'Cô gái' 102 tuổi tỏ tình thất bại ở tuổi 96 vẫn lạc quan vào cuộc đời: Dù con tim sợ hãi nhưng đôi chân vẫn muốn bước đi
Tin liên quan
Được biết đến là nữ phóng viên ảnh đầu tiên của Nhật Bản, bà Tsuneko Sasamoto còn truyền cảm hứng cho nhiều người bởi thái độ sống hết mình, sống trọn vẹn trong từng phút giây. Sinh năm 1914, Tsuneko Sasamoto là một trong những người phụ nữ tiên phong ở xứ mặt trời mọc vượt qua định kiến “phụ nữ chỉ ở nhà làm cỗ máy sinh đẻ”, quyết tâm đi theo đam mê nghề nghiệp nhiếp ảnh gia tin tức.
Trong những năm tháng thanh xuân, Tsuneko Sasamoto đã đi qua không biết bao nhiêu biến cố lịch sử: chiến tranh Thái Bình Dương, động đất Tokyo, bong bóng kinh tế… nhưng không có điều gì ngăn cản nghị lực tiến về phía trước của bà.
Năm 71 tuổi, sau sự ra đi của người chồng quá cố, bà quyết định mình không thể cứ làm một “bà già” ngày ngày ngồi lì trong nhà, nằm dài phơi nắng từ giờ đến hết đời. Thay vì nghỉ ngơi hưởng thụ tuổi già như những người khác, bà Tsuneko Sasamoto quyết tâm một lần nữa cầm máy ảnh, đi đến nhiều nơi để ghi dấu lại những khoảnh khắc mà bà ấn tượng. Bà một mình đi tới khắp mọi ngóc ngách của đất nước Nhật Bản trong 6 năm, trò chuyện với rất nhiều người phụ nữ ở đủ mọi lứa tuổi, vùng miền. Không chỉ vậy, bà còn tổ chức một triển lãm ảnh mang tên: “Thời kỳ chiêu hoàng của Tsuneko Sasamoto”.
Thậm chí khi đã ngoài 90, bà vẫn kiên trì với thói quen thức dậy lúc 6h sáng và đi ngủ vào lúc 11h tối. Sáng sáng, việc đầu tiên bà làm đó là mở kênh TV có cuộc hội thoại tiếng Anh để nghe và luyện nói. Sau đó, bà tập yoga. Ăn sáng xong, bà đọc sách từ 2 - 3 giờ. Đọc sách được coi là một công việc không thể thiếu trong ngày đối với bà. Tất cả những thói quen lành mạnh này, dù là người trẻ cũng khá khó khăn để duy trì. Thế nhưng người ta thật ngạc nhiên khi một người gần trăm tuổi như Tsuneko Sasamoto vẫn hào hứng học hỏi mỗi ngày.
Tsuneko Sasamoto đã đi qua không biết bao nhiêu biến cố lịch sử: chiến tranh Thái Bình Dương, động đất Tokyo, bong bóng kinh tế,… nhưng không có điều gì ngăn cản nghị lực tiến về phía trước của bà.
Bà từng bộc bạch trong cuốn sách "Cô gái tràn đầy tính hiếu kỳ, năm nay 97 tuổi" rằng: "Nói hoa mỹ thì là tính hiếu kỳ, nhưng thực ra chỉ là dù con tim sợ hãi nhưng đôi chân vẫn muốn bước đi, dù không thích nhưng vẫn muốn xem. Thế giới tổng quan muôn hình vạn trạng, dù có thể khiến những người không biết gì biết thêm một chút thôi, tôi cũng muốn nỗ lực hết sức mình để lưu lại dấu tích".
Trong một dịp sang Pháp làm việc, bà quen với một nhà điêu khắc tên là Charles. Hai người có nhiều điểm tương đồng, thường xuyên liên lạc như những người bạn tri kỷ. Tuy vậy bởi vì tuổi tác và khoảng cách địa lý, hai người không thể đi được cùng nhau xa hơn. Tận 10 năm sau, khi đã 96 tuổi, bà mới có đủ quyết tâm để bày tỏ tình cảm với Charles. Tấm thiệp Giáng sinh chúc mừng của bà chỉ vọn vẹn 3 chữ: “I love you”. Thế nhưng, tấm thiệp gửi đi mãi không có hồi âm. Nghĩ rằng mình đã bị từ chối, bà đau lòng trong thời gian dài. Nhưng sau đó bà mới hay tin, hoá ra ông Charles đã qua đời vì một cơn đau tim trước khi nhận được thiệp của bà.
Khi đã 102 tuổi, Tsuneko Sasamoto đạt giải thưởng danh giá nhất trong ngành nhiếp ảnh quốc tế “Giải thưởng thành tựu nhiếp ảnh trọn đời” khiến công chúng toàn cầu kính nể. Hình ảnh một phụ nữ nhỏ thó, tay cầm máy ảnh, lấy nét một cách khéo léo và điềm đạm, tinh thần lúc nào cũng vui vẻ sảng khoái, khó ai tin được rằng bà đã ngoài 100 tuổi.
Bà đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ bằng tinh thần sống miệt mài nhiệt huyết, bất chấp thời gian và định kiến xã hội.
Với nữ phóng viên ảnh kỳ cựu, bà cho rằng cuộc đời không bao giờ quá muộn để bắt đầu: “Không dễ gì được sống, vẫn còn nhiều nơi tôi muốn đi, nhiều người tôi muốn gặp, thì làm sao có thời gian nghĩ đến cái chết.”
"Dù bạn bao nhiêu tuổi, nếu như bạn luôn có suy nghĩ rằng: "Mình đã ở cái tuổi này…", vậy thì cuộc đời bạn coi như hỏng bét." – Nữ phóng viên đầu tiên của Nhật Bản, Tsuneko Sasamoto, đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ bằng tinh thần sống miệt mài nhiệt huyết, bất chấp thời gian và định kiến xã hội.
Cuộc đời tưởng dài đằng đẵng nhưng nếu như xem đời người giống như một ngày với 24h, thì thực ra 25 tuổi mới chỉ khoảng 6 – 7h sáng. Đó là thời điểm chúng ta thức dậy, sửa soạn để ra ngoài học hành, làm việc và khám phá. Thậm chí, có nhiều người còn chưa ngủ dậy lúc 7h sáng. Vậy nên không bao giờ là quá muộn để bạn bắt đầu cuộc đời mình.
Có thể bạn vẫn nhớ, Harland Sanders – chủ chuỗi gà rán kinh điển KFC bắt đầu khởi nghiệp năm 65 tuổi. Và Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ khi đã 70 tuổi. Vậy nên 30 tuổi chưa lấy chồng không phải đã là “ế”, chỉ là bạn chưa gặp được đúng người đủ duyên với cuộc đời mình. 40 tuổi tìm một công việc mới không phải là thất bại, đó là bạn đang cho mình có thêm trải nghiệm để phát triển sự nghiệp. 60 tuổi bắt đầu gây dựng sự nghiệp, 70 tuổi học một loại nhạc cụ mới,… tất cả đều là đúng thời điểm nếu nó phù hợp với bạn.
Nếu như tình yêu chưa tới, cơ hội chưa gõ cửa, thành công chưa mỉm cười, đừng quá sốt ruột hay tự trách bản thân kém cỏi, bởi mỗi chúng ta đều có những chiếc đồng hồ khác nhau và lộ trình thành công riêng biệt. Chỉ cần bạn còn đang sống, bạn còn cơ hội để cố gắng làm lại từ đầu, miễn là bạn đủ can đảm đương đầu với những thách thức mới, trải nghiệm mới. Chỉ cần bạn còn đang sống, mọi thứ đều có thể trở thành hiện thực!
Cẩm Mịch (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất