Tìm việc đừng “kén cá chọn canh”!

2015-07-24 10:49
- Khi bạn cho rằng “chỉ tìm những công việc phù hợp đúng với chuyên ngành mình học” trong khi bạn vừa mới ra trường và chưa có kinh nghiệm, tức là bạn đã giới hạn mình và tạo cho mình vào thế khó rồi đấy!

Tìm việc với tiêu chí gần nhà

Thu tốt nghiệp bằng giỏi trường Kinh tế, kĩ năng mềm khá tốt, nhanh nhẹn, thông minh và thể hiện rõ được cá tính nổi bật nên cô đã lọt vào vòng tuyển dụng của một công ty đầu tư bất động sản khá có tiếng trong ngành. Sinh viên vừa ra trường, kinh nghiệm ít ỏi nhưng được nhận vào làm việc ở một môi trường như vậy có thể nói là trong mơ so với nhiều sinh viên khác.

Trong công việc Thu cũng tỏ ra là người được việc và có tinh thần cầu tiến cao. Nhìn chung, cô là một nhân tố tiềm năng của công ty ở mảng tư vấn khách hàng và chốt bán sản phẩm.

Công ty mở rộng địa bàn hoạt động nên muốn mở thêm chi nhánh ở Củ Chi, trong khi trụ sở Thu đang làm lại ở quận 1 ngay gần nhà. Sau khi có lịch điều chuyển nhân sự về đó thì Thu nói chuyện với phòng nhân sự để mình ở lại trụ sở làm việc với lý do, gia đình và bạn bè đều ở quận 1 và quận 3, giờ chuyển sang Củ Chi quá xa và Thu không thể đảm bảo đi lại được.

Tìm việc đừng “kén cá chọn canh”!

Phòng hành chính nhân sự lập tức có cái nhìn khác về cô nhân viên mới, họ cho rằng Thu không có chí tiến thủ và đang “kén cá chọn canh” chọn việc gần nhà với lý do không thuyết phục, vì ban đầu khi phỏng vấn cô nói sẵn sàng đi công tác khi được yêu cầu, thế mà bây giờ công ty điều cô sang bên chi nhánh mới cô lại không đi. Mà có lẽ Thu vẫn còn trẻ người non dạ nên không biết, việc điều chuyển cô sang bên đó làm nhân sự cốt cán, nếu cô chứng minh được năng lực của mình thì chắc chắn cơ hội thăng tiến nằm trong tay.

Chỉ vì kén cá chọn canh, chọn việc gần nhà mà Thu đã tự đánh mất đi cơ hội của mình. Tuổi trẻ nên cũng không nghĩ đến cơ hội và sự nghiệp nhiều thì phải, sau bất đồng với vụ chuyển công tác đó thì Thu nghỉ việc và xin việc tư vấn ở một công ty khác nhỏ hơn nhưng ở gần nhà để cô còn có thời giờ giao lưu với bạn bè sau những giờ làm việc hành chính căng thẳng.

Luôn thích xin vào những công ty lớn mà không lượng sức mình

Huy lại là một trường hợp “kén cá chọn canh” khác. Tốt nghiệp trường Ngoại Thương, một trường đào tạo có tiếng trong nước nên Huy cũng có chút “ảo” tự cho rằng mình là dân học trường đỉnh, bạn bè cũng công tác nhiều ngành nghề quan trọng và có mức thu nhập trong mơ nên Huy không thể hạ mình đi xin việc ở những công ty nhỏ vì sợ mất mặt!

Cái lý do rất củ chuối ấy khiến cậu rải CV khắp nơi, phỏng vấn bao nhiêu công ty lớn nhưng vẫn bị out vì thực ra cậu không phải là một ứng viên có năng lực như cậu nghĩ ngoài việc ảo tưởng bản thân học hành ở một trường rất oách và có một bộ sưu tập các loại chứng chỉ trong tay.

Trong khi bạn bè ra trường một năm và có việc làm ổn định thì Huy vẫn nuôi tham vọng vào làm ở một tập đoàn có tiếng “không xin việc thì thôi, đã xin là phải xin vào những nơi như thế cho bõ”. Cuối cùng cậu cũng lọt vào một công ty như cậu mong muốn. Ban đầu Huy hả hê và quyết tâm lắm, lên facebook khoe ầm ĩ là mình được làm việc ở một môi trường tuyệt vời nhất Việt Nam, rồi thì sếp là người giàu nhất Việt Nam, rồi thì tập đoàn khủng nhất Việt Nam, cái gì cũng hoành tráng, trong khi bản thân cậu chỉ là nhân viên thử việc ở vị trí tư vấn khách hàng.

Tìm việc đừng “kén cá chọn canh”!

Dù sao việc vào làm việc tài tập đoàn V.G cũng khiến Huy nở hết mặt mũi vì thời gian nằm gai nếm mật trôi qua, giờ là lúc hạ quyết tâm để làm việc cho thật tốt. Thế nhưng trên đời không phải cái gì mình muốn là được, áp lực công việc đi kèm với mức lương mà một tân cử nhân non kém kinh nghiệm như Huy không thể đảm nhận. Liên tục bị khách hàng phàn nàn vì thái độ làm việc không chuyên nghiệp, tư vấn kiểu lôi kéo, cố ép khách hàng đặt cọc chứ không quan tâm đến quyền lợi của khách hàng, bị phản ánh lên tổng đài, Huy bị note liên tục lỗi vi phạm trong ba tháng thử việc và trừ lương, phê bình.

Từ việc hân hoan khi làm việc ở một môi trường tốt nhất Việt Nam, Huy bắt đầu thấy hoang mang khi không thể đáp ứng được tiêu chí làm việc, áp lực về deadline, doanh số cuối tháng, báo cáo công việc, các mối quan hệ với đồng nghiệp khiến chàng thanh niên trẻ ngạt thở! Những tưởng mình giỏi, không ngờ vào đây mới biết mình chẳng là gì, tất cả những đồng nghiệp đều hơn mình gấp nhiều lần và họ làm việc như đã được lập trình, trơn tru và chuyên nghiệp trong khi bản thân mình thì vất vả khổ sở mà vẫn sai! Có đôi lúc Huy nghĩ “là do mình đã tự đưa mình lên vị trí quá cao mà không biết rõ khả năng của mình đến đâu!”, cậu cũng muốn chuyển việc để giảm tải stress do công việc mang lại, nhưng nghĩ đến việc mình chưa qua giai đoạn thử việc mà đã nghỉ thì kém quá, bạn bè nó lại cười cho, thế là Huy ngậm đắng nuốt cay với đống áp lực và tự nhủ cố gắng mỗi ngày, nhưng dường như đó cũng chỉ là biện pháp đối phó vì thực ra cậu đã chán việc lắm rồi!

Kết

Tình trạng “kén cá chọn canh” ở tân cử nhân mới ra trường không hiếm, nguyên nhân là do tuổi trẻ nên chưa có cái nhìn bao quát về công  việc, cái Tôi quá lớn, kinh nghiệm ít, chưa có mục đích sống rõ ràng, háo danh, lười biếng, không biết lượng sức mình…tất cả những yếu tố đó khiến các ứng viên trẻ rơi vào tình trạng chán việc và nhảy việc liên tục!

Nam Trung
 (Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Mẹo khắc phục điều hoà chảy nước gây nấm mốc khó chịu