc nhưng tôi lại tiếp tục bị đẩy vào một vòng quay mới, những giáo án mới, bài học mới hoàn toàn xa lạ khiến cho tôi cảm thấy tất cả những kiến thức tiếng Anh mình học được suốt những năm trung học chỉ như muối bỏ bể. Tưởng tượng một lớp học có gần 40 người và một chiếc băng catset mà hiếm hoi lắm chúng tôi mới có 1 buổi nghe, giáo viên dạy chúng tôi những từ vựng mà phát âm của chúng đến giờ khi vào đại học và được hướng dẫn bởi thầy cô nước ngoài tôi mới nhận ra rằng chúng không đúng.
Một lần nữa tôi lại bị áp lực điểm số với môn nghe nói. Tôi xin bố mẹ đi học tại trung tâm tiếng Anh bên ngoài để theo kịp kiến thức. Đến đây, một lần nữa tôi bị shock vì cách giảng dạy ở những trung tâm này, giáo viên nước ngoài và giáo trình chỉ tập trung vào những hoạt động vui chơi, không theo sát được học viên, các bạn học của tôi đều khá thụ động bởi họ không thể nắm được những kiến thức ngữ pháp cơ bản.
Với năng khiếu và tình yêu dành cho âm nhạc, đặc biệt là những bản nhạc với ca từ ý nghĩa của Michael Jackson, tôi bắt đầu lên mạng tìm kiếm lời bài hát, viết chúng ra và rồi cố gắng nghe những ca khúc của MJ, của các nghệ sĩ nước ngoài, cố gắng viết ra những từ mà tôi có thể nghe rồi đối chiếu với lyrics mà tôi đã in ra một cuốn sổ trước đó.
Tôi có một người bạn, cậu ấy cũng đam mê tiếng Anh và cũng có những khó khăn với việc học tiếng Anh, chúng tôi đã thống nhất với nhau rằng sẽ dùng tiếng Anh để trò chuyện mỗi khi gặp nhau bất cứ khi nào có thể. Quá trình này cứ diễn ra âm thầm trong một thời gian đến mức chính tôi cũng không nhận ra rằng khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình đã cải thiện rất nhiều kể từ thời điểm đó, tôi có thể tự tin hơn trong việc nói tiếng Anh, có thể nghe và hiểu được những đoạn hội thoại của người khác, điều mà trước kia đối với tôi là cả một cơn ác mộng, điểm số trên lớp của tôi dần được cải thiện, thậm chí tôi có đủ tự tin để đi dạy thêm gia sư để truyền lại kinh nghiệm của mình cho những bạn trẻ khác.
Chính quãng thời gian làm sinh viên và đi dạy gia sư đã cho tôi những kinh nghiệm quý báu mà không trường lớp nào có thể mang lại, được tiếp xúc và tìm hiểu những tâm tư trăn trở lâu nay từ 2 phía, 2 góc nhìn khác nhau của các phụ huynh, các em học sinh sinh viên khi mong muốn có được một nền tảng ngoại ngữ tốt. Ngoài ra tôi cũng có điều kiện được tiếp xúc với 1 số giáo viên nước ngoài có quan tâm tới giáo dục Việt Nam và họ đã chỉ ra cho tôi 1 số vấn đề sau:
Học sinh Việt Nam luôn gặp những khó khăn trong việc nhớ từ mới, trong việc phát âm và nghe tiếng Anh và đặc biệt là tính kiên trì những vấn đề này phát sinh là do việc giáo dục thụ động, học sinh đi theo một lối mòn, muốn nhồi nhét càng nhiều ngữ pháp càng tốt.
Nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi, vấn đề mấu chốt nhất ở đây thuộc về tâm lý. Cụ thể là tâm lý của học sinh, phụ huynh và thậm chí, tâm lý chung của các trung tâm đào tạo Tiếng Anh.
Các bạn trẻ luôn có tâm lý học tiếng Anh chỉ nhằm thi các cuộc thi như IELTS, Toiec để lấy điểm cao nhằm xin việc vào các công ty nước ngoài hoặc du học. Thậm chí có một vài em đã nói với tôi rằng chỉ mong được điểm cao đi học và thoát khỏi sự kiểm soát của bố mẹ, được tự do ăn chơi, chứ không có đam mê thực sự. Điều này khiến tôi tự hỏi liệu đây có phải lý do dẫn tới việc các trung tâm tiếng Anh và các trung tâm tư vấn du học mọc như nấm?
Các phụ huynh có điều kiện luôn chi bội tiền cho con em mình để theo học các trường quốc tế hoặc trung tâm tiếng Anh với những lời mời chào như 100% giáo viên bản địa trong khi chính bản thân họ không thể theo sát được việc học của con, mà không biết rằng con em mình chỉ coi việc học tiếng Anh như một môn học để làm hài lòng bố mẹ.
Thậm chí đã có những phụ huynh chỉ quan tâm tới điểm số của con mà không hề quan tâm xem con mình nhận được những gì từ những trường đại học nước ngoài. Tôi biết có một bộ phận không nhỏ những phụ huynh cảm thấy tự hào khi con mình được gắn mác là “Du học sinh” với hy vọng con mình có cơ hội làm việc tại nước ngoài hoặc về nước sẽ có những cơ hội làm việc tốt hơn so với các sinh viên trong nước. Một lần nữa tôi tự hỏi liệu các bậc phụ huynh trên có nhận ra chính ngay trong những trường mà con mình đang du học cũng có những trường phù hợp hoặc không phù hợp với con em họ?
Về phía các trung tâm đào tạo Tiếng Anh, tâm lý của họ là muốn phụ huynh chi càng nhiều tiền càng tốt và học sinh đi học càng nhiều càng tốt. Có mấy trung tâm thực sự quan tâm đến chất lượng và hỗ trợ học viên sau khóa học? Chẳng thế mà một số người bạn của tôi làm việc ở các trung tâm Tiếng Anh đều kêu trời về áp lực doanh số và chỉ tiêu tuyển sinh. Các bậc phụ huynh vẫn hay than thở là tốn kém bao nhiêu tiền để cho con em họ đi học Tiếng Anh ở các trung tâm đắt đỏ.
Một người bạn tôi có điểm số IELTS 6.5 đã chia sẻ với tôi rằng cô ấy vẫn gặp những khó khăn khi giao tiếp với người nước ngoài. Ngược lại những người bán rong hoặc đánh giày thường xuyên phải tiếp xúc với người nước ngoài, họ không được đào tạo tiếng Anh trên trường lớp lại khá tự tin và có thể giao tiếp với người nước ngoài.
Tôi tin rằng để học tốt Tiếng Anh hay bất kỳ một môn ngoại ngữ nào thì tâm lý thoải mái là quan trọng nhất. Hãy nhìn những đứa trẻ, hãy nhớ lại chính bản thân chúng ta khi bập bẹ, ê a tập nói, tập đọc. Chẳng phải chúng ta đang học một ngoại ngữ với một tâm lý thoải mái để khám phá thế giới xung quanh hay sao?
Vậy làm cách nào để vượt qua nỗi sợ hãi khi học tiếng Anh? Hãy học tiếng Anh vô tư như một đứa trẻ tập nói, đừng sợ sai, đừng ngại sai, bạn chắc chắn sẽ nói được tiếng Anh tốt nếu như bạn mang tâm thái đó đi học!”.
Tú Michael
Bài: Diệu My
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất