'Đối phó' thế nào với kiểu người luôn cáu kỉnh?
Cáu kỉnh là trạng thái mà một người có xu hướng phản ứng thất vọng cao hoặc tức giận thái quá trong nhiều tình huống, thậm chí với những điều nhỏ nhặt. Sự cáu kỉnh đương nhiên không phải là điều bất thường. Ai trong chúng ta cũng có lúc cáu kỉnh và tâm trạng đó kéo dài hàng giờ, thậm chí vài ngày.
Có những người rất biết cách kiểm soát và điều hòa lại tâm trạng của chính mình, họ không để người khác bị ảnh hưởng "thụ động" bởi những cảm xúc tiêu cực như sự cáu kỉnh từ họ. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng đó, trong cuộc sống, ít nhiều chúng ta đều gặp những người luôn cáu kỉnh và đôi khi "trút giận" lên đầu chúng ta. Vậy giải pháp để "đối phó" với kiểu người này như thế nào, hãy để Emdep mách bạn vài bí quyết sau đây nhé!
1. Thẳng thắn nói chuyện với họ
Hãy bắt đầu bằng việc giao tiếp với họ và thể hiện rằng bạn có thiện chí muốn lắng nghe để họ biết bạn muốn nói chuyện một cách nghiêm túc.
Hãy cho họ thấy họ đã để cảm xúc chi phối theo cách tiêu cực như thế nào và điều đó gây hậu quả ra sao. Đừng quên thể hiện rằng bạn lo lắng mỗi khi họ có tâm trạng tồi tệ và thật lòng muốn giúp họ trở nên tốt hơn.
2. Cho họ biết tâm trạng của họ đã và đang ảnh hưởng đến bạn như thế nào
Họ có thể ngạc nhiên khi nghe bạn chia sẻ vì họ không tự ý thức được hành vi của mình nhưng việc này sẽ giúp họ lưu tâm hơn trong tương lai. Nếu họ chịu tiếp thu, lần sau khi họ phản ứng bực bội, bạn chỉ cần nhắc họ rằng: “Làm ơn đừng trả lời bằng giọng điệu khó chịu như vậy, tôi chỉ muốn hỏi thăm vì tôi quan tâm đến bạn”.
Nếu họ không lắng nghe hoặc bao biện cho hành vi của mình, bạn hãy cho họ thấy bạn đồng cảm với họ nhưng cũng hãy nói rằng thái độ của họ thực sự tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến bạn. Sau đó cùng nhau bàn bạc tìm ra cách để giải quyết để tốt cho cả hai.
3. Thừa nhận rằng điều bạn yêu cầu họ thực hiện không hề dễ dàng
Sự cáu kỉnh là điều khó tránh và nếu bạn cứ đả kích họ cũng không phải giải pháp hay. Vậy nên hãy để họ hiểu rằng bạn sẽ rất cảm kích và biết ơn nếu họ bỏ công sức sẵn sàng tiết chế mức độ và tần suất cáu kỉnh của mình.
Tuy nhiên, nếu bạn đã nỗ lực giải quyết vấn đề nhưng người kia không chịu hợp tác, bạn có thể cân nhắc hạn chế tiếp xúc với họ để tránh bị ảnh hưởng. Hãy lùi một bước cho đến khi họ cảm thấy tốt hơn. Sau đó trực tiếp giải quyết vấn đề với người đó, hi vọng họ có thể hợp tác với bạn để cải thiện tâm trạng và sự cáu kỉnh của mình.
4. Đề xuất cho họ một vài bài tập giúp bình ổn tâm trạng
Có rất nhiều bài tập có thể giúp điều hòa lại tâm trạng, giảm tối đa cảm giác bực bội hay cáu kỉnh mà bạn có thể gợi ý cho họ, ví dụ như bài tập về lòng biết ơn. Hãy khuyên họ dành 10 phút mỗi sáng để viết về ba điều mà họ biết ơn và lý do tại sao, điều đó có ý nghĩa gì đối với họ và tại sao họ lại cảm thấy biết ơn. Đây là khoảng thời gian tinh thần họ bình tĩnh nhất trong ngày, và việc viết cũng có thể giữ cho tâm trạng họ ổn định suốt nhiều giờ sau đó.
Hoặc bạn cũng có thể đề xuất họ nên tập thiền. Khi tập trung vào hơi thở, cảm nhận luồng không khí ra vào phổi là khi chúng ta không có bất kỳ sự phán xét hay cảm xúc nào. Thiền đã được chứng minh giúp giảm phản ứng với những cảm xúc và suy nghĩ buồn bã, đau khổ.
Thu Trang (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất