Bốn thỏa ước đơn giản giúp bạn thoát khỏi chứng overthinking

2023-12-23 10:00
- Overthinking là gì lọt top những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2023 tại Việt Nam, hẳn đây là vấn đề không của riêng ai.

Liệu bạn có đang suy nghĩ quá mức?

Overthinking, hay còn được gọi là "suy nghĩ quá mức", là tình trạng suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề, một sự việc, một câu hỏi, hoặc một tình huống nào đó. Những suy nghĩ này thường là tiêu cực, và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người mắc phải.

Những người mắc chứng overthinking thường suy nghĩ một cách liên tục, không ngừng nghỉ về một vấn đề, một sự việc, một câu hỏi hoặc một tình huống nào đó. Họ thường cảm thấy bồn chồn, lo lắng, căng thẳng và thậm chí là sợ hãi. Người overthinking thường thay đổi tâm trạng thất thường, khó tập trung vào công việc, học tập hoặc các hoạt động khác. Overthinking gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên thể chất như khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, đau đầu, đau bụng, mệt mỏi.

Overthinking có thể do nhiều yếu tố như tính cách, sang chấn tâm lý trong quá khứ, áp lực bên ngoài hoặc do các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). 

Bốn thỏa ước đơn giản giúp bạn thoát khỏi chứng overthinking

Bốn thỏa ước đơn giản giúp bạn thoát khỏi chứng overthinking

Trong cuốn sách Bốn thỏa ước, tác giả Don Miguel Ruiz đã chỉ ra bốn thỏa ước đơn giản để giúp thoát khỏi chứng overthinking.

Thỏa ước thứ nhất: Không phạm tội với lời nói

“Lời mạnh mẽ đến độ một lời có thể thay đổi cả một cuộc đời hoặc phá hủy cuộc đời của hàng triệu người.”

Tác giả lấy ra ví dụ về trùm phát xít Adolf Hitler, với tài hùng biện của mình, ông ta đã thao túng cả một quốc gia với những bộ óc thông minh. Hitler dùng lời nói để kích động nỗi sợ hãi của con người, châm ngòi cho cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2.

Lời nói cũng như hạt giống gieo vào tâm trí. Không phạm tội với lời tức là không sử dụng lời nói để chống lại chính mình. Khi bạn chê bai, phê phán, chỉ trích người khác, bạn cũng đang tự bắn viên đạn vào chân mình. Bởi người bị chỉ trích sẽ thù ghét bạn, mà điều đó thì không có lợi gì cho bạn cả. Nếu họ nổi giận với bạn, họ sẽ trút những cảm xúc độc hại thông qua lời nói lên bạn.

Bốn thỏa ước đơn giản giúp bạn thoát khỏi chứng overthinking

Những lời nói mà chúng ta nghe được khi còn nhỏ, tưởng chừng vô hại nhưng sức sát thương của nó có thể kéo dài suốt đời. Trong cuốn Bốn thỏa ước, tác giả lấy ví dụ về một cô bé thích ca hát, nhưng trong một lần mệt mỏi, người mẹ đã quát cô im miệng và chê cô bé hát dở. Sau này lớn lên, dù sở hữu một giọng hát hay, cô bé cũng không bao giờ hát nữa vì cô tin vào lời của người mẹ. Những người thân trong gia đình, đôi khi lại vô ý “buông lời nguyền” lên con cái họ trong lúc nóng giận, nhưng họ không biết việc họ làm.

Trong thỏa ước thứ nhất, đưa chuyện được ví như thuốc độc, nếu coi tâm trí con người như chiếc máy tính thì việc đưa chuyện có thể so sánh với virus. Những người trong trạng thái tồi tệ thường muốn xích lại gần nhau cho bớt lẻ loi, và vì thế họ kiếm chuyện làm quà.

Việc bạn tự nói với bản thân bằng những ngôn từ tiêu cực, chẳng hạn như “mình xấu quá”, “mình khờ quá” cũng là hành động chống lại chính mình. Khi không phạm tội với lời, bạn cảm thấy tốt đẹp, hạnh phúc và bình an.

Để thực hành thỏa ước đầu tiên, hãy sử dụng ngôn từ một cách tích cực, ngừng chỉ trích bản thân và không nói những lời tiêu cực về người khác.

Thỏa ước thứ hai: không vơ mọi chuyện vào mình

Khi một ai đó chỉ trích bạn, đổ lỗi cho bạn và bạn vơ nó về phía mình, coi chừng bạn đang nuốt phải nọc độc. Những điều họ nói, những gì họ làm đều tương ứng với niềm tin mà họ có trong đầu. Có khi những lời người khác nói ra trong lúc bực bội, bạn xơi tất cả cảm xúc rác rưởi của họ và nó trở thành rác rưởi của bạn. Nhưng nếu không vơ mọi chuyện vào mình, bạn miễn nhiễm với những lời độc địa, ác ý.

Bốn thỏa ước đơn giản giúp bạn thoát khỏi chứng overthinking

Người khác nghĩ gì về mình, điều đó không quan trọng. Khi vui vẻ, người ta thường nói những lời dễ nghe, còn khi tức giận thì họ dễ phun ra nọc độc. Vậy nên, bất kể người khác nói gì, làm gì, nghĩ gì, đừng vơ nó vào mình. Ta biết bản thân mình là người thế nào, ta vẫn là chính mình dù người khác khen hay chê. Thậm chí ngay cả những ý kiến của bạn về chính bạn cũng chưa chắc đã đúng. Tâm trí của chúng ta như một cái chợ hỗn độn với những suy nghĩ mâi thuẫn.

Khi ta vơ mọi chuyện vào mình, ta đang tự làm mình đau khổ. Ta phải tin tưởng chính mình và chọn tin hay không vào điều người khác nói với mình. Khi ý thức được điều này, ta không dễ bị tổn thương bởi điều người ta nói hoặc làm nữa.

Thỏa ước ba: Không giả định

Những người overthinking là những bà chúa, ông hoàng suy diễn, trong đầu họ lúc nào cũng dựng lên một vở drama. Tất cả những buồn rầu, bi kịch mà họ trải qua trong đời đều xuất phát từ thói giả định và vơ mọi thứ vào mình. Mớ hỗn độn trong tâm trí khiến người ta hiểu sai về mọi thứ, bởi họ chỉ thấy điều họ muốn thấy, nghe điều họ muốn nghe mà không nhận thức sự việc như chúng vốn thế.

Bốn thỏa ước đơn giản giúp bạn thoát khỏi chứng overthinking

Chẳng hạn crush bỗng dưng thả tim story của bạn. Bạn thấy bấn loạn và bắt đầu tưởng tượng ra đủ thứ chỉ với một hành động nhỏ nhoi của người ấy. Bạn có thể cho rằng họ cũng có ý với mình, và để trí tưởng tượng bay xa hơn, cả một mối quan hệ bắt đầu từ đó. Bạn thậm chí nghĩ đến chọn mẫu váy cưới nào và đặt tên con là gì. Nhưng tất cả chỉ nằm trong giấc mơ của riêng bạn mà thôi.

Trong những mối quan hệ xung quanh, chúng ta thường cho rằng người khác biết mình nghĩ gì mà không cần phải nói ra điều mình muốn. Chúng ta giả định rằng người khác cũng có cùng suy nghĩ, cảm nhận như mình. Cách để tránh giả định là đặt câu hỏi rõ ràng, khi bạn nghe được câu trả lời, bạn không phải suy diễn lan man trong đầu nữa. Ngoài ra, hãy bày tỏ mong muốn của bạn thật rõ ràng, cụ thể. Người khác có quyền trả lời có hoặc không nhưng bạn luôn có quyền hỏi.

Thỏa ước thứ tư: luôn làm hết khả năng của mình

Làm hết khả năng của mình tức là không hơn cũng không kém. Nhiều người thường lầm tưởng làm hết khả năng là phải dốc sức làm một việc gì đó cho đến khi hoàn thành mới thôi và vì thế họ thường cố gắng quá sức. Nếu làm quá khả năng, bạn sẽ mất công sức hơn cần thiết và khả năng tối đa của bạn cũng không đủ. Nhưng nếu không cố gắng hết sức mình, bạn có thể sẽ hối tiếc, thất vọng và tự phán xét chính mình.

Trong tâm lý học, có một hiệu ứng gọi là Zeigarnik, nỗi ám ảnh về những việc chưa hoàn thành. Bạn sẽ không thể ăn ngon, ngủ yên chừng nào chưa hoàn thành xong một công việc còn dang dở. Nhưng dù bạn đã hoàn thành công việc hay chưa thì ngày cũng đã qua rồi và bạn không thể làm gì khác hơn là chìm vào giấc ngủ để hôm sau lại có sức tiếp tục những công việc dở dang hôm trước. Khi bạn làm hết sức mình, dù bạn đau ốm hay mệt mỏi cũng không sao, miễn là bạn đã cố gắng trong khả năng có thể, bạn không việc gì phải phán xét mình.

Bốn thỏa ước đơn giản giúp bạn thoát khỏi chứng overthinking

Trong cuốn sách Bốn thỏa ước, tác giả đã kể câu chuyện như sau. Có một người muốn thoát khỏi đau khổ nên tìm đến một ngôi chùa gặp đại sư nhờ chỉ giáo. Ông hỏi: “Bạch thầy, nếu con suy niệm mỗi ngày bốn tiếng đồng hồ thì con cần bao lâu để vượt qua được?” Nhà sư nhìn ông ta và nói: “Nếu con suy niệm mỗi ngày bốn giờ, có lẽ con sẽ vượt qua được trong mười năm.” Nghĩ mình có thể cố gắng hơn, ông ta hỏi tiếp: “Bạch thầy, thế nếu con suy niệm mỗi ngày tám tiếng thì mất bao lâu con mới siêu thoát được?” Nhà sư trả lời: “Nếu con suy niệm mỗi ngày tám tiếng, có lẽ phải đến hai mươi năm mới siêu thoát được.” Người kia hỏi: “Tại sao con suy niệm nhiều hơn lại mất thời gian lâu hơn vậy?”

Nhà sư đáp: “Con không sinh ra trên đời để phải hy sinh niềm vui hay cuộc sống của con. Con có mặt ở đây để sống, để hạnh phúc, để yêu. Nếu con có thể làm hết sức mình trong hai tiếng suy niệm, nhưng lại dành đến tám tiếng, con sẽ chỉ càng thêm mỏi mệt, mất tập trung, và con sẽ không còn thưởng thức được cuộc sống nữa. Hãy làm hết sức mình, và có lẽ con sẽ nhận ra rằng con có thể sống, yêu thương và hạnh phúc bất kể con suy niệm bao lâu mỗi ngày.”

Kết

Cuộc sống là thiên đàng hay địa ngục, tùy vào cách ta lựa chọn và cảm nhận. Bốn thỏa ước tưởng chừng đơn giản nhưng để thực hành được nó không dễ. Bốn thỏa ước có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, khi bạn không phạm tội với lời, bạn sẽ không vơ mọi chuyện vào mình, bạn sẽ không giả định và sẽ làm hết khả năng của mình. Mỗi ngày từng chút một luôn nhắc nhở bản thân về bốn thỏa ước này mỗi khi bạn bắt đầu có dấu hiệu overthinking và bế tắc, không tìm thấy lối thoát. Lần lượt từng bước một, bạn sẽ phá vỡ những xiềng xích trong tâm trí mình và hướng đến một cuộc sống tự do, hạnh phúc hơn.

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Phụ nữ càng mạnh mẽ càng đáng thương