Tại sao phải phân vân giữa tận hưởng hay tiết kiệm trong khi bạn có thể chọn cả hai?

I Am NGA 2021-07-20 08:45
- Bạn hoàn toàn có thể vừa tiết kiệm vừa tận hưởng nếu như bạn biết cách.

Nói đến vấn đề tiết kiệm, người ta thường có hai luồng ý kiến. Những người cẩn trọng, ăn chắc mặc bền thường đề cao việc tiết kiệm. Ngược lại, những người ưa hưởng thụ, thích tiêu dùng thường có đồng nào xào đồng nấy và ít khi tiết kiệm một cách có kỷ luật. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến nhiều người đang có thu nhập cao bỗng chốc bị đẩy ra đường thành người thất nghiệp. Người ta buộc phải giật mình xem lại thói quen tiêu tiền của mình. Vấn đề là, tại sao người ta cứ phải phân vân xem nên tận hưởng hay tiết kiệm? Liệu có cách nào vừa tận hưởng mà vẫn tiết kiệm được không?

Tại sao phải phân vân giữa tận hưởng hay tiết kiệm trong khi bạn có thể chọn cả hai?

Những định kiến sai lầm về việc tiết kiệm

Nhắc đến từ “tiết kiệm”, nhiều người giãy nảy lên. Đời sống mấy tí mà ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, cứ tằn tiện chắt chiu từng đồng rồi đến lúc chết cũng chẳng kịp tiêu. Thực ra, đâu ai quy định sống tiết kiệm là phải kham khổ, nhịn ăn, nhịn mặc? Có lẽ những tấm gương lương 5 triệu vẫn mua nhà, mua xe nhan nhản trên báo đã khiến người ta có cái nhìn ác cảm về việc tiết kiệm. Việc chia sẻ kinh nghiệm tiêu dùng thông minh bỗng biến thành đại hội phán xét. Người thì bị cho là keo kiệt, bủn xỉn, người thì bị chỉ trích đã tiêu hoang còn lên mạng dạy đời.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng người ta không thể giàu lên nhờ tiết kiệm mà chính việc tiêu nhiều tiền thúc đẩy người ta kiếm nhiều tiền hơn. Thậm chí có người còn dùng các khoản nợ để tạo động lực cho bản thân kiếm tiền.

Tại sao phải phân vân giữa tận hưởng hay tiết kiệm trong khi bạn có thể chọn cả hai?

Tác giả Robert Kyosaki của bộ sách Cha giàu, cha nghèo nổi tiếng đã viết: “Không quan trọng việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền. Điều quan trọng là bạn giữ được bao nhiêu tiền và khiến cho tiền sinh sôi nảy nở”.

Có những người thu nhập cao nhưng giá trị tài sản ròng lại thấp do vung tay quá trán hoặc nợ nần (giá trị tài sản ròng là tổng tài sản sở hữu trừ đi tất cả các khoản nợ). Nếu không biết cách quản lý tiền bạc, thì bạn có kiếm thêm được bao nhiêu tiền chăng nữa, chúng cũng nhanh chóng bốc hơi khỏi ví mà thôi.

Còn suy nghĩ dùng nợ nần làm đòn bẩy kiếm tiền, trừ khi bạn là chuyên gia đầu tư cực sành sỏi, còn trong đa số trường hợp việc nợ chồng nợ chỉ khiến bạn ngày càng lún sâu vào nợ nần. Đấy là còn chưa kể đến những trường hợp rủi ro mất việc, thu nhập ảnh hưởng do dịch bệnh và mất khả năng trả nợ.

Cứ tiêu đi vì đến đâu hay tới đó

Những người còn độc thân thường khó khăn trong việc tiết kiệm và đặt mục tiêu hơn những người đã lập gia đình và sinh con, vì họ không có động lực đủ mạnh để làm chuyện đó, đặc biệt là với những người thậm chí còn chẳng có ý định kết hôn và sinh con. Vì thế, họ tiêu hết số tiền mình kiếm được vì đời chỉ sống có một lần, chuyện tương lai để mai tính. Chẳng biết ngày mai ra sao nữa, nếu có ra sao cũng… chẳng sao.

Tại sao phải phân vân giữa tận hưởng hay tiết kiệm trong khi bạn có thể chọn cả hai?

Ở những nước phát triển như Hàn Quốc, Singapore, khá nhiều người trẻ hưởng ứng lối sống hôm nay không cần biết ngày mai. Cứ ăn thật ngon, mua một chiếc áo hàng hiệu, thỉnh thoảng du lịch sang chảnh, bởi vì họ biết mình chẳng thể mua nổi một căn nhà dù cố gắng đến đâu chăng nữa. Số tiền nợ thẻ tín dụng và nợ vay trả góp ngày một tăng khiến chính phủ cũng phải lo ngại, bởi nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Cũng như tiết kiệm không có nghĩa là phải sống tằn tiện, hưởng thụ cũng không có nghĩa là bạn được quyền tiêu xài hoang phí. Những ai có thói quen tiêu tiền bạt mạng, nợ nần ngập đầu, khỏi phải nói đã ‘ngấm đòn’ ra sao trong bối cảnh dịch bệnh đầy khó khăn này.

Làm sao để vừa tiết kiệm lại vẫn được hưởng thụ?

Thật ra là có cách đấy, có điều bạn có chịu tìm hiểu và có muốn làm theo hay không mà thôi. Mỗi khi cầm trên tay những đồng tiền lương “nóng hổi”, tự bạn phải biết mình sẽ tiết kiệm bao nhiêu, hưởng thụ bao nhiêu.

Đầu tiên khi nhận lương, hãy trả cho bản thân mình trước. Bởi tiền bạn mua một chiếc áo, một bữa ăn đều sẽ vào túi của người khác. Chi cho bản thân trước nghĩa là trích ra một khoản bắt buộc để tiết kiệm đều đặn hàng tháng. Con số này rơi vào khoảng 10-20% thu nhập của bạn. Đó là khoản tiền không quá lớn đến mức bạn không thể bỏ ra, cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến việc chi tiêu của bạn. Mỗi tháng bỏ ra tối thiểu 10% thu nhập thôi nhưng tích cóp dần dần bạn sẽ có một khoản phòng thân để dùng cho những trường hợp khẩn cấp như ốm đau, tai nạn, mất việc.

Tại sao phải phân vân giữa tận hưởng hay tiết kiệm trong khi bạn có thể chọn cả hai?

Vậy nên tiết kiệm bao nhiêu là đủ? Chuyên gia khuyên bạn nên tiết kiệm khoảng 6 tháng tiền tiêu dùng thiết yếu và bạn không được động vào khoản tiền này trừ trường hợp khẩn cấp. Sau khi đã tiết kiệm đủ cho quỹ khẩn cấp, bạn có thể tiếp tục tiết kiệm tiền cho quỹ đầu tư. Bạn mang tiền đi đầu tư để tiền đẻ ra tiền cho bạn.

Sau khi đã trích ra một khoản tiết kiệm, hãy dành 55% cho tiêu dùng thiết yếu như tiền ăn, ở, sinh hoạt phí,… Nếu khoản chi tiêu thiết yếu của bạn lớn hơn 55% thu nhập, bạn nên cắt giảm chi tiêu và tìm cách tăng thu nhập.

Sau khi đã tiết kiệm 20% và dành ra 55% cho chi tiêu thiết yếu, bạn còn lại 25% thu nhập cho những mục đích như giáo dục (tham gia các khóa học, mua sách), cho/tặng (từ thiện, sinh nhật, đám cưới) và hưởng thụ. Hãy dành một khoản ra để tự thưởng cho bản thân đểcó động lực làm việc kiếm nhiều tiền hơn. Khoản này chiếm 10% thu nhập của bạn, cố gắng đừng tiêu vượt quá 10% nhưng cũng đừng quá tiết kiệm, dè sẻn mà không dám hưởng thụ.

Như vậy, bằng một phương pháp đơn giản, tôi đã chỉ cho bạn cách làm sao để vừa có tiền tiết kiệm mà vẫn có thể hưởng thụ cuộc sống. Thực ra có rất nhiều phương pháp quản lý tài chính cá nhân khác nhau, từ cơ bản đến nâng cao. Hãy không ngừng tìm hiểu, thực hành để tìm ra phương pháp phù hợp với mình nhất. Chỉ khi hiểu được đồng tiền bạn mới có thể điều khiển được nó, bằng không, bạn chỉ có thể làm nô lệ của đồng tiền mà thôi.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

7 trào lưu làm đẹp 'lỗi mốt' bỗng dưng phát sốt