Làm sao để tâm bất biến giữa tâm dịch biến động không ngừng?
Tin liên quan
Người ta lo nhiều hơn khi nước dâng đến chân mình
Khi thành phố mình đang sống bỗng trở thành tâm dịch, nhiều người không tránh khỏi tâm lý bất an, lo lắng. Chỉ cách đây vài tuần lễ, tôi còn gửi đến Sài Gòn và những tỉnh phía Nam lời động viên, nhưng rất nhanh sau đó, Hà Nội bắt đầu bước vào đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt chưa từng thấy.
Gần hai năm mệt mỏi với nhiều đợt bùng dịch, tôi đã rèn luyện được tâm lý vững vàng đối phó với dịch bệnh, chuẩn bị cho những tình huống giãn cách kéo dài. Cũng phải nói thêm là tôi may mắn khi làm việc trong lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thu nhập không giảm nhiều, và tôi cũng quản lý tài chính cá nhân tốt nên chưa từng rơi vào cảnh khó khăn, khánh kiệt về tiền bạc như nhiều người.
Tôi đã cho rằng mình ổn vì dịch bệnh đâu đó ngoài kia, chưa chạm đến cuộc sống của tôi. Nhưng những ngày này, sáng mở mắt ra đọc báo, hàng nghìn ca nhiễm mới đập vào mắt. Hà Nội, thành phố tôi đang sống, có ngày cũng ngót nghét trăm ca. Những nơi như chợ dân sinh, siêu thị, hệ thống bán lẻ dần bị phát hiện ra những ca nhiễm mới phải phong tỏa. Những dịch vụ thiết yếu, huyết mạch của đời sống đã bắt đầu bị ảnh hưởng, tôi thấy cuộc sống của mình bắt đầu bị đe dọa rồi. Tôi không hề bình ổn tâm lý như tôi tưởng.
Lần đầu tiên tôi đi chợ theo thời gian quy định trên phiếu, tâm trạng hân hoan vì có lý do hợp lý để đi ra khỏi nhà một chút. Tôi không ngờ rằng đó là trải nghiệm khiến tôi trở nên hoang mang, lo lắng, tâm trạng đi xuống suốt cả ngày. Chốt chặn ở ngay đầu chợ, đầu những con ngõ buôn bán tấp nập. Lực lượng công an, dân phòng đứng đầy đường, kiểm soát gắt gao. Người dân khẩn trương mua sắm trong sự căng thẳng, ai cũng trĩu nặng túi lớn, túi bé hai tay.
Tôi đã bị sốc giá vì thực phẩm mỗi ngày một giá, đắt gấp đôi, gấp rưỡi. Mặc dù tôi đã lên danh sách những thứ cần mua, cuối cùng tôi vẫn mua nhiều hơn dự định. Có lẽ do hoàn cảnh và tâm lý đám đông tác động. Tôi về nhà, nhắn tin với đồng nghiệp. Ở chỗ họ không có chợ dân sinh, chỉ có siêu thị nhưng đã đóng cửa vì có liên quan đến công ty cung cấp thực phẩm có chùm ca nhiễm. Có nơi thực phẩm đắt đỏ cũng không có để mua, ngoảnh đi ngoảnh lại người ta đã mua hết, không nhanh tay thì chỉ có đi về tay trắng.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bất an đến thế, hơn cả nỗi sợ bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, là nỗi lo đến một lúc nào đó, cái ăn hàng ngày cũng trở nên xa xỉ.
Khi bình tâm suy nghĩ
Chờ cơn khủng hoảng qua đi, tôi bắt đầu bình tĩnh suy nghĩ. Về việc công an thường xuyên kiểm soát, nhắc nhở, khiến mọi người phải mua sắm với tâm lý căng thẳng, thực ra họ chỉ đang làm nhiệm vụ của họ thôi. Ở những quận khác đã có những ca F0 khiến cả chợ bị phong tỏa, cả con ngõ bị chăng dây. Tôi may mắn đang cư trú ở một khu vực tạm an toàn. Đó chẳng phải một phần nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương hay sao?
Giá thực phẩm đắt đỏ dạy cho tôi bài học về sự tiết kiệm, không bỏ thừa mứa thức ăn như trước. Những ngày ở nhà, tôi nhận ra chúng ta không cần phải nạp vào quá nhiều thực phẩm. Nhất là khi bạn thuộc kiểu người ít vận động, nếu không muốn bị tăng cân sau giãn cách thì thật sự phải ăn ít đi. Thực phẩm đắt đỏ cũng giúp tôi có sự tính toán cẩn thận hơn khi mua sắm, dừng ăn những thứ mình thích, cố gắng mua những thứ ít bị đội giá hơn. Chúng ta đã quá quen với một xã hội tiêu dùng, cuộc sống tiện nghi nên mới thấy khó khăn. Khi giãn cách tôi nhận ra mình không cần phải sở hữu nhiều đến thế.
Cuối cùng thì, đã đến lúc tôi nhận ra mình cần phải hạn chế nạp tin tức vào đầu. Từ ngày giãn cách xã hội, việc đầu tiên tôi làm sau khi mở mắt thức dậy là vơ lấy cái điện thoại xem có tin tức gì mới. Tôi lướt mạng xã hội, đọc tất cả những gì trôi trên news feed. Điều đó chẳng giúp ích gì cho tôi ngoài sự lo lắng, bất an suốt cả ngày. Cập nhật tin tức là điều cần thiết, nhưng tôi không nhất thiết phải nạp vào đầu nhiều tin tức đến thế. Mỗi ngày 1 – 2 lần là đủ, và nên đọc ở những trang báo chính thống, uy tín, ở đó tin tức đã được kiểm soát kỹ càng, văn phong trung lập đúng tiêu chuẩn báo chí.
Tất cả những khó khăn, bó buộc này cũng chỉ diễn ra trong thời gian giãn cách, tối thiểu là 14 ngày, còn thực tế chưa biết đến bao giờ, tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh. Bao giờ thì hết dịch? Cuộc sống của chúng ta bao giờ mới trở về trạng thái bình thường mới? Đây là câu hỏi mang tính vĩ mô, phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền, lực lượng y tế, an ninh. Bản thân chúng ta chỉ nên tập trung vào những gì mình kiểm soát được và học cách chấp nhận những biến động của cuộc đời. Những lúc này, ngồi yên trong nhà cũng là góp phần giúp đất nước.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất