‘Học đại học, biết 4 ngoại ngữ vẫn làm shipper’: Dù chưa giàu tiền bạc cũng nhất định không được nghèo tư duy
Tin liên quan
“Không học hành tử tế, sau này chỉ có đi làm shipper”?
“Con nhìn xem, nếu con không học hành tử tế thì sau này chỉ có đi làm shipper thôi” - người phụ nữ nói với con mình.
Cô shipper Dan Ah nghe thấy liền thẳng thắn nói: “Chị đừng tưởng làm shipper là đơn giản. Đầu tiên phải biết đi xe máy. Phải thuộc đường. Phải biết tính toán các cuốc chạy sao cho vừa tránh được kẹt xe, vừa giao được nhiều đơn nhất có thể mà đồ ăn đến tay khách vẫn còn nóng hổi. Công việc này không phải ai cũng làm được đâu”.
Đó là một trường đoạn trong bộ phim Strongest Deliveryman (Thiên hạ đệ nhất shipper), một bộ phim mang đến góc nhìn cận cảnh về những người làm nghề giao hàng. Từ những shipper không mấy được coi trọng, họ đã cùng nhau làm nên một công ty khởi nghiệp thành công trong ngành logistics.
Công việc nào cũng đáng trân trọng như nhau, miễn là không vi phạm pháp luật, đạo đức. Và điều quan trọng là để đạt đến trình độ cao trong bất kỳ nghề nào, nói cách khác là để trở thành 1 người lành nghề, ai cũng cần có tư duy khác biệt, khả năng học hỏi tìm tòi và sự chăm chỉ rèn luyện, không ngừng vươn lên để giỏi hơn nữa.
Trong suy nghĩ của nhiều người, shipper hay những công việc lao động tay chân khác là nghề thấp kém, chỉ dành cho người ít học. Có người lại tỏ ra bi quan, chua chát khi nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường vẫn phải làm shipper kiếm sống qua ngày. Phải chăng trong mắt họ, có bằng đại học, thạc sĩ là không được làm những công việc tay chân vì không xứng tầm?
Hình ảnh một anh chàng shipper tới dự hội sách, nói tiếng Pháp như gió khi giao lưu với tác giả đã viral khắp mạng xã hội những ngày gần đây. Càng đáng ngạc nhiên hơn nữa khi ngoài tiếng Pháp, chàng trai này còn có thể sử dụng tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nhật. Đây chẳng phải là hình ảnh anh chàng shipper đa năng “trong truyền thuyết” bước ra ngoài đời thật hay sao?
Shipper "bắn" tiếng Pháp nổi rần rần khắp mạng xã hội.
Rất nhiều người tỏ ra thích thú, hài hước bình luận rằng: “Làm shipper vì đam mê” hay “Nghề shipper bây giờ đầu vào cao quá”, “Shipper giờ 3 đầu 6 tay cái gì cũng biết”. Bên cạnh đó, cũng có những người tỏ ra bi quan rằng: “Có bằng đại học, biết 4 ngoại ngữ cũng vẫn đi làm shipper thôi”.
Ngay sau khi hình ảnh chàng shipper nói tiếng Pháp gây sốt mạng xã hội, một số trang báo đã liên hệ phỏng vấn, viết bài về anh chàng thú vị này. Anh tên là Huỳnh Hữu Phước (25 tuổi), từng là sinh viên học song bằng khoa tiếng Pháp và khoa Địa lý tại trường ĐH Sư phạm TP. HCM, nhưng hiện tại đang bảo lưu. Phước làm shipper không phải vì “đam mê” mà vì hoàn cảnh quá khó khăn, vừa phải “chạy ăn từng bữa” vừa phụ gia đình trả nợ. Năm 18 tuổi, khi Phước vừa đỗ đại học cũng là lúc gia đình anh gặp biến cố. Phước phải làm đủ công việc để mưu sinh, vì không thể cáng đáng nổi việc vừa kiếm tiền, vừa đi học chính khóa ở trường nên mới phải tạm bảo lưu.
"Giỏi như vậy sao phải đi làm shipper?" là một trong những câu hỏi Phước thường xuyên được nghe. Chàng trai này cho biết anh chọn công việc này đơn giản vì… thu nhập khá. Bên cạnh đó, công việc shipper tự do nên anh có thể tranh thủ thời gian để học hành, nâng cao kiến thức. Ngoài công việc giao đồ ăn, anh còn làm thêm dịch sách và viết lách. Trước đó, anh chàng từng lăn lộn đủ nghề, từ phục vụ quán ăn, trông xe, làm bảo vệ, dịch tài liệu,… Trong đó, shipper là công việc mà anh gắn bó lâu nhất.
Phước gắn bó với công việc shipper được khá lâu vì thu nhập ổn hơn cả.
Thật ra, công việc bàn giấy, chữ nghĩa tưởng nhàn, thu nhập cao nhưng có làm rồi mới biết. Công việc tốn thời gian, chất xám nhưng năng suất không cao và thu nhập có thể không bằng những công việc lao động tay chân. Dịch giả Trần Minh (Bình Bồng Bột) từng chia sẻ thật lòng trong một podcast rằng mỗi cuốn sách dịch anh được trả khoảng vài chục triệu, nhưng có khi mất đến cả năm, thậm chí hai năm mới xong một cuốn, tùy độ dày và độ khó. Vậy nên anh dịch sách vì đam mê nhiều hơn chứ không thể sống chỉ bằng mỗi nghề dịch sách. Đó là với dịch giả có thâm niên và có tiếng, còn với sinh viên đại học chưa tốt nghiệp thì thù lao dịch có thể thấp hơn nhiều và cũng khó được lĩnh tiền định kỳ theo tháng.
Vậy nên, trong hoàn cảnh khó khăn, bất kể công việc chân chính nào mang lại nguồn thu nhập ổn, có thể xoay tiền nhanh thì ta đều có thể chọn lựa mà không cần phân biệt công việc lao động trí óc hay lao động tay chân. Công bằng mà nói, không có công việc nào là không cần đến khối óc.
Dù chưa giàu tiền bạc nhưng nhất định không được nghèo nàn về tư duy
Dù con đường học hành tạm gián đoạn nhưng tinh thần hiệu học của chàng trai trẻ vẫn chưa bao giờ lụi tắt. Hành trang đi làm của anh luôn có một cuốn sách ngoại văn để tranh thủ đọc bất cứ khi nào. Trong căn phòng trọ đơn sơ, tài sản lớn nhất của ah là hàng trăm cuốn sách cũ được xếp ngăn nắp. Dù phải chuyển nhà trọ nhiều lần, số sách ấy là hành trang luôn được anh mang theo và thường xuyên bổ sung thêm sau mỗi lần đi tới phố sách cũ.
Dù phải làm việc ngoài đường 12 tiếng mỗi ngày, bất kể trời mưa nắng, 9 giờ tối mới về đến nhà nhưng Phước vẫn duy trì thói quen ngồi vào bàn học. Trong số 4 ngoại ngữ mà Phước dùng thành thạo, có tiếng Trung và tiếng Nhật là anh tự học. Anh duy trì việc học mỗi ngày để có thể bắt kịp chương trình học khi có điều kiện quay lại trường đại học. Ước mơ của Phước là có cơ hội quay lại trường, xa hơn nữa là hoàn thành chương trình Thạc sĩ để có đủ vốn kiến thức làm nghề biên dịch sách văn học.
Bên trong căn phòng trọ của chàng shipper biết 4 ngoại ngữ.
Tôi từng trò chuyện với nhiều tài xế xe công nghệ, kiêm shipper mỗi lần có dịp. Có người làm công việc này toàn thời gian, vừa chở khách vừa giao hàng, có người lại tranh thủ làm thêm khi đang đi học hoặc đang làm một công việc khác. Shipper không phải là công việc tay chân, tầm thường, ít học như trong định kiến của nhiều người.
Có lần một cậu xe ôm hỏi tôi: “Chị có biết cuốn sách nào phổ biến nhất thế giới không?” Tôi suy nghĩ giây lát rồi thử đoán: “Đắc nhân tâm à? Hay là Chủ nghĩa Mác - Lênin?” (cười). “Không phải!” - cậu trả lời - “Những cuốn sách đó có thể nổi tiếng và bán chạy, nhưng phổ biến nhất phải kể đến là cuốn Kinh Thánh”. Rồi sau đó cậu nói một tràng về những cuốn sách cậu từng đọc và những điều cậu quan tâm tìm hiểu. Trước giờ tôi cứ nghĩ Kinh Thánh là cuốn sách tôn giáo, sau này khi đọc sách kỹ năng của các tác giả phương Tây, thấy họ trích dẫn Kinh Thánh rất nhiều, mới biết đây còn là bộ sách vĩ đại về những bài học cuộc sống.
Tôi cũng từng trò chuyện với một chàng trai trẻ khi gội đầu ở tiệm. Em nói rằng em mới tốt nghiệp cấp ba và công việc em đang làm chỉ làm tạm thời. Khi kiếm đủ tiền em sẽ tiếp tục học đại học, theo đuổi chuyên ngành em yêu thích.
Việc học hành không bao giờ lãng phí.
Họ có thể đang làm một công việc tay chân để mưu sinh, nhưng tinh thần học hành vẫn luôn rực cháy. Học không chỉ lấy bằng cấp để có được công việc mình yêu thích. Học còn là để phát triển bản thân, vận dụng những kiến thức học được để thay đổi cuộc đời mình và tạo ra giá trị, cũng như ảnh hưởng tích cực với người khác. Đó mới là mục đích cao quý nhất của việc học. Một anh chàng shipper với tinh thần thực học và có thể sử dụng những kiến thức của mình, điều đó đáng quý hơn nhiều so với nhiều kẻ học chỉ vì tấm bằng.
Đừng cho rằng học đến trình độ đại học, thông thạo 4 ngoại ngữ mà vẫn phải đi làm shipper là điều gì đó đáng chê. Công việc chỉ là nhất thời, còn kiến thức sẽ theo mình cả đời. Không phải là tiền bạc hay những vật ngoài thân, những kiến thức có trong đầu bạn mới là tài sản quý giá nhất, đó là thứ sẽ theo bạn cả đời và không ai có thể “cướp” nó khỏi bạn. Đó là lý do những triệu phú, tỷ phú dù phá sản, thất bại trong một vài thương vụ nhưng họ sẽ nhanh chóng kiếm lại những gì họ mất, thậm chí còn kiếm nhiều hơn. Trong khi những người nhờ may mắn có được số tiền lớn cũng sẽ nhanh chóng tiêu tán hết nếu họ chưa đủ kiến thức, kỹ năng để quản lý khối tài sản đó. Khác biệt là ở chỗ ấy, người ta hơn nhau ở cái đầu, chứ không phải ở số dư tài khoản.
Những kiến thức bạn học được sẽ giúp bạn tiến xa hơn vị trí mà bạn đang đứng, ảnh hưởng tích cực đến cuộc đời bạn bằng cách này hay cách khách. Sự đầu cho cho bản thân luôn là sự đầu tư khôn ngoan nhất và không bao giờ sợ thua lỗ. Vậy nên, có thể chưa giàu về tiền bạc nhưng nhất định không được để bản thân nghèo nàn về tư duy, kiến thức.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất