Bạo lực học đường: Khi kẻ bắt nạt không còn nhớ nhưng nạn nhân thì ám ảnh suốt đời

I Am NGA 2023-03-22 08:15
- Nhiều người từng coi bắt nạt học đường chỉ như “chuyện trẻ con” đã phải rùng mình khi xem The Glory.

Khi xem bộ phim The Glory (Vinh quang trong thù hận) nhiều khán giả không chỉ bị cuốn theo màn báo thù đầy hấp dẫn của nữ chính mà còn thấy đồng cảm bởi họ cũng từng là nạn nhân của bắt nạt học đường. Tuy nhiên ở ngoài đời thực không phải lúc nào kẻ ác cũng bị trừng trị và chiến thắng thuộc về nữ chính như trên phim.

Từ “nướng” bạn bằng máy uốn tóc đến châm lửa đốt bạn, tất cả đều có ngoài đời thực

The Glory gây ám ảnh với những vết sẹo bỏng chi chít trên cơ thể nữ chính Moon Dong Eun (Song Hye Kyo) do bị bạn học dí máy uốn tóc lên người. Dù bao nhiêu năm trôi qua, những vết thương đã thành sẹo nhưng vẫn luôn ngứa ngáy, như nhắc nhở cô về mối thù và tổn thương tâm lý không bao giờ lành. Một nạn nhân xấu số khác là Yoon So Hee đã bị Park Yeo Jin (Lim Ji Yeon) - kẻ cầm đầu nhóm bắt nạt châm lửa đốt và ngã từ trên cao xuống thiệt mạng.

Bạo lực học đường: Khi kẻ bắt nạt không còn nhớ nhưng nạn nhân thì ám ảnh suốt đời

Nhiều người xem phim sẽ thắc mắc liệu ngoài đời có cảnh bạo lực học đường dã man như vậy không, hay phim ảnh chỉ cường điệu hóa? Trên thực tế, có những vụ bạo hành không khác gì trên phim. Năm 2020, đài SBS đưa tin một nam sinh họ Park (khi đó 22 tuổi) bị nhóm bạn châm lửa đốt vào sinh nhật chỉ để “mua vui”. Park được nhóm bạn liên hệ để tổ chức sinh nhật, sau đó cậu bị kéo đến bãi đất trống, trói vào ghế, mặt bịt kín. Nhóm này dùng xăng tưới lên người Park rồi dùng pháo hoa đốt từ chân đến đầu gối. Nạn nhân bốc cháy trong đau đớn. Park bị bỏng đến 40% cơ thể và nặng cấp độ 3. Gia đình nạn nhân đã kiện ra tòa nhưng thủ phạm chỉ hưởng án treo. Chi phí điều trị cho Park tiêu tốn đến 100 triệu won, gấp đôi số tiền bồi thường.

Theo Wikitree, cảnh “nướng” bạn bằng máy sấy đầy ám ảnh cũng dựa trên câu chuyện có thật xảy ra năm 2006 tại một trường trung học nữ sinh ở thành phố Cheongju, thuộc tỉnh Chungcheongbuk-do (Hàn Quốc). Một nữ sinh tên J thường xuyên bị một nhóm bạn học do K cầm đầu hành hung. Một lần, K làm cánh tay J bị thương bằng một chiếc máy làm tóc và còn trấn lột tiền của J. Sau vụ việc, chính quyền thành phố đã ra lệnh bắt giữ K.

Bạo lực học đường: Khi kẻ bắt nạt không còn nhớ nhưng nạn nhân thì ám ảnh suốt đời

Khi kẻ bắt nạt không còn nhớ nhưng nạn nhân thì ám ảnh suốt đời

The Glory khiến nhiều khán giả đồng cảm vì họ cũng từng là nạn nhân của bắt nạt học đường với nhiều hình thức khác nhau, từ bạo hành thân thể đến hành hạ tinh thần. Không một nạn nhân của bạo lực học đường nào có thể sống hạnh phúc như không có chuyện gì xảy ra trong quãng đời còn lại. Moon Dong Eun đã nhiều lần đau đớn, tuyệt vọng, muốn chết, ngay cả khi cô đã trả thù thành công. Hơn một lần cô tìm đến cái chết nhưng đều may mắn được người khác phát hiện và giúp đỡ. Thời gian như ngưng đọng lại ở tuổi 18 với Dong Eun, bởi cơ thể cô đã bị hủy hoại còn tâm hồn thì bị nghiền nát. Suốt 18 năm sau đó, cô chỉ tập trung vào mục tiêu duy nhất: báo thù, cô đã gạt bỏ ước mơ của mình sang một bên và chưa bao giờ được sống cuộc đời của chính mình.

Bạo lực học đường: Khi kẻ bắt nạt không còn nhớ nhưng nạn nhân thì ám ảnh suốt đời

Trong Itaewon Class cũng có nhắc đến vấn nạn bạo lực học đường. Lee Ho Jin (Lee David) từng bị Jang Geun Won (Ahn Bo Hyun) - một cậu học sinh con nhà giàu thường xuyên bắt nạt và được nam chính Park Sae Royi (Park Seo Joon) giúp đỡ. Sau này Ho Jin đỗ vào một trường đại học danh tiếng và trở thành một chuyên gia quản lý quỹ. Anh hợp sức với Park Sae Royi để trả thù Geun Won và chủ tịch Jang. Thế nhưng ngay cả khi Ho Jin đã trưởng thành, đủ sức đánh bại khiến cho kẻ thù thân bại danh liệt thì anh vẫn hoảng loạn, đổ mồ hôi khi vô tình gặp lại Geun Won, còn kẻ bắt nạt thậm chí không nhớ Ho Jin là ai.

Bạo lực học đường: Khi kẻ bắt nạt không còn nhớ nhưng nạn nhân thì ám ảnh suốt đời

Điều tồi tệ là những kẻ tàn ác dường như vẫn sống thảnh thơi và không một chút hối hận vì những gì mình đã gây ra. Park Yeon Jin trong The Glory không tin vào nhân quả, cô ta chỉ hối hận năm đó không giết luôn Dong Eun cho rồi, và dù có phải chết thì cô ta vẫn dùng một cái máy uốn tóc khác lên người Dong Eun.

Trên thực tế, màn trả thù mãn nhãn trong The Glory rất khó xảy ra ở đời thực. Osen cho biết phần lớn thủ phạm bạo lực học đường không hề bị trừng phạt. Gần đây một chương trình truyền hình ở Hàn Quốc đã gây chú ý với câu chuyện về Jeong Da Geum, một nạn nhân được cho là thiệt mạng vì bạo lực học đường năm 2009. Hiện bốn kẻ bị nghi là thủ phạm đã đổi tên, phẫu thuật thẩm mỹ, kết hôn và sống cuộc đời bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Vụ việc này từng khiến dư luận Hàn hết sức phẫn nộ.

Bạo lực học đường: Khi kẻ bắt nạt không còn nhớ nhưng nạn nhân thì ám ảnh suốt đời

Để không ai phải trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường

Trong The Glory, Dong Eun trở thành nạn nhân bị bắt nạt vì cô thuộc nhóm người yếu thế. Park Yeo Jin từng nói với Dong Eun: “Không ai bảo vệ cậu đâu. Không phải cảnh sát, không phải trường học và thậm chí không phải cha mẹ của cậu. Cậu gọi một người như thế là gì? Một kẻ yếu thế”.

Rõ ràng không chỉ nhóm bạn Yeo Jin bắt nạt Dong Eun mà giáo viên trong trường cũng tiếp tay và bao che cho nhóm học sinh hư. Dong Eun không chỉ bị bạn học dí máy uốn tóc lên người mà còn bị chính thầy giáo của mình chửi bới, mạt sát và ra tay hành hung. Trong khi đó, mẹ của Dong Eun còn nhận tiền của gia đình những học sinh bắt nạt con mình và bán rẻ con cái.

Bạo lực học đường: Khi kẻ bắt nạt không còn nhớ nhưng nạn nhân thì ám ảnh suốt đời

Sau khi trở thành giáo viên, điều đầu tiên mà Dong Eun dạy học trò của mình là: “Đừng bắt nạt học sinh khác vì bạn mặc quần áo đẹp hơn, vì bạn đi xe tốt hơn, hoặc vì bạn sống trong một ngôi nhà tốt hơn”. Để bạo lực đường không còn là vết sẹo hằn sâu trong cuộc đời, điều này đòi hỏi sự chung tay của cả một hệ thống, từ giáo dục gia đình đến giáo dục trong nhà trường, giáo dục nhận thức cho trẻ từ sớm, cha mẹ cần dành sự quan tâm nhất định cho con cái.

Trong The Glory, nhận thức của những kẻ bắt nạt bị lệch lạc ngay từ đầu, họ rơi vào tình trạng vô minh, ác nhưng không nhận thức được là mình ác. Khi châm lửa đốt bạn, dồn ép bạn khiến bạn ngã chết, Yeo Jin đã hoảng sợ nhưng sau đó lại được chính mẹ ruột của mình bao che. Cô lớn lên với suy nghĩ tiền có thể giải quyết được mọi thứ và thậm chí khi vào tù vẫn không cảm thấy hối hận. Nếu môi trường, từ gia đình đến nhà trường không tiếp tay cho tội ác của Yeo Jin và nhóm học sinh hư thì có lẽ số phận của từng nhân vật đã khác rất nhiều. Dong Eun không bị dồn ép đến bước đường cùng, những kẻ bắt nạt cũng có cơ hội sửa sai và trở thành người tử tế hơn.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 3 bảng mắt màu siêu siêu xinh, không mua hơi phí