Bao lâu rồi bạn chưa nghỉ phép và tại sao phải "ngại"?
Tin liên quan
Nghỉ phép hưởng nguyên lương là quyền lợi của người lao động, nhưng vì nhiều lý do mà không phải ai cũng hưởng trọn vẹn quyền lợi của mình. Không phải chỉ những kẻ workaholic mới tham công tiếc việc đến nỗi nghỉ 1 ngày cũng thấy trái với lương tâm. Có muôn vàn lý do khiến các anh chàng cô nàng văn phòng không nghỉ phép, mà quanh đi quẩn lại chỉ xoay quanh một chữ: Ngại!
Đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày chờ được chấm công
Trong bộ phim Nữ luật sư kỳ lạ Goo Young Goo từng gây sốt, bên cạnh những cặp nam thanh nữ tú thì hình tượng anh sếp Jung Myung Seok cũng đốn tim của không ít fangirl. Jung Myung Seok là luật sư cao cấp tại một công ty luật lớn. Để phấn đấu đến vị trí hiện tại, anh đã phải trả giá bằng những năm tháng thanh xuân làm việc miệt mài không ngừng nghỉ, thậm chí đánh đổi bằng cả cuộc hôn nhân của mình. Trong những đoạn hồi tưởng của luật sư Jung về người vợ cũ, anh thường xuyên nghe điện thoại công việc ngay cả trong kỳ nghỉ trăng mật. Đêm tân hôn anh cũng làm việc thâu đêm suốt sáng, để tiệc rượu nguội lạnh, người vợ phải chăn đơn gối chiếc một mình. Trụ được 8 năm, người vợ đã ly hôn vì không thể nào chịu đựng một ông chồng luôn ưu tiên công việc hơn cả gia đình.
Cho đến một ngày, luật sư Jung phát hiện mình bị ung thư dạ dày giai đoạn 3, có lẽ là kết quả của những năm tháng làm việc bán mạng đến quên ăn, quên nghỉ. Thế nên anh đã có một quyết định khiến cấp dưới của mình phải bất ngờ, đích thân nhận một vụ kiện nhỏ và đưa cả team đến đảo Jeju, biến chuyến công tác thành kỳ nghỉ dưỡng chớp nhoáng. Tại đây, vị luật sư nghiện việc đã có những ngày tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi và hồi tưởng về hồi ức tươi đẹp mà anh từng đánh mất, trước khi lên bàn phẫu thuật.
Nhưng, tại sao phải để đến khi kiệt sức vì làm việc, khi ốm đau bệnh tật người ta mới dám nghĩ đến một kỳ nghỉ?
Theo quy định, nếu làm đủ năm cho công ty thì người lao động có quyền nghỉ phép có lương với số ngày nghỉ là 12 ngày làm việc. Nếu làm đủ 5 năm trở lên, người lao động còn được tăng thêm 1 ngày phép. Với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, có quyền được nghỉ phép từ 14 - 16 ngày mỗi năm. Số ngày phép sẽ không có giá trị quy đổi thành tiền, như vậy nếu người lao động không nghỉ hết số ngày phép của mình thì coi như mất quyền lợi.
Thế nhưng vì nhiều lý do mà không phải ai cũng sử dụng hết số phép của mình, trừ khi có công việc cấp bách hay đau ốm. Có thể do khối lượng công việc nhiều, khó thu xếp, ngại nhờ vả đồng nghiệp và ngại sếp. Dù nghỉ phép họ vẫn phải đảm bảo công việc của mình và không được nghỉ ngơi một cách trọn vẹn. Ở vị trí càng cao thì trách nhiệm càng lớn, người ta lại càng khó dứt khỏi công việc để nghỉ phép.
Chị tạp vụ ở công ty tôi năm nào cũng dư gần như trọn vẹn ngày phép của mình vì chị không thể nghỉ. Chị bảo có lần chị nghỉ vì có việc đột xuất, sau đó một chị ở phòng nhân sự mắng chị xơi xơi vì không đảm bảo công việc trước khi nghỉ. Theo đó, chị có thể nghỉ nhưng phải tự sắp xếp người làm thay. Kể từ đó, chị rất hạn chế nghỉ phép vì nghỉ mà vẫn phải hoàn thành công việc bằng mọi giá thì cũng không khác gì nhau.
Đầu năm 2022, nền tảng đánh giá doanh nghiệp ẩn danh Glassdoor (Mỹ) đã đặt một câu hỏi cho 20.297 người tham gia khảo sát: “Trong PTO, bạn có nghỉ ngơi thật sự?” (PTO - Paid time off - nghỉ phép có lương). Kết quả, 54% người tham gia đã trả lời “Không”.
Cũng theo khảo sát này, người trẻ từ 21 - 25 tuổi dễ nghỉ phép hơn, chỉ 47% trong số họ là khó có thể ngừng làm việc. Tuy nhiên, có 65% người từ độ tuổi 45 trở lên lại luôn bận rộn trong những ngày nghỉ phép, họ đã có chỗ đứng trong công ty nên phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn.
Một số ngành nghề gặp khó khăn khi nghỉ phép như giáo viên (73%), luật sư (71%), kế toán (59%), tài chính (55%), tư vấn viên (51%).
Một số lý do chính khiến người lao động khó dứt khỏi công việc để nghỉ phép như: văn hóa làm việc độc hại, chế độ nghỉ phép không đầy đủ hoặc không rõ ràng, chưa hoàn thành công việc đang làm, sợ ảnh hưởng tới thăng tiến trong sự nghiệp.
Sao phải ngại khi sử dụng quyền lợi của mình?
Cả năm đi làm không nghỉ phép một ngày nào, có những nhân sự để dành ngày phép để có một kỳ nghỉ dài “ra tấm ra món” trong chuyến du lịch cùng gia đình. Tuy nhiên không phải ai cũng can đảm xin sếp nghỉ phép liền một mạch từ 7 - 10 ngày. Tôi có một đồng nghiệp cũ từng xin nghỉ phép 14 ngày để đi du lịch Ấn Độ nhưng không được công ty đồng ý nên chị đã nghỉ việc luôn. Chuyến đi kết thúc cũng là lúc chị nhảy việc sang một công ty khác.
Theo Richard Johnson, chuyên gia kinh tế của Glassdoor, các doanh nghiệp khó có thể giữ chân nhân viên nếu không cho phép họ hưởng PTO một cách trọn vẹn. Người sử dụng lao động cần biết khuyến khích nhân viên tận hưởng kỳ nghỉ và ngừng làm việc trong PTO, nếu không họ sẽ có nguy cơ đánh mất nhân tài vào tay những đối thủ cạnh tranh có phúc lợi tốt hơn. Chính sách PTO không chỉ là một yếu tố cạnh tranh trên thị trường lao động mà còn hỗ trợ để người lao động không bị kiệt sức.
Nhiều người khi sử dụng ngày nghỉ phép để đi du lịch phải giấu nhẹm đi, không dám check-in, đăng ảnh để tránh ánh mắt săm soi của sếp và đồng nghiệp. Cả doanh nghiệp và người lao động nên từ bỏ suy nghĩ nghỉ phép để nghỉ ngơi, du lịch, tận hưởng cuộc sống là lười biếng, thiếu trách nhiệm với công việc.
Nghỉ phép chính là quyền lợi của người lao động, để có thể tái tạo sức lao động, cân bằng công việc và cuộc sống, từ đó có thể làm việc tập trung, năng suất và hiệu quả hơn. Chính vì thế, một khi đã nghỉ phép thì không nên đem theo công việc mà chỉ nên tập trung tận hưởng kỳ nghỉ của mình.
Để kỳ nghỉ diễn ra suôn sẻ, người lao động cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đầu tiên phải thông báo với cấp quản lý từ sớm để có sự sắp xếp nhân sự thay thế. Tiếp đến, hoàn thành những công việc dở dang trước chuyến đi và tránh để deadline gần sát ngày nghỉ. Sau đó, hãy trao đổi, bàn giao công việc với một đồng nghiệp tin cậy. Cuối cùng, hãy giữ phương thức liên lạc với đồng nghiệp trong trường hợp khẩn cấp. Chỉ cần đảm bảo công việc vẫn vận hành trơn tru sau khi bạn vắng mặt thì chẳng có sếp nào lại gây khó dễ cho bạn cả. Trong trường hợp bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng mà vẫn vấp phải sự phản đối của sếp thì đã đến lúc nên xem lại bạn có nên làm việc trong một môi trường độc hại như vậy không.
Điều quan trọng là người lao động cần vượt qua rào cản từ chính bản thân mình. Có thể họ chỉ tưởng là sếp khó thôi chứ thực ra sếp cũng không hề cấm cản việc nhân viên nghỉ phép khi họ đã hoàn thành trách nhiệm với công việc. Nếu thấy mệt mỏi quá giữa những ngày chỉ chờ được chấm công, sao không thử lên kế hoạch tự thưởng cho bản thân một kỳ nghỉ trọn vẹn?
Bao lâu rồi bạn chưa nghỉ phép?
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất