Phát hiện bất ngờ về mối quan hệ giữa nụ cười và sự cô đơn

2021-05-15 08:30
- Cô đơn là một “căn bệnh” tâm lý chẳng còn xa lạ gì trong xã hội hiện nay. Xung quanh chúng ta có thể có rất nhiều người – ông bà, cha mẹ, anh chị, bạn bè, đồng nghiệp, người yêu… nhưng đôi khi, chúng ta cảm thấy như cả thế giới đang quay lưng lại với mình. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, và các nhà tâm lý vừa phát hiện ra một sự thật thú vị về mối quan hệ mật thiết giữa nụ cười hàng ngày và nỗi cô đơn.

Ngày nay, những người đang “kết thân” với sự cô đơn hoặc thiếu các mối quan hệ gần gũi đã đạt đến một tỷ lệ đáng báo động. Các nhà tâm lý học đang tìm cách khắc phục tình trạng này và giúp mọi người xây dựng những kết nối xã hội có ý nghĩa. Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra một cơ chế khiến cho sự cô đơn cứ tồn tại dai dẳng.

Người ta đưa ra giả thuyết rằng sự cô đơn được duy trì bằng cách xử lý sai các tín hiệu xã hội như giao tiếp bằng ánh mắt hoặc nụ cười. Bạn đã bao giờ gặp những người không biểu hiện bất kỳ một sự đáp trả nào khi bạn mỉm cười hoặc nhìn vào mắt họ chưa? Hay chính bạn có bao giờ thờ ơ với người khác như thế không? Thật không may, chúng chính là chìa khóa cho các tương tác xã hội tích cực. Sự suy yếu quá trình xử lý các tín hiệu xã hội có thể dẫn đến sự thất bại trong việc tự động bắt chước người khác. Bắt chước xã hội là hiện tượng xảy ra một cách tự nhiên trong hầu hết các tương tác, khi đó, chúng ta có xu hướng tự động và vô thức bắt chước các biểu hiện cảm xúc của người mà chúng ta đang tương tác trong một cuộc trò chuyện trực tiếp.

Phát hiện bất ngờ về mối quan hệ giữa nụ cười và sự cô đơn

Để tìm hiểu xem những người cô đơn tiếp nhận những tín hiệu xã hội và tự động bắt chước chúng như thế nào, các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Diego đã thực hiện một nghiên cứu nhỏ với 35 tình nguyện viên. Các sinh viên đầu tiên hoàn thành ba bảng câu hỏi để các nhà nghiên cứu có thể đo lường mức độ cô đơn, trầm cảm và các phản ứng thái quá của họ. Dựa trên kết quả đó, họ được phân loại là cô đơn hoặc không cô đơn. Tiếp theo, họ được gắn các điện cực vào hai cặp cơ mặt có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các biểu hiện cảm xúc. Sau đó, họ được xem các video clip về những người đàn ông và phụ nữ thể hiện nét mặt giận dữ, sợ hãi, vui mừng và buồn bã. Những người tham gia được yêu cầu đánh giá các biểu cảm trên các khuôn mặt đó. Người ta thấy rằng các sinh viên cô đơn và không cô đơn đều có thể phân biệt các loại biểu cảm trên khuôn mặt và không có sự khác biệt về khả năng đánh giá các cảm xúc tiêu cực (tức giận, sợ hãi và buồn bã) hoặc cảm xúc tích cực (niềm vui). Vì vậy, những người cô đơn có thể nhận thức và hiểu những biểu hiện cảm xúc cũng tương tự như nhóm không cô đơn.

Trên thực tế, vẫn có những khác biệt quan trọng trên gương mặt khi nhóm người cô đơn phản ứng một cách tự nhiên với các video clip. Ví dụ, khi các thành viên của cả hai nhóm nhìn thấy những người biểu hiện sự tức giận, lông mày của họ sẽ tự động bắt chước theo. Nhưng khi biểu hiện trong video là niềm vui, chỉ có nhóm không cô đơn tự động mỉm cười đáp lại.

Khi được hỏi cụ thể, nhóm cô đơn cho biết họ có thể cố tình bắt chước nụ cười cũng như cau mày. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nhóm cô đơn tự động mỉm cười khi xem các hình ảnh phi xã hội (ví dụ hình ảnh thiên nhiên) không có mặt những người khiến nhóm còn lại mỉm cười.

Các nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh, việc không bắt chước một nụ cười có thể gửi tín hiệu chống đối xã hội đến những người khác cũng như phá hoại các kết nối xã hội, cuối cùng dẫn đến mất kết nối xã hội. Đây có thể là một cơ chế hành xử vô tình làm duy trì sự cô đơn mãn tính.

Phát hiện bất ngờ về mối quan hệ giữa nụ cười và sự cô đơn

Lưu ý rằng, đây là một nghiên cứu nhỏ và mang tính chất sơ bộ. Chúng ta không thể kết luận rằng sự cô đơn cản trở con người bắt chước nụ cười của người khác hay thiếu nụ cười tạo ra sự cô đơn.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng mỉm cười với chính mình trong gương cũng có tác dụng tích cực. Có lẽ, những người cô đơn có thể đối mặt với việc không có nụ cười bắt chước bằng cách mỉm cười với chính mình trong gương và thể hiện sự yêu thương ngay cả khi những người khác không ở bên cạnh. Tuy nhiên, những hành động này có thể không phải là số lượng tương tác xã hội của họ mà chúng chính là nguyên nhân tạo ra và duy trì sự cô đơn. Khi những người này cảm thấy an toàn và thoải mái vì họ chỉ nhìn thấy một chân dung duy nhất là chính mình trong gương, họ sẽ chẳng bao giờ nhận ra việc kết nối trực tiếp với người khác là một điều vô cùng cần thiết, từ đó họ sẽ tiếp tục sống trong chính vỏ bọc của mình.

Trong mọi trường hợp, rõ ràng cô đơn là một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Nó gây ra những căng thẳng về thể chất và tâm lý, đồng thời làm giảm chức năng của hệ thống miễn dịch và dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Về lâu dài, tình trạng cô đơn liên tục làm tăng nguy cơ tử vong sớm đến 26%. Cô đơn còn tạo ra một bức tường vô hình nhưng cực kỳ kiên cố để ngăn chặn tất cả các tương tác trực tiếp giữa người và người. Xã hội sẽ ra sao nếu tất cả chúng ta bỗng dưng trở nên lạnh lùng và vô cảm với nhau?

Đừng để cô đơn trở thành một rào cản khiến chúng ta bị cô lập và sống một cách vô nghĩa. Bước đầu tiên rất đơn giản, bạn chỉ cần học cách mỉm cười đáp trả lại khi người khác đang mỉm cười với mình hoặc cố gắng giao tiếp bằng ánh mắt và tự tin thể hiện các cử chỉ giao tiếp lịch sự. Một cuộc sống có ý nghĩa không chỉ xoay quanh việc thả những icon mặt cười, yêu thích cho nhau trên mạng xã hội mà chúng ta phải tương tác trực tiếp với nhau mỗi ngày, để sợi dây nối kết xã hội tích cực sẽ không bao giờ bị đứt đoạn.

Theo ELLE

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


'Thần thái bá đạo' của sao Việt khi ở bên đồ ăn