Hỏi thật: Nếu nhặt được nhẫn kim cương hay bọc tiền 50 triệu, bạn có trả lại người đánh mất không?

I Am NGA 2022-03-03 09:00
- Nhặt được của rơi trả lại người mất, đó không chỉ là bài học vỡ lòng về đạo đức mà còn là thước đo lòng tham của mỗi người.

Nhặt được của rơi trả lại người đánh mất là một trong những bài học vỡ lòng về đạo đức. Trên báo chí, có không ít những tấm gương về hành động đẹp này. Thế nhưng đâu đó trên mạng xã hội vẫn xuất hiện những bình luận như nhặt được “của trời cho” mà trả lại là dại dột. Nếu bạn nhặt được nhẫn kim cương hay bọc tiền mấy chục triệu, bạn có sẵn sàng trả lại người đánh mất không?

Trả lại bọc tiền và nhẫn kim cương – những tấm gương người thật việc thật

Gần đây, một số trang báo đưa tin về việc anh lao công trả lại nhẫn kim cương. Cụ thể, tối 16/2 anh Trần Phương Lộc, nhân viên công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế đã nhặt được một chiếc nhẫn khi đang quét rác dọc tuyến đường Lê Quý Đôn, TP. Huế. Một lúc sau, anh Lộc thấy có hai vợ chồng đang lo lắng tìm kiếm vật gì đó trên đường. Sau khi xác minh thông tin thông qua hình dáng chiếc nhẫn, anh đã trả lại cho người đánh mất.

Chủ nhân chiếc nhẫn là chị Hà Hoàng Oanh, trú ở đường Lê Quý Đôn. Chị kể trong lúc xuống xe ô tô, chị vung tay làm bay hai chiếc nhẫn kim cương. Sau khi vào nhà lướt Facebook được 30 phút chị mới phát hiện mất nhẫn nên mới tá hỏa đi tìm. Chị tìm được một chiếc mắc ở mép cửa xe, chiếc còn lại không thấy. Chị đã đi tìm và may mắn gặp được người tốt. Được biết trước Tết anh Lộc cũng nhặt được một túi xách và đã trả lại cho người đánh rơi.

Hỏi thật: Nếu nhặt được nhẫn kim cương hay bọc tiền 50 triệu, bạn có trả lại người đánh mất không?

Anh Lộc (trái) trả lại chiếc nhẫn cho chồng chị Oanh.

Một tấm gương người tốt việc tốt khác là anh Lê Huy Lương ở Hà Đông, Hà Nội đã tìm cách trả lại chiếc cặp da chứa khoảng 50 triệu mà anh nhặt được trên đường Trần Duy Hưng tối 17/2. Khi mang chiếc cặp về nhà, anh và vợ đã tìm cách trả lại món đồ cho người đánh mất bằng cách đăng tin lên mạng xã hội. Chủ nhân chiếc cặp là anh Hoàng Huy Tuyên ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Sau khi xác minh thông tin và đến nhà anh Lương nhận lại đồ, anh Tuyên có rút một cọc tiền tặng mà anh Lương không nhận.

Hỏi thật: Nếu nhặt được nhẫn kim cương hay bọc tiền 50 triệu, bạn có trả lại người đánh mất không?

Chiếc cặp anh Lương nhặt được chứa nhiều cọc tiền cả tiền Việt và USD.

Hỏi thật: Nếu nhặt được nhẫn kim cương hay bọc tiền 50 triệu, bạn có trả lại người đánh mất không?

Anh Lương (trái) trả lại cặp cho anh Tuyên (phải).

Ở phần bình luận, nhiều người dành lời khen ngợi cho hành động đẹp của những nhân vật trên. “Kim cương còn có đồ giả nhưng anh công nhân này là kim cương đích thực!” “Thật tuyệt vời. Anh Lương và vợ biết nghĩ cho người khác, nhất định điều tốt lành sẽ đến với anh chị.”

Qua đó mới thấy, trong cuộc sống những người tốt việc tốt vẫn còn, chỉ có điều chúng ta có chịu quan sát và chịu tin hay không mà thôi. Một điều đáng tiếc là những tin tức tích cực thường ít “viral” hơn những tin giật gân, “drama” khiến nhiều người có cái nhìn u ám, mất niềm tin vào cuộc sống và con người.

Nhặt được của rơi – “lộc trời cho” hay bài test nhân phẩm?

Nhiều người bị nhầm lẫn việc nhặt được của rơi với “lộc trời cho”. Thực ra, thứ gọi là “lộc trời cho” là một dạng may mắn mà người ta có được nhưng họ vẫn phải bỏ ra công sức hay một thứ gì đó. Chẳng hạn, một người trúng số độc đắc thì trước đó họ đã phải bỏ tiền ra mua vé số. Một người làm ăn phát đạt, có được nhiều hợp đồng béo bở là nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực, đầu óc nhạy bén, may mắn chỉ là yếu tố cộng hưởng thêm. Nhặt được của rơi chỉ được gọi là “lộc trời cho” khi người ta có lòng trả lại người đánh mất. Khi ấy, họ đã gieo một hạt mầm tích cực và sẽ thu hút những điều tốt đẹp khác đến với mình.

Thế nhưng, đứng trước một tài sản quá lớn như chiếc nhẫn kim cương hay cả bọc tiền lớn, mấy ai không động lòng tham? Tham, sân, si vốn dĩ là những tính xấu thuộc về bản năng của con người, chiến thắng được những tính xấu đó mới là người bản lĩnh.

Hỏi thật: Nếu nhặt được nhẫn kim cương hay bọc tiền 50 triệu, bạn có trả lại người đánh mất không?

Trả lại của rơi không khó, thắng được lòng tham của chính mình mới là điều khó nhất.

Khoản tiền hay món đồ mà bạn nhặt được có giá trị lớn thì với người đánh mất cũng là một phần tài sản lớn với họ. Người ta có thể giữ của nhặt được làm của riêng mình, nhưng liệu tâm có thanh thản khi tiêu xài món tiền đó hay không?

Đối với “người chơi hệ tâm linh”, nhặt được của rơi thường rất xui xẻo vì sau đó mình sẽ mất nhiều hơn. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi dùng tiền của người khác đánh rơi tức là họ đã tham lam thứ không thuộc về mình. Khi gieo một nhân xấu thì sẽ phải nhận hậu quả, đó chính là quy luật. Anh Tuyên, người đánh rơi chiếc cặp da chứa 50 triệu bên trên cũng chia sẻ rằng năm ngoái anh cũng đánh rơi cặp với số tiền còn lớn hơn nhưng không tìm lại được. Anh cho rằng có thể năm trước anh làm nhiều việc tốt nên năm nay may mắn. Anh cũng hy vọng lòng tốt sẽ mang đến nhiều may mắn hơn cho vợ chồng anh Tuyên.

Khi nhặt được của rơi, cách tốt nhất để “tránh xui” là tìm cách trả lại người đánh mất hoặc trình báo với cơ quan chức năng. Đây không chỉ là niềm tin tâm linh mà còn là bài học về pháp luật.

Hỏi thật: Nếu nhặt được nhẫn kim cương hay bọc tiền 50 triệu, bạn có trả lại người đánh mất không?

Trên trang Luật Minh Khuê có đăng bài tư vấn cho một người có nguy cơ bị truy tố và phải ngồi tù vì tham lam chiếc ví tiền có chứa hơn một trăm triệu. Theo Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015, nếu nhặt được đồ do người khác đánh rơi, bỏ quên thì phải thông báo và trả lại tài sản cho người đó. Nếu không biết địa chỉ và danh tính người làm rơi, có thể trình báo hoặc giao nộp cho các cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã.

Trong trường hợp nhặt được của rơi mà cố tình không trả lại người đánh mất, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định trong Điều 176 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 2 năm. Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu trở lên sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Như vậy, chúng ta đã có câu trả lời quá rõ ràng cho câu hỏi nếu nhặt được nhẫn kim cương hay bọc tiền 50 triệu thì có nên trả lại người đánh mất. Câu trả lời là CÓ trong mọi hoàn cảnh vì nó phù hợp cả về lý lẫn về tình.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 món phụ kiện hot trend của Gen Z, các nàng nên sở hữu vì xinh muốn xỉu