10 bước chuẩn bị cho ngày em bé chào đời (P1)
Tin liên quan
Khi mang thai, mẹ có 40 tuần tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi biết một mầm sống đang ở trong cơ thể mình. Mẹ cũng có bằng ấy thời gian để chuẩn bị tâm lý, vật chất và cả kiến thức để bước vào hành trình làm mẹ. Hãy chuẩn bị thật tốt để hành trình làm mẹ luôn tràn đầy niềm vui và tiếng cười mẹ nhé.
Hiểu về quá trình sinh nở
Các dấu hiệu chuyển dạ, cách nhận biết cơn co thật và cơn co giả, các giai đoạn chuyển dạ, quá trình sổ thai và rặn đẻ… là những kiến thức khô khan mẹ chẳng bao giờ muốn nghe. Nhưng đây lại là những kiến thức cơ bản, hỗ trợ mẹ rất nhiều trong quá trình sinh nở sắp tới. Mẹ có thể đăng ký học các lớp học tiền sản để hiểu thêm về các giai đoạn trong sinh nở, phương pháp sinh không đau, cách tập thở và các phương pháp hỗ trợ sinh khác. Những kiến thức này giúp mẹ chủ động trong cơn vượt cạn của chính mình.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể tham khảo các video mô tả quá trình sinh thường, sinh con dưới nước, sinh con bằng phương pháp đẻ mổ…ở trên mạng Internet.
Việc chuẩn bị này không giúp mẹ kiểm soát hoàn toàn và biết trước được mọi vấn đề sẽ xảy ra khi sinh nở. Bởi mỗi người sẽ có trải nghiệm sinh khác nhau. Tuy nhiên trang bị kiến thức sinh nở sẽ giúp bạn có được những quyết định tỉnh táo và an toàn, để bé chào đời thuận lợi và giảm thiểu nguy cơ mẹ bị tổn thương khi sinh.
Lựa chọn bác sỹ đỡ đẻ
Ở bệnh viện sản luôn có dịch vụ chọn bác sỹ đỡ đẻ. Mẹ có thể tham khảo bạn bè, người thân, đồng nghiệp để chọn được bác sỹ mát tay. Trong thời gian này, mẹ cũng nên tìm hiểu về chế độ thai sản, chế độ bảo hiểm ở công ty cho sản phụ.
Bàn với chồng về kế hoạch sinh nở
Một số bệnh viện ở Việt Nam cho phép chồng được vào phòng sinh động viên tinh thần vợ. Mẹ bầu có thể cân nhắc và bàn bạc kỹ lưỡng với chồng về việc này. Chồng có thể giúp gì cho vợ trong quá trình chuyển dạ, rặn đẻ, nằm viện…đều nên thảo luận kỹ càng để tránh xung đột giữa hai vợ chồng. Nếu mẹ đẻ thường có thể tự chăm con một mình. Nhưng trường hợp mẹ đẻ mổ, bị đau vết mổ, không thể tự bế ẵm con, thì lúc này bố sẽ là người hỗ trợ quan trọng nhất đối với mẹ. Bố nên chuẩn bị tâm lý để giúp đỡ hai mẹ con trong giai đoạn đầu khó khăn.
Nếu có thể, hai vợ chồng cũng nên bàn trước về kế hoạch phân chia việc nhà khi có con nhỏ. Lên kế hoạch trước để không bị lúng túng và căng thẳng khi đón em bé về nhà nhé.
Tham khảo kinh nghiệm sinh đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh của các bà các mẹ
Các bà các mẹ vốn luôn là người dày dạn kinh nghiệm sinh đẻ và chăm sóc trẻ con. Mẹ có thể tham khảo và lựa chọn cách chăm con phù hợp, vì đôi khi kinh nghiệm của các bà các mẹ cũng lỗi thời và phản khoa học. Về việc sinh đẻ, các bà các mẹ ngày xưa thường dễ đẻ do năng vận động, cơn co cũng không kéo dài như các mẹ bây giờ. Điểm khác biệt nữa là đa phần ngày xưa mọi người đều sinh thường, hiếm có ai sinh mổ. Mẹ hãy cố sinh thường để hệ hô hấp và miễn dịch của con hoàn hảo hơn nhé.
Chuẩn bị tâm lý cho đứa con lớn
Sự xuất hiện của một em bé là niềm vui, niềm hạnh phúc của cả gia đình, nhưng đối với những đứa trẻ khác, nó lại là một cú sốc khi biết mình sắp được làm anh, làm chị. Bố mẹ nên chuẩn bị tâm lý cho đứa con lớn bằng cách dạy nó hiểu và biết yêu thương em bé. Sự chuẩn bị này nên được thực hiện ngay khi mẹ mang bầu em bé thứ hai. Hãy cho bé lớn được có sự gắn kết tình cảm với em bé nhỏ trong bụng mẹ. Sau khi em bé chào đời, bố mẹ không nên “bỏ quên” bé lớn, không đối xử thiên vị bất cứ bé nào, nếu không bé lớn sẽ tủi thân và tổn thương lắm đấy.
Lên danh sách những người giúp đỡ
Thời gian sau sinh là thời gian tương đối khó khăn với mẹ khi sức khỏe còn yếu, cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn mà vẫn phải chăm con nhỏ. Nếu có người giúp đỡ trong thời gian này, mẹ sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi và nhanh hồi phục sức khỏe hơn. Sau sinh, tốt nhất nên kiêng làm việc nặng trong 2-3 tháng đầu. Mẹ có thể nhờ bà nội, bà ngoại hoặc người thân, họ hàng hỗ trợ trong giai đoạn này. Nếu không thể nhờ được ai, có thể thuê người giúp việc.
Biết việc gì cần làm khi bắt đầu cơn chuyển dạ
Trang bị kiến thức về quá trình chuyển dạ, biết phân biệt cơn chuyển dạ giả và thật để không lâm vào tình thế bị động khi có dấu hiệu sắp sinh. Thông thường sinh con so sẽ có thời gian chuyển dạ lâu hơn. Nếu mẹ có các dấu hiệu như ra máu báo, rỉ ối, cơn co xuất hiện không thường xuyên thì không cần phải vào viện ngay lập tức. Mẹ có thể chuẩn bị đồ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn nhẹ rồi mới nhập viện. Nếu lượng nước ối ra nhiều, khả năng bị vỡ ối cao, mẹ cần vào viện ngay.
Ai sẽ được vào phòng sinh
Một số bệnh viện sản cho phép một người nhà vào phòng sinh cùng sản phụ, thậm chí còn được tự tay cắt dây rốn cho bé. Thông thường bố sẽ được vào cùng mẹ để động viên, khích lệ tinh thần mẹ. Đây sẽ là trải nghiệm vô cùng tuyệt vời và đáng nhớ khi được tận mắt chứng kiến giây phút con yêu chào đời. Các ông bố cũng ngố và ngô nghê lắm nên trước khi vào phòng sinh, mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho bố nhé. Nếu không thay vì được bố động viên tinh thần, mẹ lại phải làm “chỗ dựa” trấn an bố đấy.
Chuẩn bị đồ cho mẹ khi nhập viện
Đồ đạc mẹ cần mang theo khi nhập viện chờ sinh bao gồm giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế, tiền mặt, đồ vệ sinh, quần áo. Đồ vệ sinh cho mẹ cần mang bỉm, băng vệ sinh, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, khăn mặt. Quần áo cho mẹ và bé chỉ mang khoảng 2 bộ, vì trong viện có sẵn đồ cho mẹ, nên mẹ không cần thiết phải mang nhiều.
Chuẩn bị đồ cho bé khi nhập viện
Đồ vệ sinh cho bé mang gạc rơ lưỡi, nước muối sinh lý, bỉm, khăn xô, khăn mặt. Với đồ ăn cho bé, mẹ mang sữa công thức và bình sữa, phòng trường hợp mẹ chưa có sữa về sau sinh. Quần áo và tã cũng không phải mang nhiều, vì trong viện bé sẽ được mặc đồ bệnh viện cấp cho.
Xem tiếp: 10 bước chuẩn bị cho em bé chào đời (P2)
Xem thêm
Kinh nghiệm đi sinh ở bệnh viện phụ sản hà nội
Việt Hà – Nguồn: BC
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất