Liệu suy nghĩ tích cực có thực sự làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn?

2021-06-12 13:30
- Liệu sức mạnh của suy nghĩ tích cực có thực sự hoạt động để giúp chúng ta thành công trong công việc hay trong việc học hành hay không?

Suy nghĩ tích cực có thể mang lại cho chúng ta sự hạnh phúc, giàu có và thành công. Đây là những câu nói động viên thường thấy trong những bài viết, bài diễn thuyết self-help. Nhưng những suy nghĩ tích cực thực sự có thể mang lại những giá trị như trong những câu chuyện kia hay không hay đây chỉ là một lý thuyết để tự an ủi những người đang gặp bất hạnh trong cuộc sống? 

Suy nghĩ tích cực là nguồn động lực để chúng ta vươn đến tương lai tốt đẹp hơn. Thay vì sa lầy vào những suy nghĩ tiêu cực và u ám thì nhiều người lại lựa chọn cho mình cái nhìn tích cực hơn với mong ước rằng những điều tốt đẹp cũng sẽ đến giống như những gì mình nghĩ. 

Suy nghĩ thường bắt đầu bằng những lời tự sự trong đầu chúng ta. Trong suốt một ngày, những suy nghĩ này sẽ thay đổi cường độ tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào môi trường bên ngoài hoặc do ý thức của chúng ta tác động vào. Một số người có thể kiểm soát tình trạng suy nghĩ của mình nhờ vào lý trí của bản thân nhưng nhiều người khác dường như lại bị “xúi giục” bởi những quan niệm sai lầm, những thành kiến hoặc ảnh hưởng từ người khác. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta phải nhận thức được những suy nghĩ tiêu cực của mình để có thể điều chỉnh nó trở nên tốt hơn. 

Các nghiên cứu về tâm lý học cũng chỉ ra rằng suy nghĩ tích cực có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và cho sức khỏe bản thân chúng ta. Nhưng đôi khi quá lạm dụng những suy nghĩ này cũng có thể dẫn đến phóng đại quá mức tiềm năng của nó trong việc thay đổi ý nghĩa cuộc sống của chúng ta hoặc thậm chí là bị phản tác dụng. 

Liệu suy nghĩ tích cực có thực sự làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn?

Sức mạnh của việc suy nghĩ tích cực 

Không có gì ngạc nhiên khi những suy nghĩ tích cực có thể dẫn đến kết quả sức khỏe tích cực và điều này cũng đã có rất nhiều dẫn chứng thực tế chứng minh. 

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý học cho thấy rằng thái độ của chúng ta có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tuổi thọ của mình. Nhà tâm lý học xã hội Becca Levy của Đại học Yale phát hiện ra rằng những người có cái nhìn lạc quan, vui vẻ thường sống lâu hơn và lâu lão hóa hơn so với những người phải thường xuyên lo lắng và chịu nhiều áp lực về tinh thần. Nghiên cứu của Levy cho thấy rằng thái độ tiêu cực mang đến những tác hại tương tự như hút thuốc và sử dụng rượu bia quá mức. Mặt khác thì nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những suy nghĩ tích cực còn có thể giúp cho trí nhớ chúng ta tốt hơn và thính giác thậm chí còn nhạy bén hơn. 

Suy nghĩ tích cực cũng có thể là một phương pháp để chống lại chứng trầm cảm. Có một chiến lược trị liệu được gọi là Positive Activity Interventions (PAIs) (tạm dịch: can thiệp hoạt động tích cực) đã thực sự mang lại một số hiệu quả nhất định. Việc điều trị bao gồm việc thực hiện các hành vi và suy nghĩ tích cực có chủ đích, chẳng hạn như thực hiện các hành động tử tế, bày tỏ lòng biết ơn, suy ngẫm về cảm xúc tích cực đối với người khác và thể hiện “một bản thân tốt nhất có thể”. 

Và kết quả nhận lại cho thấy phương pháp PAIs đã thực sự làm gia tăng cảm xúc tích cực và hạnh phúc của người tham gia. Kết quả như vậy cho thấy rằng không nhất thiết phải tạo ra những thay đổi đáng kể trong cuộc sống để có thể chống lại chứng trầm cảm. Thay vào đó, bằng cách sử dụng các chiến lược nhận thức và hành vi đơn giản này, mọi người đã có thể tự làm gia tăng chỉ số hạnh phúc của mình một cách hiệu quả. 

Liệu suy nghĩ tích cực có thực sự làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn?

Ngoài ra, suy nghĩ tích cực còn có thể giúp cho chúng ta không bị mắc bệnh. Một nghiên cứu vào năm 2003 trên tạp chí Psychosomatic Medicine cho thấy những người có phong cách sống tích cực, chẳng hạn như luôn tràn đầy năng lượng, vui vẻ và thoải mái thường ít bị cảm lạnh hơn những người trầm cảm, căng thẳng hoặc thường xuyên tức giận. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người căng thẳng hoặc buồn bã lại thường có xu hướng và khả năng phàn nàn về các triệu chứng cảm lạnh ngay cả khi họ không bị bệnh thật sự. 

Một lợi ích khác của suy nghĩ tích cực mà chúng ta có thể cảm nhận được đó là giúp làm giảm cảm giác lo lắng và hồi hộp. Các vận động viên thể thao trước khi ra sân thường sẽ tự nói với bản thân những điều tích cực như “tôi sẽ làm được”, “đi, đi, đi”… điều này thực tế giúp làm giảm cảm giác bồn chồn và giúp tăng hiệu suất thi đấu hơn. 

Suy nghĩ tích cực có thực sự mang lại hiệu quả hoàn hảo về mọi mặt hay không? 

Nhưng liệu sức mạnh của suy nghĩ tích cực có thực sự hoạt động để giúp chúng ta thành công trong công việc hay trong việc học hành hay không? Và liệu nó có thể được sử dụng một cách đáng tin cậy để giúp chúng ta đạt được mục tiêu của mình và vượt qua một số khó khăn, thử thách trong cuộc sống hay không? 

Nhiều người tin rằng những suy nghĩ hạnh phúc, lạc quan sẽ giúp họ tiến xa hơn trong cuộc sống và rằng những suy nghĩ tích cực rồi sẽ được đền đáp bằng hạnh phúc, giàu có, trí tuệ và thành công. 

Nhưng thực tế thì đôi khi không hoàn toàn như những điều chúng ta suy nghĩ. Sự lạc quan không ngừng về tương lai sẽ chỉ tạo ra một cú sốc lớn hơn khi mọi thứ không diễn ra như mong muốn của bạn. Đồng thời, bằng cách đấu tranh tư tưởng để duy trì niềm tin tích cực về tương lai, những người suy nghĩ tích cực cuối cùng lại ít chuẩn bị tốt hơn về những rủi ro sắp tới mình sẽ gặp phải, từ đó họ dễ bị vấp ngã và rồi phải chịu những tổn thương sâu sắc hơn do niềm tin đã bị phá vỡ. Khái niệm phiến diện cho rằng chúng ta có thể hoàn thành bất cứ mục tiêu nào chỉ với một tâm hồn lạc quan thì quả thực không hoàn toàn hợp lý trong thế giới cạnh tranh cao này. Điều tốt nhất vẫn là nên duy trì một thái độ, một suy nghĩ đúng đắn, cân bằng để đối mặt với thực tế đang diễn ra. Vì nhiều nghiên cứu ngày càng cho thấy những tưởng tượng tích cực có thể thực sự làm giảm cơ hội thành công của chúng ta vì chúng thường dẫn đến sự chủ quan trong quá trình thực hiện mục tiêu. 

Liệu suy nghĩ tích cực có thực sự làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn?

Suy nghĩ tích cực trở thành một trở ngại 

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Gabriele Oettinggen - giáo sư tâm lý học tại Đại học New York và Đại học Hamburg đã chỉ ra rằng, thực tế suy nghĩ tích cực thường cản trở chúng ta thực hiện mục tiêu. 

Bà đã điều tra tác động của kỳ vọng đối với việc giảm cân của 25 phụ nữ béo phì tham gia chương trình giảm cân theo hành vi. Cô trình bày cho những người phụ nữ này một số kịch bản ngắn, kết thúc mở về các sự kiện trong tương lai và yêu cầu họ tưởng tượng xem họ sẽ làm gì trong từng tình huống. Một số người phụ nữ tưởng tượng về cái kết giảm cân thành công nhưng một số người khác thì ngược lại, họ lại tưởng tượng mình bị quay về con đường ăn uống không kiểm soát. 

Nhưng thật đáng kinh ngạc, một cuộc khảo sát tiếp theo lại cho thấy rằng những người phụ nữ càng tưởng tượng tích cực về kết quả lại càng giảm ít cân hơn. Kết quả này cho thấy rằng ảo tưởng về kết quả hạnh phúc lại trở thành vật cản trở con người thực hiện mong muốn của họ. 

Lý giải cho điều này, Oettingen đã giải thích rằng khi mơ về tương lai và tưởng tượng rằng chúng ta đã đạt đến mục tiêu mong muốn sẽ làm giảm đi nguồn năng lượng thực sự để đạt được mục tiêu đó. Do vậy, chúng ta không có đủ nỗ lực để đi trên con đường khó khăn và đối phó với những trở ngại và cám dỗ và cũng không lên kế hoạch cho nó. Rồi khi sóng gió ập đến, chúng ta thường không có sự chuẩn bị tốt từ đó dễ dẫn tới thất bại. 

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những câu nói sâu sắc và thấm thía của Trấn Thành về tình yêu