Người trẻ hoãn yêu đương, không màng cưới hỏi vì bận... kiếm tiền
Tin liên quan
Giới trẻ bận kiếm tiền, chẳng thiết yêu đương
Hơn 5 năm kể từ khi bắt đầu công việc, Ánh Kim thừa nhận rằng cô chưa bao giờ về nhà đúng giờ do bận làm thêm để tăng thu nhập. Một ngày làm việc của nữ nhân viên văn phòng 27 tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội thường kéo dài từ 8h sáng đến 21-22h tối. Nhiều lần cô phải tăng ca đến nửa đêm và đôi khi phải ngủ lại công ty cùng vài đồng nghiệp.
Công việc khiến Kim luôn phải giữ điện thoại bật để sẵn sàng nhận việc. Đổi lại, cô có thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng, chế độ đãi ngộ tốt và cơ hội thăng tiến. "Mỗi ngày tôi chỉ ngủ 4-5 tiếng, nếu có thời gian thì chỉ tranh thủ ngủ, không còn sức để đi xem mắt hay nhắn tin tán tỉnh ai đó," Kim chia sẻ.
Nhận thấy con gái quá bận rộn, bố mẹ khuyên cô nên tìm một công việc khác với mức lương thấp hơn nhưng có thời gian dành cho gia đình khi kết hôn. Ánh Kim từ chối lời khuyên và cho rằng trong xã hội hiện đại, kiếm tiền và có sự nghiệp thăng tiến là ưu tiên hàng đầu. Cô cho rằng yêu đương và kết hôn chỉ là thứ yếu vì "tốn thời gian và phiền phức".
Vào ngày 6/8, GS. TS Nguyễn Thiện Nhân đề xuất giảm giờ làm việc để người lao động có thời gian tìm bạn đời và chăm sóc gia đình, khiến bố mẹ Ánh Kim vui mừng. Tuy nhiên, trái với mong muốn của phụ huynh, Kim cho biết nếu đề xuất giảm giờ làm được thông qua, cô sẽ dùng thời gian rảnh để nghỉ ngơi hoặc bắt đầu kinh doanh riêng, bởi vì cô hiểu rằng giảm giờ làm đồng nghĩa với việc giảm thu nhập.
Khánh Hoàng, 30 tuổi, cũng không muốn dành thời gian rảnh cho việc yêu đương hay tìm bạn đời. Chàng trai làm IT ở quận 3, TP HCM cho rằng với giá thuê nhà và phí sinh hoạt ngày càng cao nhưng lương lại giảm, việc kiếm tiền là ưu tiên hàng đầu, còn việc tìm bạn gái là xa xỉ.
"Không phải tôi lười yêu hay ngại kết hôn, mà đơn giản là tài chính hiện tại không cho phép chi thêm cho khoản 'tình phí', chưa kể đến việc kết hôn," Hoàng nói. Anh cho biết sẽ trì hoãn việc kết hôn cho đến khi có thể mua nhà, đủ tiền cho con đi học và đảm bảo mức sống tối thiểu cho gia đình.
Đây cũng là lý do khiến Hoàng nhiều năm qua vẫn làm hai công việc để có thu nhập hàng tháng khoảng 30 triệu đồng. Ánh Kim và Khánh Hoàng nằm trong số 13% hơn 110.000 độc giả khảo sát gần đây, cho rằng việc giảm giờ làm để tìm bạn đời là "không thực tế."
Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP HCM, cho biết sự trì hoãn yêu đương và kết hôn của một bộ phận người trẻ có thể hiểu được.
Lý do dễ nhận thấy nhất là muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do, nỗi lo cơm áo gạo tiền khi kinh tế vẫn còn bấp bênh, thu nhập giảm hoặc chưa thể mua nhà để ổn định cuộc sống. Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho biết các nghiên cứu ghi nhận ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn, sinh con do gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp.
Theo chuyên gia, đề xuất của ông Nguyễn Thiện Nhân là phù hợp trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm, độ tuổi kết hôn của người Việt tăng. Đặc biệt, giảm giờ làm giúp người lao động đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần.
Thống kê của Cục An toàn lao động năm 2019 cho thấy Việt Nam là quốc gia có số giờ làm việc thuộc nhóm cao ở Đông Nam Á, trong khi ngày nghỉ lễ thuộc nhóm thấp nhất. Lao động Việt Nam làm nhiều hơn Indonesia 440 giờ, hơn Campuchia 184 giờ và hơn Singapore 176 giờ, mỗi năm.
Khánh An (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất