Hành vi bướng bỉnh là tốt hay xấu?

Thiên Khuê 2023-10-30 10:31
- Hành vi bướng bỉnh dễ khiến người khác phản cảm, nhưng nó có thật sự chỉ là trạng thái tiêu cực? Cùng Emdep xem thử lúc nào thì nên hay không nên bướng bỉnh nhé.

Người bướng bỉnh có phải xấu tính?

Khi bạn luôn chọn làm theo suy nghĩ và cách thức riêng của mình, hoặc bạn từ chối sự hỗ trợ hay góp ý của người khác… rất có thể mọi người sẽ nhận xét rằng bạn là một người bướng bỉnh. Vậy đây có phải là tính cách xấu?

Hành vi bướng bỉnh thực ra là một trạng thái tinh thần mà hầu như ai cũng từng trải qua, và không phải lúc nào sự ngang bướng, cố chấp cũng là tiêu cực. Khi tiếp nhận và vận dụng một cách hợp lý, đôi khi “cứng đầu” lại tạo ra lợi thế cho bạn.

Hành vi bướng bỉnh là tốt hay xấu?

Những yếu tố tâm lý đằng sau hành vi bướng bỉnh 

Tính bướng bỉnh chủ yếu thường mang tính chủ quan, bởi nó còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận và sự đánh giá của người khác chứ không phải lúc nào cũng do chính bản thân bạn thật sự ương bướng. 

Lý do hành động bướng bỉnh có thể liên quan đến kinh nghiệm sống, quan điểm cá nhân hoặc những yếu tố từ quá khứ lẫn hiện tại. Chúng ta có thể xét một số động lực tâm lý dẫn đến hành vi cố chấp như sau.

Thời thơ ấu có những điều không thuận lợi

Một người nếu có trải nghiệm thơ ấu không suôn sẻ, thậm chí gặp nhiều trở ngại và bất lợi thường sẽ mất niềm tin với người khác và thế giới xung quanh. Vì vậy, họ thường có suy nghĩ và quyết định mang tính chủ quan rất khó thay đổi.

Tâm lý bất an

Xã hội càng hiện đại thì con người càng bị áp lực và thiếu lòng tin. Không ít người luôn sống với trạng thái bất an, sợ bị chê cười, khinh thường, lừa gạt, tổn thương… Những người như vậy cũng dễ khép kín bản thân như một cách tự vệ.

Khi ai đó đưa ra góp ý hoặc quan điểm khác với suy nghĩ thì họ sẽ tỏ thái độ khó chịu, nghi ngờ thậm chí phản kháng quá khích để tự tạo cảm giác an toàn cho mình. Cho dù nhận biết được thiện chí của đối phương thì họ vẫn khăng khăng cách nghĩ của bản thân hơn.

Hành vi bướng bỉnh là tốt hay xấu?

Mục tiêu cá nhân rất mạnh

Không phải hành vi bướng bỉnh luôn là tiêu cực, bởi vì có những người họ biết rõ bản thân muốn gì, mục tiêu cuộc đời ra sao nên họ chỉ hướng tới theo hoạch định của chính mình. Một số ý kiến hay quan điểm từ người khác có thể làm họ mất tập trung và từ chối tiếp thu.

Tính ngạo mạn cao

Thông thường, người lãnh đạo hoặc có năng lực hơn người cũng có một phần tính cách kiêu ngạo. Họ rất tự tin vào bản thân và không thích bị người khác chỉ dẫn mình. Mặc dù vậy, nếu bạn thuộc kiểu người này vẫn nên tiết chế để học hỏi điều hay.

Làm sao để biết khi nào thì nên và không nên bướng bỉnh?

Thực tế, bướng bỉnh một chút đôi khi sẽ giúp ích cho bạn nếu vận dụng nó trong tình huống hợp lý. Điển hình như đứng trước chỉ trích tiêu cực, bạn không cần quá để tâm và có thể bỏ qua chúng nếu nó sai sự thật.

Ngoài ra, khi hoàn cảnh sống đặt ra những khó khăn, thử thách cũng rất cần sự “cứng đầu” cứng cỏi. Nó giúp bạn vững vàng hơn để vượt qua trở ngại. Lúc này, sự bướng bỉnh kiên cường trở thành động lực tiến lên và giúp bạn tự phục hồi tốt hơn.

Hành vi bướng bỉnh là tốt hay xấu?

Mặc dù vậy, trong những trường hợp mà bạn cần tiếp thu, học hỏi để cải thiện bản thân thì sự cố chấp nên hạ xuống bớt. Bướng bỉnh quá mức sẽ khiến bạn bỏ lỡ cơ hội trở thành phiên bản tốt hơn, cũng làm phá vỡ nhiều mối quan hệ tốt.

Nếu bạn tự ti và nhiều sợ hãi, hãy tự mình tăng cường nội lực để mạnh dạn hơn chứ không phải tránh né sự góp ý thiện chí từ người khác. Ngoài ra, ngay cả khi bạn là lãnh đạo có tài năng, thái độ hòa nhã và lắng nghe sẽ được mọi người đánh giá cao hơn.

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về hành vi bướng bỉnh mà mình đang có, sau đó sẽ biết lúc nào thì nên phát huy, lúc nào cần khắc phục.

Thiên Khuê (Theo Works)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 phút mỗi ngày cho đôi chân dài, thon gọn