Bạn học bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn ‘hành’ thế nào

I Am NGA 2022-02-11 10:00
- Bạn học bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là bạn còn giữ lại được bao nhiêu kiến thức trong đầu và vận dụng nó vào cuộc sống ra sao.

Có lẽ bạn đã từng nghe rất nhiều lần lời khuyên rằng nên học hỏi không ngừng những kiến thức, kỹ năng mới để phát triển bản thân. Dịp đầu năm mới cũng là thời điểm thuận lợi để reset bản thân và có thể học thêm cái gì đó mới. Bản thân tôi tự nhận mình là một người học trọn đời (lifelong learner), những năm qua tôi đã học hỏi được nhiều thứ và kỳ nghỉ Tết vừa rồi tôi có dịp nhìn lại để xem mình học nhiều nhưng “hành” được bao nhiêu?

Học những gì và bao nhiêu là đủ?

Tự nhận mình là người “thích học nhất trên đời”, mắt tôi luôn sáng rực rỡ mỗi khi có cơ hội học được cái gì đó mới. Về lý thuyết, khi bạn học những cái mới, não sẽ tạo ra những liên kết mới và rất có ích cho sự phát triển của tư duy. Bên cạnh đó, những gì bạn học được “không bổ ngang cũng bổ dọc”, chúng đều ít nhiều có ích cho cuộc sống của bạn. Thế nên trong quá khứ tôi từng học bất cứ cái gì tôi cảm thấy hứng thú và thấy cần thiết cho công việc, cũng như cuộc sống của mình.

Bạn học bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn ‘hành’ thế nào

Sau này tôi cũng nhận ra những hạn chế của mình trong việc học, đó là chưa rõ ràng giữa việc học thứ mình thích và học thứ mình cần. Điều đó khiến thời gian và sức lực của tôi bị phân bổ dàn trải, thiếu đi sự tập trung nên chưa đạt được hiệu quả tốt nhất. Vì thế khi theo đuổi lối sống tối giản, tôi quyết định phải dằn lòng bỏ bớt những thứ mình thích nhưng lại không phải sở trường của mình.

Cuối cùng tôi gói gọn lại những thứ mình học trong hai nhóm: những thứ mình cần và những thứ mình thích. Biển học là vô tận, thế nên việc bạn chọn học cái gì đó cũng là cái duyên. Cách tốt nhất là cần gì học nấy, cần đến đâu học đến đấy. Chẳng hạn vì yêu cầu công việc, tôi phải học thêm kỹ năng thiết kế, dựng video. Tôi không cần mất đến 4 năm đại học để học thêm một ngành mới, tôi không cần thành thạo như những người dựng phim chuyên nghiệp, chỉ cần đủ dùng cho công việc của mình.

Bên cạnh đó, chúng ta sống ở cuộc đời này, ngoài việc tạo ra giá trị cho xã hội, ai cũng xứng đáng được hạnh phúc với cuộc đời mình. Học những thứ mình thích chính là học cho mình, nó có thể không giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn nhưng sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn. Khi học những cái mình thích, chúng ta hoàn toàn tự do về thời gian và tâm trí.

Bạn học bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn ‘hành’ thế nào

Học nhiều nhưng vận dụng được bao nhiêu?

Trước dịp nghỉ Tết tôi ngẫu hứng đăng ký tham gia một lớp học về viết lách. Viết là thế mạnh của tôi, là công việc mà tôi có thể làm tốt nhất nhưng tôi cũng chỉ đang ở mức độ viết tốt chứ chưa phải viết hay và có bản sắc riêng. Khi quyết định hạn chế việc học lan man, dàn trải những cái mới mà quay về bồi dưỡng thế mạnh của mình, tôi nhận ra chỉ riêng lĩnh vực viết thôi cũng rất đa dạng, phong phú mà bạn có thể học cả đời cũng không hết. Với thế mạnh viết lách, bạn có thể viết báo, viết bài PR thương hiệu, viết kịch bản, viết truyện, viết tản văn… từ những thể loại hư cấu đến phi hư cấu. Mỗi lĩnh vực chuyên môn cũng có những bài viết đặc thù như tài chính, sáng tạo, kinh doanh,… và chỉ với khả năng viết tốt, bạn cũng không thể viết về mọi thứ nếu không đủ kiến thức.

Khi tham gia một lớp viết sáng tạo với thể loại hư cấu, tôi mới lục lại tài liệu liên quan đến việc kể chuyện, cấu trúc ba hồi. Đó là những thứ tôi đã học rồi, đã “hành” rồi, thậm chí còn nhận job kiếm tiền với nó rồi nhưng khi đọc lại những gì mình từng viết, tôi thấy xa lạ như ai đó viết chứ không phải mình. Tôi mới nhận ra, những gì mình từng học, nếu không được hành thường xuyên thì cũng sẽ dần mai một đi.

Bạn học bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn ‘hành’ thế nào

Robert Kyosaki, tác giả bộ sách Dạy con làm giàu nổi tiếng có câu nói rất hay về quản lý tài chính cá nhân: “Bạn kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng bằng việc bạn giữ lại được bao nhiêu tiền và khiến cho tiền sinh sôi nảy nở”. Đó là nguyên tắc quan trọng trong việc kiếm tiền, tiết kiệm và đầu tư để tiền lại đẻ ra tiền.

Tôi thấy chúng ta cũng có thể áp dụng câu nói này trong việc học của mình. Chẳng hạn, nếu coi những kiến thức bạn học được như vốn liếng mà bạn có thì bạn học bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn giữ lại được bao nhiêu kiến thức trong đầu, và thực hành nó ra sao. Kiến thức không được vận dụng thường xuyên cũng sẽ dần rơi rụng hết, kiểu học trước quên sau.  

Bạn học bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn ‘hành’ thế nào

Có những người thích học lý thuyết trước rồi mới thực hành. Có người lại thích học từ trải nghiệm thực tế và coi thường lý thuyết. Người ta có câu, học phải đi đôi với hành. Chúng ta có thể học từ những trải nghiệm của người đi trước để tránh được sai lầm có thể gặp phải cho bản thân. Khi đã ngấm đủ những bài học từ sách vở, là lúc chúng ta đẩy kiến thức ra ngoài cuộc sống để bắt đầu hành trình học từ trải nghiệm của chính mình.

Thay vì vội vã chạy theo học những cái mới, bạn hãy thử nhìn lại xem mình đã học được những gì, mình đã vận dụng ra sao, mình còn muốn học thêm những gì và chúng có thật sự quan trọng ở thời điểm hiện tại không? Hiểu được lẽ đó, hành trình học hành của bạn sẽ hiệu quả và mang lại nhiều niềm vui hơn.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Chỉ cần nằm hóp bụng và tập 3 động tác này bụng ngấn mỡ đến mấy cũng thon gọn