Kaizen - công thức để đạt được thành công và hạnh phúc từ những điều nhỏ 'xíu xiu'
Tin liên quan
Bạn có từng đặt ra loạt mục tiêu vào mỗi dịp năm mới nhưng đều thất bại? Bạn có từng muốn đọc sách nhiều hơn, học thêm cái gì đó mới nhưng lại không thoát khỏi sự cám dỗ của những trò tiêu khiển? Đừng ngại ngần khi phải thừa nhận những điều này, bởi vì bạn không phải người duy nhất rơi vào tình trạng đó. Vậy phải làm sao để trở nên tốt hơn, thành công hơn và hạnh phúc hơn?
Con người sợ sự thay đổi
Tất cả những thay đổi, dù tích cực đều làm người ta sợ. Bất cứ thứ gì khác so với thói quen hàng ngày đều dễ kích thích phản ứng chống trả hoặc bỏ chạy của não. Phương pháp Kaizen ra đời như một giải pháp hiệu quả cho vấn đề này. Bằng những bước đi nhỏ, Kaizen gỡ bỏ phản ứng sợ hãi, kích thích tư duy và sự sáng tạo.
Kaizen trong tiếng Nhật có ý nghĩa là “thay đổi để tốt hơn”, chỉ sự cải tiến liên tục trong công việc, kinh doanh. Triết lý Kaizen được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực ngành nghề và mang lại hiệu quả to lớn, tiêu biểu phải kể đến là thành công của hãng Toyota.
Với vai trò là mỗi cá nhân, chúng ta có thể ứng dụng Kaizen trong công việc, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, triết lý này cũng có thể áp dụng trong cuộc sống để trở nên tốt hơn, đạt được sự thành công và hạnh phúc.
“Khi mỗi ngày bạn tự cải thiện một chút, cuối cùng những điều vĩ đại sẽ đến. Đừng tìm sự hoàn thiện to lớn, mà hãy từ từ tìm sự hoàn thiện nhỏ. Đó là cách duy nhất có thể đạt được và thành quả cũng bền lâu hơn.” - John Wooden.
Bắt đầu với những câu hỏi nhỏ và tích cực
Tôi có thói quen ghi lại những vấn đề mà bản thân đang gặp phải và những lời nhắc nhở cho chính mình. Bằng cách đó, mỗi khi rảnh rỗi tôi có thể suy nghĩ về vấn đề của mình và bất chợt giải pháp lóe lên trong đầu. Tôi có một ghi chú với hàng dài những lời dặn dò bản thân như: “Không lãng phí thời gian cho mạng xã hội và tin tức vô bổ”, “Không ăn cay và uống cà phê”, “Đi làm sớm để tránh tắc đường”,… Vấn đề là dù bản thân biết và tự nhắc nhở mình bao nhiêu lần, tôi vẫn phạm phải những điều trên. Sau khi đọc cuốn Bước đi nhỏ thay đổi cuộc đời – Triết lý Kaizen của Robert Maurer, tôi đã thử thay đổi cách tiếp cận.
Hóa ra, não chúng ta thích những câu hỏi hơn những câu mệnh lệnh. Những câu hỏi khơi gợi sự tư duy, tương tác, buộc mình phải động não. Chẳng ai muốn phải răm rắp tuân theo mệnh lệnh cả. Thay vào đó, khi có quyền lựa chọn và tự quyết thì những lời khuyên trở nên thuyết phục hơn nhiều.
Tôi bắt đầu với những câu hỏi tại sao. Tại sao tôi biết ăn những món đồ cay nóng không tốt cho hệ tiêu hóa của mình mà tôi vẫn cứ ăn? Tại sao biết việc đọc tin tức, lướt video là lãng phí thời gian mà tôi vẫn cứ làm? Có phải do bản thân đang bị căng thẳng không? Khi biết được lý do tại sao, chúng ta mới có thể tìm giải pháp hiệu quả.
Tôi cũng thay đổi hàng loạt những câu mệnh lệnh bằng những câu hỏi như: Bạn có thể làm gì để tránh tắc đường và đến công ty sớm hơn? Liệu cà phê và thức ăn cay có phù hợp với bạn? Tại sao bạn lại so sánh bản thân với người khác?... Bằng cách này, những lời nhắc nhở trở nên dễ chịu hơn nhiều.
Não chúng ta yêu thích các câu hỏi và sẽ tiếp nhận chúng, trừ khi câu hỏi quá lớn tạo ra sự sợ hãi như: Bao giờ tôi mới có thể kết hôn? Tôi phải làm gì với sự nghiệp của mình? Thay vào đó, hãy bắt đầu với những câu hỏi nhỏ, điều này sẽ giúp não tập trung giải quyết vấn đề thay vì bị “khóa cứng” trong nỗi sợ. Thường xuyên đặt ra những câu hỏi sẽ giúp não ghi nhớ, lật đi lật lại vấn đề và cuối cùng tạo ra những câu trả lời hữu ích.
Câu hỏi phải đủ nhỏ để không gây sợ hãi và phải là câu hỏi tích cực. Những câu hỏi bi quan như: “Sao tôi lại vô dụng như thế? Sao cuộc đời người khác lại suôn sẻ hơn tôi?” khiến não bạn xoáy sâu vào những khiếm khuyết và sai lầm. Những câu hỏi này có một phần là sự thật nhưng cũng có một phần là tưởng tượng, phóng đại từ những niềm tin lệch lạc.
Thực hiện những hành động nhỏ
Tôi đã bắt đầu xây dựng thói quen đọc sách bằng việc biến nó trở nên dễ dàng đến mức mình khó có thể từ chối. Ban đầu tôi tiếp cận với sách nói và tranh thủ nghe trong lúc làm việc nhà. Khi đã quen với việc nghe sách nói mỗi ngày, tôi bắt đầu đọc bằng mắt với mục tiêu đọc vài ba trang mỗi ngày. Tôi thường đọc ebook trên ứng dụng điện thoại hoặc Kindle, nhờ thế tôi có thể mang cả thư viện sách đi muôn nơi và đọc bất cứ lúc nào.
Để bắt đầu thói quen học ngoại ngữ mỗi ngày, tôi đã đặt ra mục tiêu học 5 phút mỗi ngày trên app. Các app được thiết kế sao cho những bài học trở nên sinh động, dễ tiếp cận hơn so với học qua sách vở. Mỗi ngày chỉ học 5 phút, không đủ lâu để khiến tôi nản lòng.
Để quen với việc đi làm bằng tàu điện, tôi bắt đầu bằng việc mua một đôi dép không gây đau chân khi đi bộ và đi tàu điện 2 ngày mỗi tuần. Một số người thắc mắc sao không đi tàu điện cả tuần luôn, nhưng với người đã quen đi xe máy cả chục năm thì việc đột ngột chuyển sang một loại phương tiện khác là một mục tiêu không khả thi. Tôi sẽ sớm bỏ cuộc chỉ sau 3 ngày liên tục đi tàu điện bởi phần dễ gây nản nhất là quãng đường đi bộ di chuyển ra ga.
Kết quả, sau một thời gian việc đọc sách mỗi ngày đã trở thành thói quen với tôi mà không cần phải bỏ ra nhiều nỗ lực. Nhờ thay đổi cách tiếp cận với sách, tôi đã đọc được nhiều cuốn sách hơn trước và vận dụng hiệu quả.
Trong việc học ngoại ngữ, nhiều lúc tôi có cảm giác mình chẳng đi đến đâu vì mỗi ngày chỉ bỏ ra vài phút học sẽ khó dẫn đến sự thay đổi lớn lao. Thế nhưng một ngày tôi chợt nhận ra kỹ năng phát âm mình được cải thiện hơn rất nhiều, khả năng nghe cũng tiến bộ hơn khi nghe podcast hay tóm tắt sách vẫn hiểu hầu hết nội dung dù không có phụ đề.
Sau một tháng kiên trì đi tàu điện 2 ngày mỗi tuần, đến tháng thứ hai tôi đã mạnh dạn mua vé tháng và tăng số buổi đi tàu lên tối thiểu 3 buổi mỗi tuần.
Những hành động nhỏ có thể tạo nên kết quả lớn mà bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra.
Tận hưởng những khoảnh khắc nhỏ
Tôi đã duy trì được thói quen viết journaling đều đặn hàng ngày được một thời gian. Mỗi ngày tôi kể ra 3 điều khiến mình vui vẻ, dù đó chỉ là những điều nhỏ bé. Tôi cũng có thể ghi lại những chuyện không như ý muốn trong ngày, nhờ thế tôi được xả cảm xúc tiêu cực ra và không để nó lởn vởn trong đầu nữa. Kiên trì với phương pháp này, tôi dần nhận ra mình sống tích cực, vui vẻ hơn, những vấn đề phải giải quyết ít lại và cũng không buồn chuyện gì quá lâu.
Bạn đâu cần phải làm những việc lớn lao như vá trời lấp biển, chỉ cần bản thân mình tốt hơn 1% mỗi ngày, thậm chí mỗi tuần, mỗi tháng cũng rất tốt rồi. Bạn cũng chẳng cần phải có những hành trình vạn dặm, mỗi ngày khi bước ra đường đi làm cũng là một hành trình nhỏ bé thú vị rồi.
Sống trong hiện tại và trân trọng từng khoảnh khắc bình thường nhỏ bé, chúng ta sẽ cảm thấy bình yên và hạnh phúc hơn rất nhiều.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất