Chuyện cái bánh chưng: Xấu xí, thô lậu và những ký ức quê mùa cũ kỹ nhưng ai yêu thì cứ yêu thôi

I Am NGA 2022-02-12 09:45
- Cuộc “phím chiến” trên mạng về bánh chưng suốt mấy ngày qua cũng giống những trận cãi nhau về giữ hay bỏ Tết, về chiếc áo dài và đủ thứ trên đời. Ai yêu cứ yêu, ai ghét cứ ai, nếu nó vẫn tồn tại tức nó vẫn có một giá trị riêng.

Sống ở thời kỳ mạng xã hội và thông tin bùng nổ, chúng ta khó có nổi một ngày bình yên. Đương yên đương lành, tự dưng lại có cái status viral để khuấy không khí lên một tí và thế là cộng đồng mạng lại có cớ lao vào “xé” nhau. Như chiếc status mắng xéo bánh chưng của nữ nhà văn nọ với hàng nghìn lượt chia sẻ đã gây ra một cuộc tranh cãi. Người thì đồng tình, người thì phản đối gay gắt, người thì đưa ra ý kiến tranh luận, phản biện.

Chiếc bánh chưng: Yêu hay ghét trong sự thân thuộc?

Chúng ta ai cũng lớn lên với những chiếc bánh chưng trên mâm cỗ ngày Tết và cả những ngày không Tết. Những ai lớn lên ở nông thôn còn có những kỷ niệm gắn bó với nồi bánh chưng những ngày cận Tết nữa. Ở thành phố ngày càng hiện đại, người ta bớt cầu kỳ hơn, chỉ mua lấy đôi ba chiếc thắp hương cho có lệ. Nhưng dù ở đâu, trên khắp đất nước Việt Nam này, thấy Tết là thấy bánh chưng.

Trẻ nhỏ từ khi mới đi học đã biết được ý nghĩa của chiếc bánh chưng bánh dày qua sự tích về hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương. Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dày tượng trưng cho trời. Trong chiếc bánh chưng có đủ những nguyên liệu gắn bó với nhà nông như gạp nếp, đỗ xanh, thịt lợn, gói bằng lá dong và vì thế chiếc bánh được xem là biểu tượng văn hóa lúa nước của người Việt. Tính biểu tượng là thứ mà dù yêu hay ghét, dù quan tâm hay lãnh đạm, người ta vẫn buộc phải thấy một cái vẻ quen thuộc, tự nhiên như cách nó hiển hiện trong cuộc sống của ta.

Yêu hay ghét bánh chưng cũng đâu cần ‘xé’ nhau bằng câu chữ?

Đối với bánh chưng, có người thích, có người không nhưng đa số đều mặc nhiên chấp nhận đó là một phần của văn hóa, ẩm thực Việt mà ít ai mang ra chất vấn liệu nó còn phù hợp. Tuy nhiên, chín người mười ý, bất cứ cái gì người ta cũng có thể đem ra để tranh luận, lần này đến lượt bánh chưng.

Tác giả bài viết gây tranh cãi đã dùng khá nhiều từ có phần nặng nề khi nói về bánh chưng, rằng nó “thô, nặng, dềnh dàng, xơi một góc đã nghẹn và hứa hẹn phần còn lại là bội thực”. Người này cũng nói về công đoạn chế biến bánh chưng như “kháng chiến trường kỳ”, “đầy nguy cơ nhão nhoét, thiu, mốc, sống, sượng, lại gạo”. Đến khi thưởng thức thì “bước bóc bánh nên gọi chân thành là tra tấn”, “đến cuối bữa chỉ còn là một di tích lạnh lẽo, xám xịt, tả tơi trên mâm cỗ”. Phần sau của một bài viết rất dài, tác giả lật ngược vấn đề khi nói về giá trị văn hóa của chiếc bánh chưng.

Nhìn số lượt like, share và comment đủ để biết nhiều người đồng tình với tác giả thế nào. Đọc những gì tác giả “mắng xéo” bánh chưng, người dễ tính nhất cũng phải nhíu mày, còn những người phản đối thì sôi máu, giận tím mặt, gây nên cuộc “phím chiến” mới trên mạng.

Yêu hay ghét bánh chưng cũng đâu cần ‘xé’ nhau bằng câu chữ?

Tết cần bánh chưng chứ bánh chưng đâu cần có Tết

Phải công nhận là bánh chưng có nhiều nhược điểm, gây bất tiện và không phải ai cũng thích món ăn truyền thống “đậm đà bản sắc dân tộc” này. Những nhược điểm của bánh chưng thì tác giả đã kể không sót một chút nào trong bài viết của mình. Nhưng cuộc đời này có gì hoàn hảo đâu mà đòi bánh chưng phải hoàn hảo? Vậy ngoài những điểm khiến nhiều người “thấy ghét” thì bánh chưng có gì?

Về giá trị ẩm thực, bánh chưng là một trong những món ăn ngày Tết giúp giảm thời gian nấu nướng cho những bà, những mẹ nội trợ. Mâm cơm Tết có nhiều món làm sẵn, tùy từng vùng miền mà có giò, chả, dưa hành, củ kiệu, nem rán, thịt gà luộc, thịt kho… Bánh chưng để ăn dằn bụng cho có hơi gạo, hay đủ lượng tinh bột. Mỗi người ăn một xắt bánh chưng là vừa miệng, ai thòm thèm thì ăn thêm miếng nữa, nếu phát nghẹn thì thôi chứ “cố đấm ăn xôi” làm gì.

Yêu hay ghét bánh chưng cũng đâu cần ‘xé’ nhau bằng câu chữ?

Dù thích ăn bánh chưng hay không thì với nhiều người, mâm cơm Tết thiếu bánh chưng là chưa tròn vị, mâm cúng dâng ông bà tổ tiên thiếu bánh chưng là thiếu sự chỉn chu thành kính. Cách cắt bánh chưng cũng đặc biệt, người ta không cắt bằng dao mà dùng chính những sợi lạt để cắt bánh. Chiếc bánh cắt ra có đẹp, có gọn gàng hay không cho thấy cái khéo, cái duyên của người bóc bánh.

Với những thế hệ 8X, 9X đổ về trước, chiếc bánh chưng còn gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ, cả nhà quây quần gói bánh chưng và thức xuyên đêm trông nồi bánh chưng chờ trời sáng. Tiết trời những ngày giáp Tết lành lạnh, ngồi cùng nhau bên nồi bánh chưng có bao nhiêu câu chuyện để kể.

Ở thành phố bây giờ người ta ít gói bánh chưng vì mà thường đặt mua cho tiện. Song một số nơi như trường học, các doanh nghiệp vẫn tổ chức gói bánh chưng như một hoạt động tôn vinh văn hóa truyền thống. Có lần tôi vào một hội nhóm yêu bếp, có chị sống ở nước ngoài, không kiếm được lá dong vẫn bày cách gói bánh chưng bằng màng bọc thực phẩm và luộc trong nồi áp suất. Dù người ta có yêu ghét bánh chưng thế nào thì với nhiều người, bánh chưng vẫn là phần hồn không thể thiếu vào mỗi dịp Tết.

Nhưng cũng phải thành thực rằng, không phải thấy bánh chưng là thấy Tết mà đúng ra là: thấy Tết là thấy bánh chưng. Bánh chưng được người Việt ăn quanh năm, làm thức cúng trong những ngày Rằm, Mồng Một hay lễ lạt đền chùa miếu mạo. Bánh chưng cũng là món quà sáng phổ thông được bán khắp nẻo phố phường lẫn làng quê. Chiếc bánh vuông nhỏ luộc chín rền hoặc rán trên mâm nhôm được ưa chuộng cùng nhiều thức quà quê khác nơi phố thị như củ khoai lang, chiếc bánh giày giò, bắp ngô luộc chứ không chỉ là phở bò hay bánh mì pate.

Và vì thế, bánh chưng chẳng cần đến Tết để tồn tại. Có chăng, ngày Tết khoác lên bánh chưng cái vẻ mĩ miều cao sang hơn thường nhật mà thôi.

Yêu hay ghét bánh chưng cũng đâu cần ‘xé’ nhau bằng câu chữ?

Có nên cách tân bánh chưng cho hợp thời?

Thời đại bây giờ, nhiều người không còn sợ đói mà sợ béo, thế hệ trẻ không cần vượt khó nữa mà phải “vượt sướng”. Thế nên chiếc bánh chưng truyền thống có vẻ không còn hợp thời. Nhiều người đã đặt ra vấn đề nên chăng biến tấu bánh chưng cho mang hơi thở của thời đại hơn?

Thực tế, người ta đã nỗ lực “cách tân” bánh chưng, từ bánh chưng nhiều màu đỏ, tím, xanh đến bánh chưng nhân cá hồi, nhân thịt bò, nhân trứng muối. Nhưng sau cùng chiếc bánh chưng truyền thống với nhân đỗ xanh, thịt lợn vẫn phổ biến nhất và cho thấy hương vị hòa quyện nhất.

Yêu hay ghét bánh chưng cũng đâu cần ‘xé’ nhau bằng câu chữ?

Chiếc áo dài quốc phục của Việt Nam cũng trải qua nhiều lần cách tân, áo dài Lemur, Lê Phổ, Raglan,… và hiện tại vẫn không ngừng được làm mới. Song hình tượng chiếc áo dài truyền thống với tà dài, rộng, eo ngực ôm sát, cổ cao nhẹ vẫn được xem là chuẩn mực.

Không chỉ bánh chưng, người ta còn từng tranh cãi về việc có nên bỏ Tết Nguyên Đán, có nên gộp Tết Âm lịch và Dương lịch lại với nhau, có nên tiếp tục chiếu Táo Quân, đồng phục nữ sinh có nhất thiết phải mặc áo dài. Những cuộc tranh cãi này không bao giờ có hồi kết, cái gì còn được giữ lại là những gì được số đông ủng hộ. Như chương trình Táo Quân sau một năm tuyên bố dừng sản xuất đã quay trở lại với sự yêu mến của đông đảo khán giả truyền hình.

Kết

Sau những cuộc tranh cãi nảy nửa thì hãy nhớ rằng tác giả của bài viết về bánh chưng đã khẳng định “Tôi vừa ghét biểu tượng vừa lãnh đạm với truyền thống”, và vì thế tất cả những lí lẽ, lập luận của họ đều xuất phát từ thiên kiến cá nhân. Mà trên mạng xã hội, ai cũng có một “sân khấu” riêng để phát ngôn quan điểm của mình.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bụng 3 ngấn cũng phải tự mà phẳng mà thon nhờ nước ép giảm cân thần thánh