Nhật kí bà bầu: Tháng thứ 9 - chào đón con yêu

2015-04-27 09:16
- (Emdep.vn) - Chặng đường dài thai nghén của mẹ đã bắt đầu đến đích rồi đấy! Chắc hẳn mẹ đang nóng lòng gặp bé yêu lắm rồi nhỉ? Vậy thì hãy xem tháng cuối cùng này bé yêu phát triển như thế nào trong bụng mẹ nhé!

>> Nhật kí bà bầu: Mang thai tháng thứ 8

Dù đã chạm rất gần tới đích nhưng rất nhiều mẹ nói rằng, tháng cuối cùng này thực sự "dài lê thê" vì họ rất tò mò muốn biết bé yêu đã lớn như thế nào rồi. Tuy nhiên, như người ta nói, "chặng đường cuối cùng bao giờ cũng là chặng mệt mỏi nhất", với các mẹ bầu cũng vậy. Sau quãng đường dài thai nghén phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó chịu, mệt mỏi, giờ đây chúng dường như còn tăng lên gấp bội. Mẹ sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề: những cơn đau, khó thở, phù nề,... thậm chí cả việc đi đứng cũng rất khó khăn do bụng bầu đã to quá mức rồi.

Còn những vấn đề gì xảy ra với mẹ bầu nữa nhỉ?

Những cơn đau...

Không chỉ mẹ nóng lòng đâu nhé, em bé bây giờ cũng... sốt ruột lắm rồi đấy. Thế nên chẳng có gì lạ khi bé "vùng vẫy" trong bụng mẹ đến... 2 tiếng đồng hồ, với hàng chục cú đạp liên tiếp khiến mẹ nhiều lúc nhăn mặt vì đau. Lúc này, ngay cả những ông bố vụng về nhất cũng dễ dàng thấy được cử động của bé và không thể tránh khỏi sự "Ố, Á,..." đầy ngạc nhiên, vui thích.

Thời gian này, những cơn co cũng ghé đến nhiều hơn, cả chuyện lưng đau ê ẩm vì bụng bầu nặng nề nữa. Nói chung, mẹ sẽ khá mệt mỏi vì những cơn đau đấy, nhưng hãy cố gắng nhé vì tất cả những ai làm mẹ đều sẽ trải qua những chuyện này...

Đầu ngực thâm đen và chảy sữa

Để chuẩn bị cho em bé ra đời và bú mẹ, thời gian này xảy ra sự kích thích của tuyến yên sinh ra sữa và làm tăng ống tuyến sữa. Mang thai tháng thứ 9 mẹ có thể thấy 2 bầu ngực to hơn và căng tức, phần núm vú và quầng vú cũng to hơn, sẫm màu và đôi khi có thể tiết ra một chút dịch loãng, màu vàng (còn gọi là sữa đầu). 

Thời gian này, mẹ cũng đừng quên vệ sinh bầu vú bằng cách dùng bông thấm nước ấm, sạch lau nhẹ nhàng núm vú và quầng vú để loại bỏ những chất dịch đã khô tiết ra ở đó cũng như những tế bào chết. Điều này giúp phòng tránh đáng kể sự viêm, tắc tia sữa sau này. Mẹ cũng có thể bôi lên một lớp kem dưỡng an toàn cho bà bầu để khỏi bị nứt đầu vú nhé!

Thở gấp, mệt mỏi

Càng về sau, bào thai càng to lên khiến các vùng cơ nhất là cơ hoành bị chèn ép gây khó thở, thở gấp. Thai to lên cũng khiến mẹ bầu thấy mệt mỏi vô cùng.

Âm đạo sa xuống

Càng gần tới ngày sinh nở, âm đạo càng sa xuống và vào những ngày cuối của thai kì, đôi khi mẹ bầu có cảm giác co giật bên trong âm đạo.

Chân to như... chân voi

Tình trạng phù nề lúc này cũng trầm trọng hơn khiến đôi khi bố của bé thường đùa rằng chân mẹ to như chân voi vậy. Và cảm giác gác chân lên người ông xã khi đi ngủ có thể khiến mẹ cảm thấy dễ chịu hơn đấy! (Các ông bố hãy học cách "hi sinh" đi nhé!)

Mắt mờ và... mất trí nhớ

Thời gian này mẹ bầu cũng thấy thị lực của mình giảm hẳn, nhìn cái gì cũng "lờ mờ" và thường xuyên đau đầu, nhất là chứng "nói trước quên sau" rất buồn cười.

Những triệu chứng khác

Ợ nóng, ngứa rát vùng bụng và đùi, táo bón, đau thắt thường xuyên, khó ngủ/rối loạn giấc ngủ, thường xuyên đi tiểu hơn,... là những điều mẹ tiếp tục phải đối mặt trong giai đoạn này. Thật chẳng dễ dàng chút nào, tuy nhiên, để tránh stress vì những vấn đề khó chịu đó, mẹ hãy cố gắng thư giãn bằng cách nghĩ đến và trò chuyện với con nhiều hơn, xem xét và ngắm nghía những món đồ của bé hay đi lại nhẹ nhàng,... Mẹ cũng nhớ uống nước đầy đủ, ăn uống lành mạnh và bổ sung thêm rau củ giàu chất xơ để cơ thể dễ chịu hơn nhé!

Nhật kí bà bầu: Tháng thứ 9 - chào đón con yêu

Em bé đang "lớn như thổi"

Mẹ biết không, đáp lại những sự mệt mỏi của mẹ thì bé đang lớn rất nhanh đấy. Vừa tháng trước bé mới bằng cây cải thảo thôi nhưng tháng này đã to bằng chiếc bắp cải cỡ vừa rồi, và con sẽ lớn thêm theo từng ngày, từng tuần.

Bé biết mở mắt khi thức

Cử động chớp mắt của bé thuần thục hơn, bé cũng biết mở mắt khi thức rồi đấy! Lúc này con cũng đang tập cử động các ngón tay ngón chân của mình bằng cách chơi đùa với... dây rốn. Đôi khi bé còn mút ngón tay và cả... ngón chân nữa. Thật thú vị phải không nào?

Đi tiểu và ra phân su

Giờ đây, gan và thận của bé đã phát triển hoàn thiện, mỗi ngày bé đi tiểu đều đặn 1 lần và "ị" phân su. Bé cũng có thể nuốt, ngậm và thở cùng lúc.

Não bộ phát triển hoàn thiện

Gần như tất cả các cơ quan của bé đã hoàn thiện và hoạt động khá thuần thục rồi, phổi của con cũng đang tiếp tục phát triển. Tóc bé lúc này có thể dài tới 2,5cm và cơ thể tiết nhiều chất gây hơn.

Trong những tuần cuối cùng của thai kì, mẹ sẽ tiếp tục gặp những vấn đề như trên và thậm chí chúng còn xảy ra nặng nề hơn. Mẹ cũng sẽ cảm thấy bồn chồn, bị rò rỉ ối, ra chất nhầy lẫn máu (dấu hiệu mẹ sẵn sàng sinh nở),... Đây cũng là lúc mẹ chuẩn bị xong xuôi mọi thứ và chỉ còn việc đợi... lên bàn đẻ thôi. Chúc các mẹ trải qua cơn vượt cạn dễ dàng và sớm mẹ tròn con vuông nhé!

Hành trình của bé những tuần cuối thai kì.

Minh Minh
(Theo Congluan.vn)

Thật vui vì Nhật kí mẹ bầu đã đem lại cho các mẹ những cái nhìn cận cảnh về sự thay đổi và phát triển của bé yêu. Em đẹp hi vọng đó là người bạn đồng hành với các mẹ trong suốt quá trình mang thai của mình. Hãy tiếp tục theo dõi những thông tin về sinh nở và đừng quên chia sẻ câu chuyện sinh con đáng nhớ của mình cùng Chuyện đi đẻ trên Emdep.vn các mẹ nhé!

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những điều cần lưu ý khi tắm vào mùa lạnh