Giải pháp để trẻ không bị lạc ở nơi đông người khi đi chơi
Tin liên quan
Những ngày nghỉ, các gia đình thường đưa trẻ đi chơi ở công viên, trung tâm mua sắm, hay khu vực có đông người. Điều khiến các bậc cha mẹ lo lắng nhất là trẻ bị lạc do mải chơi hoặc bố mẹ không để ý được. Do vậy, phụ huynh cần phải lưu ý để không xảy ra tình huống này bằng những cách dưới đây.
Không ít phụ huynh khi đưa con đi chơi cũng tranh thủ thời gian để ngắm cảnh, mua sắm hay ăn uống, rồi để con tự chơi với bạn bè hoặc chạy tung tăng khắp nơi, khi nhớ đến con mới biết là con bị lạc. Phụ huynh cần nắm lấy tay trẻ trong suốt quãng đường đi, không nên chủ quan hay tập trung mua sắm, ăn uống. Nếu trên đường đi hay trung tâm mua sắm quá đông có thể bế hay cõng trẻ trên vai để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tâm lý Vân Anh cho biết, hàng ngày cần phải dạy cho trẻ về địa chỉ gia đình cụ thể tên bố mẹ, số nhà, đường, phố, phường, quận hay huyện để trẻ có thể cung cấp cho người lớn khi bị lạc. Hoặc có thể viết tên trẻ, tên bố mẹ và địa chỉ vào trong tờ giấy rồi gấp đặt vào túi áo, túi quần trẻ giúp nhận diện dễ dàng hơn.
Nếu bạn đi theo đoàn đông người thì phải xác định điểm tập kết của đoàn. Thay vì lựa chọn những nơi đông đúc (cổng vào, các gian hàng đồ chơi…), hãy lựa chọn những nơi có mật độ du khách ít (nhà hàng, quán ăn…). Khi cả nhà cùng ăn uống nên xếp trẻ ngồi ở khu vực phía trong, tránh ngồi ở cạnh lối đi hay gần đường. Bởi ngồi ở những vị trí này sẽ khiến trẻ dễ đi ra ngoài, chạy ra chỗ khác có thể bị lạc.
"Phụ huynh phải dặn trẻ đứng tại chỗ khi bị lạc, không đi theo người lạ dù dụ dỗ như thế nào. Bên cạnh đó, hướng dẫn trẻ cố gắng tìm người có chức trách như bảo vệ hay nhân viên tìm bố mẹ hay đọc thông báo. Để giúp nhận diện trẻ dễ hơn thì nên chụp ảnh con ngay từ khi ở nhà và lưu trong di động. Điều này giúp cho những người xung quanh hoặc bảo vệ có thể phát hiện trẻ khi bạn đang đi tìm. Ngoài ra, có thể mặc cho trẻ màu quần áo nổi bật, đội mũ dễ nhận dạng khi bị lạc", chuyên gia này nói.
Khi phát hiện lạc nhau, việc đầu tiên cha mẹ/trẻ phải làm là gọi tên thật to. Nhiều cha mẹ ngại gọi to, cứ âm thầm dáo dác tìm sẽ mất thời gian vàng khi mình và con vẫn chưa cách quá xa. Âm thanh có tốc độ lan nhanh, tỏa rộng nên rất có ưu thế cho việc kết nối. Gọi lớn còn tạo sự chú ý cho người khác để họ tìm giúp. Lẽ khác, lỡ con đã nằm trong tầm ngắm của những kẻ "đục nước béo cò" thì chúng cũng không dám động thủ khi biết cha mẹ trẻ đang ở quanh đây. Nhanh chóng tìm sự hỗ trợ của người khác, nhất là của ban quản lý công viên, khu du lịch, siêu thị... nơi đến.
Nếu gia đình bạn có điều kiện nên trang bị cho trẻ chiếc điện thoại nhỏ (với trẻ đã lớn từ 4-5 tuổi trở lên). Dạy cho trẻ bấm các số khẩn cấp như 113 trong tình huống khẩn cấp. Hiện nay cũng có loại điện thoại chỉ gọi được cho phụ huynh cũng sẽ tiện lợi khi con bị lạc.
Ngoài việc do chủ quan của bố mẹ khiến trẻ lạc cũng có thể do người lạ dắt đi. Vì vậy, phụ huynh cần nâng cao cảnh giác với những người lạ, mới quen tiếp cận trò chuyện. Không gửi trẻ cho họ trông hộ hoặc không cho trẻ đi cùng, đùa nghịch nếu không quen biết.
Nhiều phụ huynh khi nghe tin hoặc biết trẻ đã bị lạc thường vô cùng hoảng hốt và sợ hãi. Tuy nhiên, thay vì lo lắng thái quá, cần giữ bình tĩnh định vị lại xem vị trí cuối cùng thấy trẻ là ở đâu. Ngoài ra, cần tìm đến những địa chỉ như trung tâm điều hành khu mua sắm, nhân viên trông coi công viên, bảo vệ để có sự hỗ trợ như phát loa thông báo, đăng thông tin...Mặt khác, sau khi đã tìm được trẻ cũng không nên quát mắng khiến trẻ sợ hãi. Bạn nên chỉ dẫn cho trẻ sự nguy hiểm khi đi lạc, cần làm gì nếu bị lạc lần sau, nhưng quan trọng nhất phải trang bị kiến thức cho trẻ.
Thùy Linh
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất