Càng kìm nén càng đau khổ, cứ để bản thân tự do bộc lộ cảm xúc của mình

I Am NGA 2023-06-07 20:00
- Bạn không cần phải lúc nào cũng ổn, vui vẻ, tích cực đâu vì càng kìm nén cảm xúc chỉ càng khiến bạn đau khổ hơn mà thôi.

Đối diện với buồn đau

Sẽ có những thời điểm bạn buồn bã, thất vọng, tâm trạng đi xuống và sẽ nhận được lời khuyên của những người xung quanh kiểu như: “Đừng buồn nữa”, “Hãy vui lên”, bởi vì họ cho rằng nhiều người còn đang khó khăn, buồn khổ hơn bạn.

Sự thật là, người khác khó khăn hay đau khổ hơn cũng đâu có giúp bạn bớt buồn hơn được. Một lời khuyên sáo rỗng chẳng những không giúp tâm trạng bạn tốt lên mà còn khiến bạn ngày càng khép chặt lòng mình lại, không muốn mở lòng chia sẻ với ai nữa.

Vậy phải đối mặt thế nào với những nỗi buồn của bản thân?

Càng cố nén càng đau khổ, hãy để bản thân được tự do với cảm xúc của chính mình

Thực ra, buồn đau là một mảnh ghép không thể thiếu trong những mảnh ghép cảm xúc của con người. Cuộc sống có lúc vẻ, hạnh phúc, cũng có lúc buồn bã, khổ đau, đó là điều hết sức bình thường. Người khác có thể xem nhẹ nỗi buồn của bạn, cho rằng vấn đề của bạn chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng tự bản thân bạn biết rằng mình đang đau khổ thế nào, bạn chấp nhận điều đó, bạn biết rằng mình đang không ổn và lúc này bạn không cần phải ổn.

Càng cố kìm nén cảm xúc thì nội tâm bạn càng trở nên lộn xộn, hãy để bản thân được tự do với cảm xúc của mình. Bạn hoàn toàn có quyền được buồn, không ai có thể cản được điều đó, kể cả bản thân bạn. Bạn càng cố chịu đựng hay càng cố xua đuổi những cảm giác tiêu cực thì càng khó để trở về trạng thái bình thường mới.

Những cơn giận phải cần được giải quyết

Một sai lầm mà nhiều người thường mắc phải, đó là đồng nhất sự tức giận với sự phá hủy, họ sợ những cơn giận của mình sẽ làm hỏng mối quan hệ, vì thế mỗi lần nổi giận, họ thường kiềm chế, nhẫn nhịn. Trên thực tế, một trận cãi vã long trời lở đất có khi còn dễ giải quyết vấn đề hơn là cứ âm thầm chịu đựng và chiến tranh lạnh với nhau. Cơn giận của bạn phải cần được giải quyết thay vì nén lòng chịu đựng.

Càng cố nén càng đau khổ, hãy để bản thân được tự do với cảm xúc của chính mình

Giải quyết thế nào cho bản thân ổn thỏa mà không ảnh hưởng tiêu cực đến người khác? Trong các bộ phim, các nhân vật thường tìm đến một nơi yên tĩnh, vắng vẻ để mặc sức la hét xả giận, sau đó họ trở về với một nội tâm nhẹ nhõm. Nếu bạn là người hướng nội, không thích ồn ào hay chẳng kiếm được nơi nào để xả giận, viết ra cũng là một cách. Hãy viết ra chính xác những gì bạn đang nghĩ, đang cảm thấy, lủng củng cũng được, lộn xộn cũng được, sai chính tả cũng chẳng sao hết, bạn có viết cho người khác đọc đâu.

Hãy thật sự nhẫn nại với bản thân

Bạn cần phải nhẫn nại với những nỗi buồn của mình, không thể nóng lòng bắt bản thân phải ổn ngay được. Nhưng chúng ta cũng không thể ngồi yên một chỗ, chờ nỗi buồn từ từ qua đi mà hãy bắt đầu làm điều gì đó cho bản thân mình, bất cứ điều gì giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.

Càng cố nén càng đau khổ, hãy để bản thân được tự do với cảm xúc của chính mình

Hãy dành thời gian ở bên cạnh bản thân mình đủ lâu để cảm nhận rõ ràng cảm xúc của bạn lúc này. Tự hỏi bản thân xem bạn muốn làm gì lúc này? Có phải pháp nào cho vấn đề bạn đang gặp phải không? Đặc biệt trong khoảng thời gian tâm trạng không ổn định, bạn hãy tránh những tác nhân gây căng thẳng thêm. Thử nghĩ lại xem việc gì hay những ai dễ khiến bạn mất bình tĩnh nhất? Hãy tránh xa họ một thời gian cho đến khi bạn sẵn sàng mở cửa trở lại.

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài

Sẽ có lúc bạn cảm thấy những ngổn ngang trong lòng chẳng biết chia sẻ cùng ai, những người xung quanh hoặc quá bận rộn để dành thời gian cho bạn, hoặc họ chẳng hiểu gì về cảm giác mà bạn đang trải qua. Bạn phải chấp nhận một điều rằng, không phải lúc nào mình cũng nhận được sự quan tâm đủ từ người khác. Những người xung quanh, ngay cả người thân hay bạn bè thân thiết, họ không có kỹ năng lắng nghe người khác, họ không được đào tạo về tâm lý nên có thể họ chưa giúp bạn đúng cách dù rất muốn. Thế nên, nếu có một người thấu hiểu mình, lắng nghe mình là điều rất đáng quý. Nhưng đồng thời bạn cũng không nên quá kỳ vọng vào những người quen của mình.

Càng cố nén càng đau khổ, hãy để bản thân được tự do với cảm xúc của chính mình

Bạn hãy tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài nếu như bản thân không còn kiểm soát được cảm xúc của mình nữa. Đó là khi mối quan hệ của bạn với những người xung quanh bắt đầu xảy ra vấn đề, bạn tự cô lập mình, không còn muốn kết nối với người khác. Điều này khiến bạn gặp rắc rối với công việc, học hành hoặc bạn có xu hướng sử dụng các chất như bia rượu, thuốc lá để xoa dịu bản thân.

Người giúp được bạn không nhất thiết phải là người thân, bạn bè mà tốt hơn hết là những người có chuyên môn về tâm lý và sức khỏe tinh thần. Hãy tìm đến một nhà tham vấn hoặc một bác sĩ tâm lý. Họ có kiến thức chuyên môn, có thể giúp bạn bóc tách những vấn đề dưới góc nhìn khoa học mà bản thân bạn không tự nhận thức được. Họ sẽ hỗ trợ bạn trong hành trình chữa lành bản thân, bình ổn tâm trạng. Hiện tại, các dịch vụ tham vấn tâm lý đang dần trở nên phổ biến hơn, thậm chí có những đường dây nóng hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp. Đừng ngại tìm đến sự trợ giúp của người khác khi bạn thật sự cần.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Ninh Dương Lan Ngọc chỉ cách để sở hữu thân hình chuẩn đẹp như idol BLACKPINK