Tại sao những nội dung "self-help" có thể chữa lành lúc đầu nhưng sớm trở nên vô dụng với bạn?

I Am NGA 2023-08-19 20:53
- Bản chất của "self-help" là “tự giúp chính mình”, dù có tiếp thu bao nhiêu lời hay ý đẹp nhưng nếu không bắt tay vào hành động thì chúng cũng trở nên vô dụng mà thôi.

Self-help khiến ta hừng hực lúc đầu rồi nhanh chóng xẹp lép như quả bóng bị xì hết hơi

“Chị thấy có video 20 lời khuyên dành cho tuổi 20 của chị này hay lắm. Em có muốn nghe không chị gửi link cho?” - tôi hào hứng hỏi cô em mới vừa bước sang độ tuổi 22.

“Dạ không chị ạ. Vì em đã nghe quá nhiều rồi!” - em ấy buồn bã trả lời.

Có lẽ em ấy cũng như nhiều bạn trẻ khác, hoang mang giữa cuộc đời, tìm đến self-help như một liều thuốc cứu rỗi tinh thần, cuối cùng là bội thực self-help và “lờn thuốc”. Liều thuốc tinh thần self-help thường khiến ta có cảm giác như vừa được bơm thêm 200% động lực mỗi khi nghe xong, nhưng chẳng được bao lâu, ta lại trở nên xìu như một quả bóng bị xì hết hơi.

Tại sao những nội dung self-help tiếp thêm sức mạnh lúc đầu nhưng sớm trở nên vô dụng với bạn?

Nhìn lại những mục tiêu đặt ra từ đầu năm đến giờ, có bao nhiêu cái ta đã bắt tay vào thực hiện, chứ chưa nói đến việc đã hoàn thành. Ta cảm thấy mình cần dậy sớm nhưng nửa đêm vẫn nằm đắp chăn lướt điện thoại. Ta muốn học một cái gì đó mới, nhưng được vài bữa lại thấy nản ngang. Trái đất vẫn quay đều, thời gian vẫn không ngừng trôi còn ta thì dậm chân tại chỗ cùng với một tâm trạng lên xuống thất thường.

Nhờ tiếp cận với những nội dung self-help, ta cảm thấy mình sống tốt hơn mỗi ngày, nhưng còn lâu mới đạt được cuộc sống trong mơ như những influencer trên mạng. Ta biết mình không thể thế này mãi nhưng làm gì cũng chẳng nên hồn.

Biết nhiều nhưng làm được bao nhiêu?

“Self-help” hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là “tự giúp chính mình”. Tác giả của những cuốn sách hay những video truyền động lực họ đã áp dụng những phương pháp đó, họ thành công và họ muốn chia sẻ rộng rãi đến nhiều người. Nhưng cái họ chia sẻ là những phương pháp, kỹ năng, còn điều mấu chốt dành cho mỗi người vẫn là “tự giúp chính mình”.

Self-help đã gây sốt toàn thế giới, thậm chí trở thành ngành công nghiệp tỉ đô vì con người không ai hoàn hảo, ai cũng muốn bản thân trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày. Self-help thật sự đã khiến rất nhiều người đổi đời cả về vật chất lẫn tinh thần. Bạn có thể bắt gặp nội dung self-help ở mọi nơi như sách vở, podcast, video hay từ những người mà bạn tiếp xúc.

Tại sao những nội dung self-help tiếp thêm sức mạnh lúc đầu nhưng sớm trở nên vô dụng với bạn?

Self-help không xấu, chỉ có nội dung hay hoặc dở. Tiêu thụ quá nhiều nội dung self-help, động lực hừng hực đầy mình nhưng lại chẳng bắt tay làm gì thì cũng vô dụng. Mỗi khi đọc hay xem được một nội dung self-help nào đó, ta cảm thấy tràn đầy thành công, như thể mình đã làm được điều đó rồi. Những gì ta thấy trên những kênh của các influencer là những gì mà người ta muốn chúng ta thấy. Họ đã trải qua quá trình khổ luyện, nỗ lực thế nào để đạt được những thành tựu ấy. Còn chúng ta, ngay cả việc bắt đầu còn chần chừ, bắt tay vào làm được vài ba hôm là nản thì đến bao giờ mới thấy sự tiến bộ?

Xem một video truyền động lực mỗi ngày sẽ khiến bạn có cảm giác mình đã đạt được một cái gì đó nhưng vấn đề của bạn thực ra vẫn còn nguyên đấy. Một người nhút nhát vẫn sẽ ngậm hột thị dù đã đọc hàng nghìn tips giao tiếp hiệu quả, nếu họ không chịu mở lời bắt chuyện với người khác. Nội dung self-help khiến ta cảm thấy yên tâm hơn, nhưng thực ra chỉ là một cách để xoa dịu tinh thần trong chốc lát mà thôi.

Làm sao để tự giúp chính mình?

Ai cũng biết dậy sớm, tập thể thao, học thêm kỹ năng mới là những điều cần thiết, nhưng bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mình cần làm những điều đó? Để bản thân trở nên tốt hơn, để có những cơ hội tốt hơn và những lý do quá chung chung và không đủ mạnh. Ta chỉ quyết tâm làm một điều gì đó khi có một lý do đủ mạnh. Vì thế, hãy luôn bắt đầu bằng một câu hỏi tại sao. Viết ra ba lý do khiến bạn muốn làm điều này và hãy thường xuyên đọc lại nó để mỗi khi nản, bạn sẽ nhớ lý do mà bạn bắt đầu.

Trong nghệ thuật xây dựng kịch bản phim, nhân vật chỉ thay đổi khi có một biến cố đủ mạnh. Quả thực ở ngoài đời cũng vậy, ta thường khó có những thay đổi đột phá nếu không có một biến cố nào đó. Bản thân bạn phải biết mình thật sự muốn gì, tại sao mình cần phải thay đổi?

Ngoài kia có rất nhiều influencer nổi tiếng, nhưng đâu phải gặp ai bạn cũng học một chút. Cùng một căn bệnh, có nhiều loại thuốc chữa, nhưng đâu phải ta sẽ uống tất cả các loại thuốc đó. Self-help có hiệu quả với mình hay không cũng là một dạng “hợp thầy, hợp thuốc”. Có những phương pháp hiệu quả với người khác nhưng lại vô dụng với bạn, đó là chuyện hết sức bình thường. Nếu cuộc đời ta là một bài toán cần lời giải thì self-help chỉ như một cuốn sách tham khảo, cung cấp cho ta phương pháp, vận dụng thế nào lại phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Tại sao những nội dung self-help tiếp thêm sức mạnh lúc đầu nhưng sớm trở nên vô dụng với bạn?

Thay vì follow hết người nọ đến người kia, thấy cuốn sách best seller nào cũng mua về đọc, hãy tiếp thu thông tin có chọn lọc. Nếu chỉ chọn ra ba người trong số những influencer mà bạn đang theo dõi, bạn sẽ chọn giữ lại ai và bỏ theo dõi ai? Bạn không nhất thiết phải theo dõi những người thành công xuất sắc hay cực kỳ nổi tiếng, chỉ cần họ có tư duy, lối sống phù hợp với bạn, giúp bạn học hỏi được điều gì đó và trở nên tốt hơn, vậy là đủ. Điều này giúp ta tránh bị bội thực thông tin, dẫn đến nhiễu loạn và không biết nên tin ai, nghe ai, phương pháp nào mới là tốt nhất.

Khi mới bắt đầu học về các phương pháp quản lý tài chính cá nhân, tôi đã chọn ra 3 kênh để học hỏi. Con số 3 không quá nhiều để tránh bị nhiễu loạn thông tin, cũng không quá ít để tránh bị ảnh hưởng bởi thiên kiến, góc nhìn của một người nào đó. Sau đó tôi nhận ra trong những nội dung mà 3 influencer đó chia sẻ, có những điểm tương đồng, cũng có những điểm khác biệt đủ để bù khuyết cho nhau.

Chúng ta thường đánh giá quá cao vai trò của động lực nhưng thực ra việc thiết lập thói quen lại quan trọng hơn. Nếu bạn muốn đọc sách, hãy đọc mỗi ngày, dù chỉ 1 trang. Nếu bạn muốn tập thể dục, hãy chống đẩy đều đặn mỗi ngày, dù chỉ là 1 cái. Bạn sẽ cảm thấy đọc 1 trang sách hay chống đẩy 1 cái mỗi ngày chẳng bõ bèn gì, nhưng hãy thử làm nó mỗi ngày, đến một lúc nào đó bạn sẽ thấy kinh ngạc về sự thay đổi, dù chỉ là sự thay đổi nhỏ. Nhưng tin tôi đi, một khi bạn đã hình thành một thói quen mới và thực hiện nó đều đặn, bạn sẽ không chỉ dừng lại ở 1 trang sách hay 1 cái chống đẩy đâu.

Mong bạn có đủ sự kiên trì trong hành trình giúp đỡ chính mình, để trở thành phiên bản tốt hơn 1% mỗi ngày.

I Am NGA

Thiết kế: I Am NGA

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Tóc Tiên tiết lộ sốc về bản thân: "Cấp 3 tôi bỏ nhà đi, khi lớn hơn tôi bỏ nhà theo trai"