“Bao giờ sông cạn?”: Đậm đà đạo làm người

Văn Khoa 2015-09-03 12:57
- Vẫn là những phận người vẫy vùng. Trong lời hứa xưa cũ, trong đạo lý làm người nơi miệt sông nước chằng chịt. Và đau đáu: “Bao giờ sông cạn?”.
Được cảm tác từ tác phẩm Dòng nhớ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và được Hoàng Thái Thanh biên kịch lại, xây dựng theo ý đồ riêng, khác với kịch bản gốc của tác giả Ngô Phạm Hạnh Thúy, Bao giờ sông cạn? (đạo diễn Ái Như) tiếp nối những vở bi kịch quen thuộc đã làm nên tên tuổi và định hình thương hiệu cho sân khấu. Vở diễn chọn bối cảnh quen thuộc - miệt sông nước miền Tây, với những phận người nổi nênh (dù đã cập bờ lên bến) theo dòng nước con sông ấy. Cuộc đời họ, tuổi trẻ của họ, hạnh phúc, đau khổ, ước mơ, hy vọng, nước mắt, nụ cười... và cả những oán giận, ân tình xưa cũ đong đầy theo dòng nước con sông.
“Bao giờ sông cạn?”: Đậm đà đạo làm người

Cảnh diễn được đầu tư, chăm chút đậm chất Nam Bộ .

Bà Hai (nghệ sĩ Xuân Hương), vì lời hứa với người đã khuất sau một tai nạn, muốn Chờ (Đoàn Thành Tài) - đứa con trai duy nhất của bà – cưới Mai (Tuyết Thu) – con gái của gia đình người bạn từng gắn bó cảnh đời gạo chợ nước sông với gia đình. Chờ một mực từ chối lời mẹ nhưng trước sự quả quyết của bà Hai và chú Út (NSƯT Thành Hội), buộc phải làm đám cưới với Mai, trong khi trái tim anh, tình yêu của anh dành cho Thà (Hoàng Vân Anh/ nghệ sĩ Ái Như), cô gái nghèo bán hàng bông rong ruổi trên ghe. Vừa xong lễ cúng gia tiên, Chờ bỏ trốn khỏi đám cưới đến tìm Thà, lúc ấy sắp sanh con.
Mặc gia đình ra sức kiếm tìm, họ rong ghe đi biệt suốt 5 tháng. Đứa con ấy được Thà gọi là Đợi (Hùng Thuận). Không muốn phụ lòng người đã khuất, rất mực thương cô con dâu hiền lành, hiếu thảo, bà Hai tìm Chờ về, chịu mang tiếng ác, nhờ Tư Mắm (Tuyết Mai) bắt cóc đứa con mới 5 tháng của Thà. Thấy con trai nhất quyết không quên người con gái neo ghe bên sông, bà uất lên mà mất. Chờ vì lời hứa trước vong linh mẹ, không dám tìm gặp người phụ nữ anh yêu.
Thà - người phụ nữ vừa được yêu vừa bị chối bỏ - mang cảm giác mắc nợ ân tình cũng không dám gặp Chờ, không dám nhận mặt con. Mỗi năm, đúng ngày bị bắt mất con cũng là ngày bà Hai mất, Thà neo ghe cặp bến dăm bữa, chong mắt ngóng người thương, khua nước. Mai, âm thầm sống bên người đàn ông cô yêu, nuôi con của chồng mà lòng trĩu nặng, đau đớn và khát khao khi trái tim anh, tâm hồn anh thuộc về bến sông.
“Bao giờ sông cạn?”: Đậm đà đạo làm người

Hoàng Vân Anh và Đoàn Thành Tài trong cảnh ấn tượng nhất vở diễn.

Như đã nói, Bao giờ sông cạn? là vở diễn đúng mô-típ của sân khấu Hoàng Thái Thanh, sau những Sông dài, Nửa đời ngơ ngác. Mỗi nhân vật trong vở, bằng tình cảm của riêng họ, bằng đạo lý làm người, chấp nhận, buông xuôi cuộc đời, buông xuôi tuổi trẻ nổi nênh theo dòng nước con sông. Tất cả đều thắc mắc cùng một câu hỏi “Bao giờ, sông cạn?” mà tâm tư, tình cảm sao thật khác nhau quá! Bà Hai mong sông cạn để có thể đi từ bờ bên này sang bờ bên kia, đi dọc hết con sông tìm hài cốt của chồng. Mai khắc khoải “Bao giờ, sông cạn?” Bao giờ thì Chờ thôi tưởng vọng đến người đàn bà neo ghe ngoài bến? Bao giờ Mai có được tình yêu của chồng? Bao giờ Thà thôi neo ghe ở bến?
“Bao giờ sông cạn?”: Đậm đà đạo làm người

Nghệ sĩ Ái Như một lần nữa khiến người xem xúc động với hóa thân người mẹ âm thầm giấu nỗi đau. 

Với những sáng tạo riêng (cấu tạo lại kịch bản) và sự chỉn chu trong từng cảnh diễn (đặc biệt là cảnh Chờ đỡ đẻ cho Thà trên ghe), âm nhạc, diễn xuất đồng đều và có nghề của các nghệ sĩ (nhất là hóa thân của nghệ sĩ Xuân Hương vào vai bà Hai, không thể nào tìm được người phù hợp hơn), Hoàng Thái Thanh lay động người xem những cảm xúc rất thực, với lời nhắc nhở đầy ý nghĩa về đạo làm con trong mỗi người.
Những thân phận trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư hay những thân phận trong vở diễn của Hoàng Thái Thanh, ít bao giờ có kiểu vùng lên chống lại số phận, dũng cảm bước qua ranh giới để mưu cầu hạnh phúc. Bởi, họ sống và hành xử theo cái tình, cái nghĩa. Không ai nỡ sống lỗi đạo với ai nên đành chấp nhận đời trôi theo con nước. Có lẽ vậy mà đời họ gieo neo.
Vở kịch đặt ra cho người xem câu hỏi, có nên vì món nợ ân tình của bản thân mà khiến những người trẻ phải chịu khổ, phải dằn vặt hơn nửa đời còn lại? Có nên vì yêu thương một người mà suốt đời lặng lẽ sống như chiếc bóng bên cạnh, từ dằn vặt bản thân, dằn vặt người thương bằng sự ghen tuông chất chứa trong lòng? Để rồi cuối đời vỡ lẽ trong đớn đau: “Đáng lẽ, cách đây mười tám năm, tôi nên từ chối đám cưới với anh. Mà sao tôi làm không có được…” Nước con sông vẫn cứ chảy như ân tình của Chờ, của Thà, của Mai dành cho nhau. Không bao giờ cạn… Câu nói "người lớn luôn coi mình là ông trời" của đứa con bị cướp đi sau 18 năm đã cởi trói hết những nợ nần, ân nghĩa của các nhân vật.
“Bao giờ sông cạn?”: Đậm đà đạo làm người

“Bao giờ sông cạn?”: Đậm đà đạo làm người

Bên cạnh lớp nhân vật chính kịch, lối diễn tưng tửng, bộc trực của NSƯT Thành Hội và Tuyết Mai mang lại tiếng cười, giảm nhẹ chất bi trong câu chuyện mà không kém phần sâu sắc. Bao giờ sông cạn? đậm hơi thở Nam Bộ, song theo thiển ý của người viết, sẽ là trọn vẹn hơn nếu như bài hát chủ đề của vở diễn là một ca khúc Bolero thay vì sử dụng bản Ru đời đã mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi lẽ, người miền Tây, như dòng sông bao đời, giản dị, chân chất mà thứ tha và đậm nghĩa tình. Bởi lẽ, Bolero sinh ra từ sông nước, từ câu hò, mái đẩy. Bởi lẽ, không gì có thể diễn tả tâm hồn người miền Tây hồn hậu như Bolero. Tất nhiên, cũng có thể như nhận xét của một đồng nghiệp, nhiệm vụ của ca khúc chủ đề là khái quát được chủ đề của vở diễn.
Li Lam
(Ảnh: Song Minh)
(Theo congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Có đôi khi cũng muốn được là riêng, là duy nhất của ai đó trong đời