Trao cho ai đó trách nhiệm làm bạn hạnh phúc chính là một sự ích kỷ

2024-02-28 14:00
- Đức Phật từng có lời dạy thấm thía: “Người hy vọng kẻ khác đem hạnh phúc đến cho mình cũng giống như một người ăn mày đi xin thức ăn của người khác vậy, thật là khổ sở”.

Lần gần nhất bạn thấy hạnh phúc là khi nào?

Bạn có đang hạnh phúc?

Đối với nhiều người, hạnh phúc là một kế hoạch dài hơi. Nó là thứ mà ta từng có được trong quá khứ hoặc sẽ có được trong tương lai, và thật tiếc, hạnh phúc hiếm khi hiện diện ở hiện tại.

Tại sao ư?

Bởi vì chúng ta đặt kỳ vọng về một điều gì xa xôi và cho rằng, khi nó xảy ra thì ta mới bắt đầu cảm thấy thoả mãn, sung sướng. Có lẽ, tâm trí bạn đã tin vào điều này từ rất lâu rồi. Nhưng liệu rằng, bạn có thường đạt được những gì bạn muốn?

Hy vọng rằng câu trả lời của bạn là không. Bởi đó là những gì xảy ra với hầu hết mọi người. Cứ như vậy, nhiều người đã mặc định rằng hạnh phúc của mình “có điều kiện”. Hạnh phúc của họ hầu như luôn phụ thuộc vào người khác hoặc hoàn cảnh tác động bên ngoài. Và đáng buồn thay, đây là một “công thức” bảo chứng cho sự đau khổ và bất hạnh.

Chúng ta liên tục tìm thấy lý do cho sự không hạnh phúc của mình ở hiện tại. Đó là đường đi làm quá xa, sếp bất công, đồng nghiệp chèn ép, đồng lương không đủ sống, ngoại hình chưa đẹp bằng bạn bè, người yêu/bạn đời không quan tâm chu đáo,… Họ nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc khi kiếm được nhiều tiền, hoặc được kết hôn với người mình yêu. Tất nhiên những điều này góp phần vào một cuộc sống hạnh phúc, nhưng điều đáng nói ở đây là chúng không vẽ nên bức tranh toàn cảnh. Một người giàu có và đã kết hôn hoàn toàn có thể đau khổ, một người nghèo khó và độc thân vẫn có thể hạnh phúc.

Trao cho ai đó trách nhiệm làm bạn hạnh phúc chính là một sự ích kỷ

Đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ: Trao cho ai đó trách nhiệm làm bạn hạnh phúc chính là một sự ích kỷ

Ở cuộc sống ngoài kia có không thiếu những người vợ than phiền: “Tôi tủi thân vì chồng vô tâm, không chu đáo”.

Lại có những người mẹ chồng than thở: “Con dâu tôi bất hiếu, tôi thật bất hạnh”.

Và vô số những nhân viên chán nản: “Sếp chẳng đánh giá cao tôi, cho nên tôi thấy thật bất mãn”.

Những người vợ đã trao chìa khóa hạnh phúc cho người chồng, thay vì chính mình.

Những người mẹ chồng đã đặt chìa khóa hạnh phúc vào tay con dâu, thay vì chính bà.

Những nhân viên bất mãn đã trao chiếc chìa khóa hạnh phúc cho ông chủ, thay vì chính họ.

Nguyên nhân khiến họ cảm thấy không hạnh phúc là bởi họ quá dựa dẫm vào ai đó và nghiễm nhiên cho rằng, người khác phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của mình.

Khi một người trao chiếc “chìa khóa hạnh phúc” của mình cho người khác hay điều gì đó khác, người đó đang mở ra ổ khóa đau khổ cho chính mình.

Sự bất hạnh sẽ không bao giờ kết thúc chừng nào bạn còn đổ lỗi cho hoàn cảnh hay một người nào đó. Càng đổ lỗi, chúng ta càng khó thoả mãn. Thực tế là, không một ai, không một sự vật hay hoàn cảnh nào có thể mang lại cho bạn sự bình an và hạnh phúc vĩnh viễn, ngoại trừ chính bạn. Trao cho ai đó trách nhiệm làm bạn hạnh phúc là một sự ích kỷ, không những không khiến bạn thoả mãn mà chỉ mang về thêm đau khổ. Cũng như Đức Phật đã từng dạy rằng: “Người hy vọng người khác đem hạnh phúc đến cho mình cũng giống như một người ăn mày đi xin thức ăn của người khác vậy, thật là khổ sở”. 

Trao cho ai đó trách nhiệm làm bạn hạnh phúc chính là một sự ích kỷ

Sống hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi cá nhân: Chúng ta mới là người tự tạo hạnh phúc cho chính mình

Nữ tác giả Linda Bloom từng chia sẻ trên tạp chí Psychology Today về câu chuyện hôn nhân đã thức tỉnh cô khái niệm về hạnh phúc. Trước khi kết hôn, Linda và chồng đều tin rằng chỉ cần bước chân vào hôn nhân, họ sẽ sống viên mãn hơn thời độc thân bởi vì “Nửa kia là một người tuyệt vời và chắc chắn sẽ mang lại cho tôi cuộc sống hạnh phúc”. Nhưng đến khi cưới nhau, họ mới vỡ lẽ rằng hạnh phúc của mỗi cá nhân phụ thuộc vào chính bản thân họ, chứ không nằm ở phía đối phương.

Thật không may, quá nhiều người trong chúng ta cũng như Linda – vội vã bước vào hôn nhân vì tin rằng bản thân sẽ được “cứu rỗi”, được “chữa lành thương tổn” một cách thần kì. Thực tế, có một sự khác biệt rất lớn giữa việc tận hưởng hạnh phúc mà bạn đời mang lại, và việc cho rằng trách nhiệm của họ là làm cho ta hạnh phúc. Niềm tin “tình yêu sẽ chữa lành mọi vết thương”, hay “anh là thế giới, là tất cả của em” đôi khi lại dẫn đến sự phụ thuộc quá mức. Sự phụ thuộc sau cùng sẽ dẫn đến sự đổ lỗi cho đối phương khi chúng ta không hạnh phúc.

Nam tài tử Will Smith đã từng có một phát ngôn về bạn đời gây tranh cãi, nhưng sau khi suy ngẫm lại, rất nhiều người đã đồng tình với quan điểm của anh: “Hạnh phúc của cô ấy không phải là trách nhiệm của tôi. Cô ấy nên hạnh phúc và tôi cũng nên hạnh phúc một cách độc lập. Rồi chúng tôi sẽ đến với nhau để cùng chia sẻ hạnh phúc của cả hai. Trao cho ai đó trách nhiệm làm bạn hạnh phúc trong khi bạn không thể làm được điều đó cho chính bản thân mình là một sự ích kỷ”. Quả vậy, chúng ta không thể trao đi thứ mà mình không có, cũng như việc một người không thể hạnh phúc tự thân sẽ không thể mang đến hạnh phúc cho kẻ khác.

Trao cho ai đó trách nhiệm làm bạn hạnh phúc chính là một sự ích kỷ

Thiền sư Minh Niệm, tác giả cuốn sách “Hiểu về trái tim” cũng từng nói rằng, thứ hạnh phúc mà chúng ta đón nhận từ bên ngoài là thứ hạnh phúc không bền vững và dễ dàng tan biến nhất. Nếu theo đuổi cảm giác hạnh phúc bên ngoài đó, bạn sẽ phải chịu nhiều “tác dụng phụ” đi kèm. Đó là cảm giác lo sợ sẽ mất đi hạnh phúc, bồn chồn vì muốn tìm kiếm cảm giác hạnh phúc tương tự ngay sau đó. Càng để những yếu tố bên ngoài chi phối, bạn chỉ càng thấy bơ vơ và bất an. Thay vào đó, hãy từng bước điều chỉnh trạng thái đón nhận hạnh phúc từ bị động sang chủ động, bởi chỉ có bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của chính mình. Bằng cách quay về bên trong mình, gạn lọc tâm trí, chúng ta mới có thể nuôi dưỡng được niềm hạnh phúc dài hạn – thứ hạnh phúc ở hiện tại, đến từ những điều nhỏ nhặt, không cần bất cứ một điều gì tác động.

Đó là cảm giác bình yên mỗi khi thức dậy thấy ánh mặt trời buổi sớm mai, khi được ăn một món ngon, đọc một cuốn sách yêu thích, hay khi tìm thấy tiền trong túi quần jean, đi tới quầy thu ngân và phát hiện món đồ bạn định mua đang giảm giá,... Tất cả đều là cảm giác hạnh phúc không dễ gì cướp đi được. Tựu trưng lại, hãy buông bỏ những ý niệm về "điều kiện bắt buộc" để hạnh phúc mà bạn đã theo đuổi: danh vọng, tiền bạc, sắc đẹp,… bởi khi có được nó, bạn cũng chưa chắc đã hạnh phúc. Hạnh phúc có thể tìm đến với chúng ta bằng cả vạn con đường, chỉ cần ta biết mở lòng đón nhận.

Cẩm Mịch/Theo Psychology Today & Forbes

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Diễn tiến mới nhất vụ bé gái 8 tuổi ở Bình Thạnh bị dì ghẻ bạo hành đến chết