Chuyên gia Nhật Bản: Hiểu được các cạm bẫy tài chính mình dễ mắc sẽ giúp bạn có thói quen chi tiêu lành mạnh

2021-11-18 15:20
- Chuyên gia tâm lý kiêm tác giả nổi tiếng người Nhật Bản Ken Honda cho rằng chúng ta thường chỉ nhấn mạnh về tầm quan trọng của kiến thức tài chính. Trên thực tế, ta dễ quên rằng mỗi người lại là một bản thể khác biệt, có quan điểm và suy nghĩ khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp tới tài chính của ta.

Những quan điểm về tiết kiệm, chi tiêu và đầu tư đều hình thành tư kinh nghiệm sống cá nhân, và mỗi kiểu người lại có cách tiêu tiền riêng biệt. Ken Honda đã có 10 năm nghiên cứu tâm lý về tiền bạc và hạnh phúc, ông chỉ ra 6 kiểu tính cách khác nhau về tiền bạc.

1. Quá tiết kiệm

Bạn dè sẻn tiêu tiền quá khắt khe, không có mục tiêu cụ thể trong đầu. Bạn nghĩ rằng tiết kiệm tiền là cách duy nhất để có thể làm giàu cũng như có cuộc sống ổn định.

Bạn thường mua các đồ dùng giá rẻ nhất có thể, chẳng hạn như hãng điện thoại rẻ nhất, thẻ tích điểm nào có giá trị hoặc săn vé máy bay giá rẻ.

Một số người tằn tiện quá mức, sợ mất tiền nên cả đời không chi tiêu bất cứ đồng nào trong khoản đã tiết kiệm. Họ thậm chí có thể bỏ qua những sở thích hay hoạt động mang lại hạnh phúc, thư thái cho họ.

Tiết kiệm là một đức tính tốt, nhưng ta không nên quá tằn tiện. Suy cho cùng, ta không thể đem bất cứ đồng tiền nào theo mình khi chết đi, vì vậy hãy tránh việc tiết kiệm thái quá. Học cách cân bằng giữa tiết kiệm tiền và tận hưởng cuộc sống, nghĩ về tương lai và xem nên dùng tiền tiết kiệm của mình để làm những gì.

Chuyên gia Nhật Bản: Hiểu được các cạm bẫy tài chính mình dễ mắc sẽ giúp bạn có thói quen chi tiêu lành mạnh

2. Hoang phí

Bạn thường chi tiền vào những thứ không thực sự cần thiết, tuổi thọ thấp như quần áo, mỹ phẩm hay đôi khi là đồ dùng công nghệ.

Bạn khá hướng ngoại, nghĩ rằng khi có tiền thì mình nên mời người khác như một cách để gắn bó. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, giải pháp của bạn là chi tiêu thật nhiều để cảm thấy thư thái.

Có một thực tế là, ngay cả khi bạn đang có một vài khoản nợ chưa trả, bạn vẫn sẽ tiếp tục mua sắm thả ga. Thay vì nhờ tới sự giúp đỡ của người khác, bạn lại cố gắng che giấu điều này với gia đình, bạn bè bằng cách tiếp tục chi tiêu nhiều hơn. Trong một số trường hợp, bạn có thể lâm vào cảnh vỡ nợ, phá sản nếu tiếp tục duy trì thói quen này.

Hãy lập một kế hoạch tài chính rõ ràng, nhắc nhở bản thân về tình hình thực tế của bạn. Hãy cắt giảm những khoảng chi tiêu không cần thiết, bắt đầu tiết kiệm và đầu tư để có tiền trả nợ hay nghỉ hưu.

3. Cật lực kiếm tiền

Bạn là người đam mê công việc, tin rằng kiếm nhiều tiên là bí quyết hạnh phúc. Bạn dành phần lới thời gian và công sức để kiếm nhiều tiền nhất có thể. Bạn còn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi được người khác công nhận và nể phục.

Những người là “workaholic” tất nhiên sẽ có nhiều cơ hội để trở nên giàu có hơn, nhưng họ dễ bỏ bê các mối quan hệ để ưu tiên kiếm tiền. Chẳng hạn, họ sẵn sàng làm việc thêm giờ, ngồi lì ở công ty vào cuối tuần thay vì dành thời gian cho người thân, bạn bè hay nghỉ ngơi.

Hãy nhớ rằng cuộc sống còn có nhiều thứ quan trọng hơn tiền bạc, tiền bạc chỉ là công cụ giúp ta có được hạnh phúc mà thôi. Bên cạnh đó, nếu ta có tài sản lớn, thử tìm cách giúp đỡ người khác để khiến xã hội tốt đẹp hơn hoặc bản thân thoải mái hơn. Đừng quên tự thưởng cho mình một thứ gì đó sau những ngày làm việc căng thẳng.

Chuyên gia Nhật Bản: Hiểu được các cạm bẫy tài chính mình dễ mắc sẽ giúp bạn có thói quen chi tiêu lành mạnh

4. Không màng đến tiền

Bạn hiếm khi nghĩ đến tiền, không quan tâm đến việc tiết kiệm hay kiếm thêm tiền. Đôi khi, bạn nghĩ rằng tiền bạc là thứ gì đó xấu xa, bạn cho rằng  tiền không nên ảnh hưởng đến bất kỳ quyết định quan trọng nào trong cuộc sống.

Những người thờ ơ với tiền bạc nghĩ rằng họ chỉ cần một số tiền nhỏ cũng có thể hạnh phúc. Điều này không xấu, nhưng hãy nhớ rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng ổn định. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ trong chốc lát nếu biến cố xảy ra và ta không có một xu dính túi.

Ngay cả khi bạn cảm thấy thoải mái về tài chính, hãy chú ý xem tiền của bạn đang được dùng để làm gì. Kiểm tra xem mình chi tiêu những gì, có đang nợ khoản nào không và đã có kế hoạch dự phòng cho tương lai chưa. Việc chuẩn bị sẵn quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn tránh khỏi những rắc rối khi đứng trước sự cố bất ngờ.

5. Đầu tư mạo hiểm

Bạn là người đặc biệt thích mạo hiểm, rủi ro, cho rằng đó là một niềm vui lớn.  Bạn thích đầu tư, sẵn sàng cược tiền vào một lĩnh vực không am hiểu hoặc muốn kiếm tiền nhanh chóng mà không tốn nhiều sức lực. Thậm chí, đôi khi bạn coi tiền bạc như một trò chơi, với mục đích là để cuộc đời không buồn chán.

Những “con bạc” thường bị cuốn vào những trò đỏ đen, rất dễ rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Hãy nhớ rằng, trong các trò cờ bạc, nhà cái luôn thắng, còn bạn sẽ luôn thua. Mọi chuyện sẽ ngày càng tệ hơn nếu “cơn nghiện cờ bạc” ngày càng quá tầm kiểm soát, và bạn bắt đầu dùng tiền ở các khoản hưu trí, quỹ đại học,… để bù đắp lỗ.

Không bao giờ được đụng tới khoản dự phòng đảm bảo an toàn cho cuộc sống. Đừng đưa ra quyết định tài chính có yếu tố may rủi, hãy suy nghĩ kĩ trước khi xuống tiền.

6. Luôn lo lắng về tiền bạc

Bạn luôn lo lắng rằng mình sẽ mất hết sạch tiền, lúc nào cũng ám ảnh về trường hợp xấu nhất. Bạn thiếu tự tin vào bản thân, không nghĩ rằng mình có cơ hội đạt được tự do tài chính.

Những lo lắng quá mức sẽ dẫn tới phiền muộn, ăn mòn hạnh phúc của bạn khiến bạn không thể tận hưởng cuộc sống.

Hãy nhớ rằng cuộc sống luôn có thăng trầm, và không phải lúc nào nó cũng đen tối. Nếu cảm thấy quá lo lắng về tài chính, hãy tìm tới một người bạn tin tưởng và trò chuyện, hoặc tới gặp cố vấn tài chính hoặc một nhà trị liệu.

Theo Songdep

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 kiểu tóc giúp chị em ăn gian chiều cao hiệu quả