Mỗi khi gặp chuyện, nên tự giải quyết hay mong cầu sự giúp đỡ?
Tin liên quan
Khi phải trải qua những chuyện chưa từng trải, ai cũng bối rối
Nhiều người luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Họ sợ hãi đủ thứ, lo lắng về tương lai, sợ mất việc làm, sợ không còn khả năng chăm lo cho gia đình. Chính thái độ tự ti đó đã đưa họ đến một lối sống an phận, dựa dẫm vào người khác.
Mỗi khi gặp chuyện không hay xảy ra, họ sợ hãi rúm ró lại. Họ mải đi tìm lý do, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác mà quên xem lại chính bản thân xem họ có trách nhiệm gì trong vấn đề này và họ có thể làm gì để giải quyết. Theo Stephen Covey, những ai mang tư tưởng mình là nạn nhân của hoàn cảnh dễ đầu hàng trước khó khăn, nhanh chóng mất niềm tin vào cuộc sống, mất động lực vươn lên và cam chịu sống trong bế tắc.
Mấy tháng gần đây, tôi thường xuyên phải đối mặt với những rắc rối, từ cuộc sống đến công việc. Đôi khi chỉ là những chuyện tủn mủn, vụn vặt nhưng lại khiến tôi bối rối, căng thẳng và không biết phải làm sao.
Tôi rất muốn chia sẻ tâm sự với người khác để cầu sự giúp đỡ, để xin một vài lời khuyên hay chỉ đơn giản là để trải lòng thôi. Dù cuối cùng thì vấn đề của mình vẫn phải tự mình giải quyết. Đôi khi việc viết journal là không đủ, những trang viết không thể thay thế việc đối thoại với người khác. Tự nhận thức là điều tốt nhưng đó chỉ là quan điểm một chiều của mình, trong khi người khác có thể đưa ra những góc nhìn khác.
Nhưng đôi khi việc tâm sự với người khác cũng là điều xa xỉ. Bởi vì sao? Bởi vì người khác còn đang bận sống cuộc đời của họ, họ cũng có những vấn đề của riêng họ và không phải ai cũng có khả năng nhận định, phân tích vấn đề. Bên cạnh đó, phản ứng của người khác với câu chuyện của mình cũng là điều mình không kiểm soát được. Họ có thể thờ ơ, hoặc tỏ thái độ, hoặc nói những điều khiến mình thất vọng. Mình không chỉ phải tự giải quyết vấn đề của mình mà còn phải nghĩ giải pháp, đến những tâm sự chồng chất trong lòng cũng phải tự xử lý.
Khi gặp phải những rắc rối chưa từng gặp, hầu như ai cũng bối rối. Nhưng khi gặp lần thứ hai, thứ ba với cùng một rắc rối tương tự thì người ta sẽ không còn lo lắng mà xử lý rất nhanh vì đã có kinh nghiệm trước đó. Rồi bạn sẽ nhận ra bản thân có thể tự giải quyết tất cả những vấn đề của mình, chỉ là lâu hay nhanh. Với những người “nảy số chậm”, kém linh hoạt thì có thể phải tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn, nhưng rồi cũng sẽ xử lý được.
Càng ngày, những vấn đề mình gặp phải sẽ càng hóc búa. Bản thân mỗi người phải rèn luyện để trưởng thành, để trở thành kiểu người đứng cao hơn những vấn đề của mình.
Dựa vào bản thân hay mong cầu sự giúp đỡ?
Tính tự lập được xem là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề. Tự bản thân mỗi người cần phải ý thức được rằng mình đang sống cuộc đời của mình, mình tự giải quyết những vấn đề của mình và có quyền tận hưởng cuộc sống. Tính tự lập mang một ý nghĩa quan trọng, thậm chí mang tính sống còn.
Hoan Lạc Tụng (2016) là bộ phim đầy cảm hứng về tinh thần tự lập của những cô gái trẻ hiện đại. Phim kể về năm cô gái cùng sống tại tầng 22 một tòa nhà chung cư thuộc tiểu khu có tên Hoan Lạc Tụng. Những cô gái trẻ như Khưu Oánh Oánh, Quan Sư Nhĩ, Khúc Tiểu Tiêu may mắn được những đàn chị đi trước như Andy, Phàn Thắng Mỹ chỉ giáo. Họ là những người trải đời, có nhiều kinh nghiệm và trở thành quân sư bất đắc dĩ cho những manh chiếu mới. Công sở như chốn giang hồ mà những cô gái trẻ ấy lại quá ngây thơ và không hiểu luật chơi. Cả Khưu Oánh Oánh và Quan Sư Nhĩ đều từng mắc lỗi ở công sở, từ lỗi nghiệp vụ đến lỗi giao tiếp với đồng nghiệp.
Nhưng sự nhờ vả của mấy cô em đôi khi cũng vượt quá giới hạn. Không chỉ coi Andy là “idol sự nghiệp” trong lòng mình, Quan Sư Nhĩ còn tiện thể nhờ luôn đàn chị làm quân sư tình cảm, dù Andy không mấy rành về vấn đề này và còn bận trăm công nghìn việc với vai trò CFO một công ty lớn. Khưu Oánh Oánh sau khi mất việc thì suốt ngày than vãn, trách móc “mình đã thất tình, lại còn thất nghiệp” khiến hội chị em đều thấy “nẫu lòng” và muốn tránh xa. Trong khi trước đó họ đã giúp đỡ, an ủi Oánh Oánh rất nhiều, thậm chí còn khuyên can hết nước hết cái nhưng cô không nghe mà vẫn kiên quyết hẹn hò với trai đểu.
Hội chị em Hoan Lạc Tụng.
Nhưng rồi ai cũng phải trưởng thành và học hỏi từ chính sai lầm của mình. Chính bản thân Oánh Oánh cũng tự thất mình bốc đồng, xốc nổi, không hiểu chuyện. Chỉ có Phàn Thắng Mỹ là nhìn thấy ưu điểm trong khuyết điểm của cô em và khuyến khích cô coi đó là thế mạnh. Quả nhiên Oánh Oánh đã tìm được công việc mới nhờ vào sự thẳng thắn, cương trực và quyết liệt của mình. Sau này, cô say mê với công việc ở quán cà phê, tự mình phát triển một dự án mới và nhận ra công việc văn phòng không phải là sự lựa chọn duy nhất.
Tôi đã bật khóc khi xem Hoan Lạc Tụng. Ước gì mình cũng có được sự yêu thương, bao bọc, chỉ dẫn từ những người đi trước như vậy, thì quãng đường mình phải đi thời trẻ đã bớt gập ghềnh hơn rất nhiều. Nhưng con người quý ở tính tự lập, bản thân các nhân vật trong phim cũng không phải lúc nào cũng dựa dẫm vào sự chỉ dạy, giúp đỡ của người khác mà vẫn phải học cách đứng vững trên đôi chân của mình.
Trong bộ phim cổ trang Khanh Khanh Nhật Thường mà tôi xem gần đây, các nhân vật nữ trong phim dù sống ở thời phong kiến, trọng nam khinh nữ, phụ thuộc đàn ông nhưng điều đó cũng không cản được ý chí vươn lên của họ. Hách Gia toan tính để được gả vào phủ Đích trưởng chủ làm thiếp, mong có thể tìm được nơi nương tựa nhưng tâm kế không lại được người chồng vũ phu máu lạnh. Nếu không có hội chị em bằng hữu giúp đỡ thì chắc hẳn Hách Gia đã phải bỏ mạng tại phủ Nhị thiếu chủ. Con người đôi khi không thể tự giải quyết vấn đề của mình mà không có người khác giúp đỡ. Nhất là khi họ gặp vấn đề về tâm lý như trầm cảm thì lại càng cần sự quan tâm, thấu hiểu, yêu thương của những người xung quanh.
Hội chị em Khanh Khanh Nhật Thường.
Trong cuốn 7 thói quen của người hiệu quả, Stephen R. Covey viết rằng chúng ta đang sống trong một thời đại tương thuộc, và để đạt những thành quả quan trọng, ngoài khả năng hiện có, mỗi người phải biết hợp tác và tương trợ lẫn nhau. Trong thời đại ngày nay, những cơ hội thành công lớn và những thành tựu vô giá chỉ dành cho những ai thấu hiểu được nghệ thuật hợp tác.
Sau những cuộc trò chuyện với người khác, tôi đã đánh giá và phân loại. Có những cuộc trò chuyện chất lượng, giúp tôi có thêm góc nhìn mới cho vấn đề của bản thân hoặc nhận được những lời khuyên có giá trị. Có những cuộc trò chuyện xếp vào hàng vô thưởng vô phạt và khiến tôi có cảm giác họ đang miễn cưỡng lắng nghe. Còn lại là những cuộc trò chuyện khiến cảm xúc của tôi thậm chí còn tệ đi.
Tưu trung lại, bản thân mỗi người cần linh hoạt, bỏ lối tư duy nhị nguyên, nếu không là lựa chọn A thì là lựa chọn B, sao không phải là một lựa chọn C khác, trung hòa cả A lẫn B. Nghĩa là, tùy từng vấn đề mà mình sẽ quyết định tự mình giải quyết hay chia sẻ với người khác để xin lời khuyên và mong được giúp đỡ. Và nếu đã chọn chia sẻ thì nên chia sẻ với ai, chọn thời điểm nào để chia sẻ? Rốt cuộc thì chúng ta đâu thể một mình tồn tại trong cuộc đời này phải không?
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất