Những 'viên ngọc' trong suốt khiến bác sĩ ám ảnh khi xử lý tai biến nâng ngực silicon lỏng cho phái đẹp

2019-02-21 18:14
- Dù biết hiểm nguy nhưng bất chấp tất cả để có vòng 1 đẹp và chi phí rẻ, không ít chị em nhắm mắt làm liều, chấp nhận bơm silicon lỏng. Khi bơm vào ngực, silicon vón lại, có thể ví như sỏi lẫn trong cát không có cách nào nhặt hết.

Ham ngực đẹp, chi phí rẻ: Hậu quả cả đời  

Hạt silicon khi vón lại rất đẹp, lổn nhổn trong mô tuyến vú, nhặt ra nhưng những viên ngọc trong suốt nhưng là nỗi ám ảnh của bác sĩ thẩm mỹ.  

Bác sĩ Trần Sinh Lục, chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y Hà Nội chia sẻ, ông ám ảnh bởi những ca xử lý tai biến nâng ngực bằng silicon lỏng. Những ca tai biến này, chắc chắn không bác sĩ thẩm mỹ nào mê “sửa chữa” vì vô cùng khó khăn, do silicon lỏng len lỏi đi khắp nơi, không có cách gì lấy hết được.  

 Những "viên ngọc" trắng xóa, còn được ví như "mưa sao băng" ở vòng 3 của bệnh nhân nhập BV E trước đó, do tiêm silicon lỏng nâng cấp vòng 3.  

Phần lớn những ca can thiệp lấy silicon lỏng phải nạo vét nên ngực chỗ lồi, chỗ lõm, biến dạng, dù có nâng ngực lại sau đó cũng chỉ có thể khắc phục được 40 – 50% so với hiện trạng.  

Vì thế, bác sĩ thẩm mỹ nào cũng sợ phải xử lý các ca tai biến silicon lỏng vì không “nỡ tay” nạo vét. Nhưng khi bệnh nhân đến trong tình trạng cấp cứu vì viêm nhiễm, chảy máu mủ buộc phải xử lý cấp cứu.  

Như trường hợp của người phụ nữ (34 tuổi) tại Hà Nội, sau khi nâng cấp đôi “gò bồng đảo” với chi phí 30 triệu đồng, ngực chị ngày càng nhăn nhúm, các u cục sần sùi trên ngực, sờ vào thấy đau người hay khó thở, mệt mỏi đã phải đi xử lý, lấy silicon lỏng.  

Tuy nhiên sau đó chị tiếp tục phải đến BV K Trung ương khám, được chẩn đoán bị biến chứng do bơm silicon lỏng dẫn đến nổi u cục sần sùi, ngực sưng đau, bác sĩ đã tiến hành nạo vét và buộc cắt bỏ tuyến sữa của bệnh nhân.  

Vì phải tiến hành nạo vét lấy hết phần silicon khỏi bầu ngực nên ngực bệnh nhân bị co rúm, lõm sâu, mất hoàn toàn hình dáng bầu ngực.  

Theo BS Lực cho biết, chị em dễ bị đánh lừa bởi chi phí rẻ và cơ sở tiêm ngực đã gọi chệch silicon lỏng bằng một cái tên khác, ví dụ như mỡ nhân tạo. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo, trên thị trường không hề có mỡ nhân tạo mà đó chỉ là silicon dạng lỏng. Đây là chất đã bị ngành y tế cấm dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ từ lâu do thường xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.  

Mỡ nhân tạo còn gọi là silicon lỏng khi tiêm vào cơ thể sẽ không khu trú tại một vị trí mà len lỏi vào các tổ chức mô, cơ quan tạo ra các u silicon, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, hoại tử… một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.  

“Một ca tiêm silicon lỏng, chi phí chỉ 4 – 5 triệu đồng, chưa bằng 1/10 chi phí đặt túi ngực. Vì ham làm đẹp với chi phí rẻ, những di chứng silicon lỏng mà chị em phải chịu đựng là suốt đời” , BS Lực cảnh báo.  

Vì silicon lỏng không chỉ chảy khắp nơi, vón cục rải rác mà nó còn gây tình trạng thâm nhiễm các mô xung quanh, lâu dần xơ cứng lại như đá, có nguy cơ tạo các ổ viêm phá hủy ra ngoài vùng da bệnh nhân. Khi lấy silicon lỏng, còn “hạt ngọc” chưa lấy hết, bệnh nhân còn có nguy cơ.  

BS Lục cũng cảnh báo thực tế còn nhiều bệnh nhân bị tình trạng như nữ bệnh nhân này nhưng chưa được can thiệp y tế. Do một thời gian trào lưu tiêm "mỡ tự thân" - thực chất là silicon lỏng rộ lên thành mốt do chi phí rẻ, nhiều người lựa chọn phương pháp này.  

Tại BV E cũng từng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm trùng, sưng, tấy đỏ ở mông. Qua kết quả khám, chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ thấy 2 khối dịch lớn có tính chất trong suốt, kèm theo rất nhiều hạt nhỏ rải rác khắp 2 bên mông bệnh nhân.  

Hình ảnh điển hình dựng lại trên cộng hưởng từ là hình ảnh các hạt silicon trắng xóa như mưa sao băng do silicon lỏng gây ra. Các bác sĩ rất khó để lấy silicon đã bơm vào vòng ba cho bệnh nhân.  

Phẫu thuật nâng ngực: Đại phẫu  

Theo BS Lực, biến chứng phẫu thuật nâng ngực thường gặp trong khâu gây mê, hồi sức. Bệnh nhân có thể sốc phản vệ với thuốc. Đây cũng là câu chuyện chung của tất cả lĩnh vực ngoại khoa.  

Trong phẫu thuật thẩm mỹ liên quan nâng ngực có thể gặp các biến chứng chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương mô ở vùng xung quanh, như cơ ngực, tuyến sữa, thậm chí lan vào bên trong. Có những ca đặt phẫu thuật nâng ngực xong bị thủng phổi.  

Biến chứng sớm sau nâng ngực đó là xuất hiện tụ máu (chảy máu muộn) trong khoang, lồng ngực; tụ dịch; nhiễm trùng do mổ không vô trùng, do phản ứng kích ứng với chính chất liệu đó.  

Biến chứng có thể gặp tiếp theo là tình trạng co rút, bao xơ. Bởi bất kì chất liệu nào khi đặt vào cơ thể phản ứng viêm, khư trú để bao bọc chất liệu đó. Bình thường bao xơ không bị dày, co rút, nhưng sau phẫu, trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, túi ngực trong khoang ngực cọ sát, di chuyển làm cọ sát, bao sơ ngày càng dày hơn.  

Tuy nhiên, tất cả các biến chứng này đều có thể hạn chế, phòng tránh nếu thực hiện đúng các kỹ thuật trong nâng ngực. Bác sĩ phải là người có trình độ, thực hiện đúng các quy trình. Bên cạnh đó, chăm sóc hậu phẫu sau nâng ngực rất quan trọng. Cần phải chăm sóc kĩ tình trạng dẫn lưu của ngực, thăm khám sau phẫu thuật có tụ dịch, tụ máu không để xử lý sớm.  

Vì thế, chị em muốn đi làm đẹp cần lựa chọn các cơ sở uy tín, không tin lời quảng cáo chi phí rẻ, mỡ nhân tạo... để phòng những rủi ro, biến chứng sẽ phải gánh chịu cả đời.  

 

Theo Dân trí  

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Toner Klairs “đỉnh chóp” cho mọi chu trình dưỡng da