Xem ‘Thương ngày nắng về’, chạnh lòng vì sự khác biệt giữa MẸ ĐẺ với MẸ CHỒNG

I Am NGA 2022-01-06 09:52
- ‘Thương ngày nắng về’ đã khắc họa sự khác biệt giữa mẹ đẻ với mẹ chồng mà có lẽ sẽ giống với hoàn cảnh của nhiều người.

Dù mẹ chồng có thương con dâu thế nào cũng khó sánh được so với mẹ đẻ và con gái, huống hồ nàng dâu gặp phải mẹ chồng không thương mình thì sự khác biệt giữa mẹ chồng và mẹ đẻ càng lớn.

Trong Thương ngày nắng về, có những câu thoại ngậm ngùi chua chát nhưng lại rất đúng. Khánh (Lan Phương) vừa khóc vừa nói với chồng: “Tôi lấy anh chỉ có tôi làm dâu nhà anh thôi, không phải mẹ tôi. Mẹ tôi không làm dâu ở nhà anh”. Cô cũng nhiều lần khuyên hai em chọn chồng thôi chưa đủ, phải chọn cả mẹ chồng nữa.

Xem ‘Thương ngày nắng về’, chạnh lòng vì sự khác biệt giữa mẹ đẻ với mẹ chồng

Sự mệt mỏi của nàng dâu khi chồng vô tâm, mẹ chồng khó tính.

Khánh lấy chồng vì ăn cơm trước kẻng và mang bầu, bị đẩy vào thế sự đã rồi nên không còn sự lựa chọn, cô vốn không được lòng mẹ chồng ngay từ khi mới bước chân về làm dâu. Bà Nga (NSƯT) Thanh Quý là người thấm hơn ai hết nỗi vất vả của nàng dâu khi có mẹ chồng không ưa mình. Sau lại chứng kiến con gái lớn không được mẹ chồng quý nên mong hai cô con gái còn lại tìm được chồng tốt và có mẹ chồng thương mình một tí cho bớt khổ.

Người ta bảo, bố mẹ vợ luôn yêu quý con rể vì có đối xử tốt với con rể thì con gái mình mới hạnh phúc. Nhưng mẹ chồng với con dâu thì chưa chắc, thậm chí bà Phương (NSND Lan Hương) trong Sống chung với mẹ chồng còn phát ngôn câu thể hiện tư tưởng cổ hủ của nhiều bà mẹ chồng là: “Vợ chỉ là một đứa xa lạ ở đẩu ở đâu về. Không lấy đứa này thì lấy đứa khác. Nhưng mẹ chỉ có một mà thôi”.

 

Xem ‘Thương ngày nắng về’, chạnh lòng vì sự khác biệt giữa mẹ đẻ với mẹ chồng

Mẹ chồng thường xuyên "dạy dỗ" Khánh.

Trong Thương ngày nắng về, trong khi bà Nga đầu tắt mặt tối, vừa lo việc nhà, việc hàng quán, lại trông cháu và giúp đỡ vợ chồng Khánh việc nhà thì bà Hiền lại hoàn toàn dửng dưng như không phải việc của mình. Bà Hiền là người ưa phù phiếm, thích trưng diện, chỉ thích tụ tập bạn bè, thể hiện bản thân và không muốn vướng bận con cháu. Bà Hiền nhiều lần chối đây đẩy khi được vợ chồng Khánh nhờ vả, ngay cả việc đơn giản như đưa đón cháu đi học bà cũng không muốn giúp chứ đừng nói đến trông cháu hay làm việc nhà.

Không chỉ thờ ơ với con cháu, bà Hiền còn thể hiện sự xét nét, chê bai bà thông gia. Bà Hiền hết nghi ngờ bà Nga tắt mắt đồ nhà con trai mình, lại chê bà Nga ám mùi mắm tôm, rồi trách móc bà Nga chăm cháu không chu đáo, cẩn thận. Trong khi đó, bà Nga không những chẳng lấy gì của vợ chồng Khánh mà có đồ tốt đều xách sang cho con gái dùng. Đến quần áo bẩn bà cũng gom về giặt hộ. Việc trông cháu, đưa đón cháu, một tay bà Nga chăm lo. Thế nhưng chỉ cần một lần bà Nga sơ sẩy để cháu bị ngã là từ bà thông gia đến chính con gái bà còn xúm vào mắng bà vuốt mặt không kịp. Sau những lần Vân Trang (Huyền Lizzie) phàn nàn vì không muốn mẹ vất vả, làm việc quá sức, khuyên anh chị nên tự lo liệu thì mọi việc lại đâu vào đấy, việc gì cũng đến tay bà Nga, “cháu bà nội tội bà ngoại”.

Xem ‘Thương ngày nắng về’, chạnh lòng vì sự khác biệt giữa mẹ đẻ với mẹ chồng

Bà Hiền không trông cháu lại hay chê bai.

Bà Hiền còn thể hiện sự quá đáng của mình khi bắt Khánh phải thanh toán chiếc váy giá 2 triệu để bà trưng diện với bạn bè. Bà mời bạn bè về nhà tiệc tùng, bắt Khánh nấu nướng phục vụ. Khánh bận việc nên đành nhờ mẹ chuẩn bị đồ ăn mang sang. Trong khi đó, bà Hiền lại coi bà thông gia như người giúp việc theo giờ.

Có lẽ nhiều chị em ở hoàn cảnh của Vân Khánh sẽ chạnh lòng với sự khác biệt giữa mẹ đẻ và mẹ chồng. Trong khi mẹ đẻ hy sinh vì con cháu bao nhiêu thì mẹ chồng thì mẹ chồng lại vô tâm, ích kỷ bấy nhiều. Một mình Khánh chịu đựng thôi đã đành, đằng này mẹ đẻ của cô cũng chịu khổ lây.

Xem ‘Thương ngày nắng về’, chạnh lòng vì sự khác biệt giữa mẹ đẻ với mẹ chồng

Rồi việc gì cũng đến tay mẹ đẻ.

Tất nhiên không phải bà mẹ chồng nào cũng quá quắt như bà Hiền, cũng có những người thật sự thương con cháu. Để mà so sánh, mẹ chồng dù có tốt với con dâu thế nào cùng khó bằng mẹ đẻ với con gái ruột. Không phải tự nhiên người ta có câu: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Khi tiến tới hôn nhân, chỉ yêu thôi chưa đủ mà còn phải xét cả gia cảnh đối phương. Phận làm dâu vốn đã vất vả đủ đường, có được người mẹ chồng hiểu chuyện, thương mình thì cuộc sống mới dễ thở hơn một chút.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Suy sụp vì mất quyền nuôi con trai, Diệp Lâm Anh tiết lộ tình trạng hiện tại