Mua đồ qua mạng: Người bán bật khóc với khách hàng thích chơi "trốn tìm"
2016-05-23 15:24
- Khách hàng yêu cầu shipper đưa đến tận nơi nhưng rồi biến mất, thậm chí cắt đứt liên lạc làm cho người bán "khóc dở, mếu dở".
Tin liên quan
Mua hàng online ngày càng phổ biến bởi sự tiện dụng và nhanh chóng. Tuy nhiên, người bán vẫn thường phàn nàn về việc có những khách hàng "thích đùa" và không ít lần chơi trò "thử thách".
Chị Xuân (Kinh doanh quần áo online) nhớ như in một vị khách nữ thường đặt mua theo cảm hứng. Người phụ nữ này ngoài 30 tuổi, tiền không dồi dào song rất thích và đam mê hàng xách tay. Sau vài lần đặt mua hàng và thanh toán đúng hạn, chị Xuân hoàn toàn tin tưởng và xem như khách hàng ruột
Thế nhưng vài lần sau đó, người phụ nữ nói trên bắt đầu "trở tính". Thậm chí, đến sát giờ ship hàng thường cáo bận hoặc nói đang đi công tác. Không những vậy, có lần còn tắt máy khi gần đến giờ nhận hàng và sau đó "thẳng tay" chặn Facebook mà không hề phản hồi ý kiến gì.
Khách chơi trò "ú tim" đã đành, chị Xuân muối mày muối mặt không biết nói gì với cánh shipper. Có hôm nắng nóng như đổ lửa, shipper đi đến gần nhà của vị khách nói trên, thậm chí đến đúng địa chỉ khu chung cư nhưng liên lạc thì vang lên câu nói chẳng ai muốn nghe: "thuê bao quý khách vừa gọi không liên lạc được...". Dù khách hàng nói trên liên tục "bỏ bom" nhưng vì chữ tín, sự tận tâm nên chị Xuân đã bị "sập bẫy" không dưới 5 lần.
"Họ có bán hàng mới hiểu được sự vất vả. Bán hàng cũng kiếm được đồng ra đồng vào thật đấy nhưng làm dâu trăm họ. Mỗi ngày tiếp xúc với nhiều vị khách với các đặc điểm tính cách khác nhau. Có người xuề xòa, có người dễ dãi nhưng cũng có người cẩn thận, thậm chí quá mức chi li. Căng sức và chiều lòng từng đó khách cũng đủ mệt. Có người không thông cảm lại nổi hứng đặt hàng đến khi nhận hàng thì thiếu tiền, hết tiền hay không thích nữa lại hủy hay chọn cách tắt máy, block Facebook", chị Xuân cho biết.
Theo lời chị Xuân, khách có sở thích khác nhau về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu. Có những mẫu chỉ 1-2 người đặt để lấy về nhưng chính họ lại "trở chứng" không thích, làm cho người bán khốn đốn theo. Bởi với số mẫu ít ỏi đó, không có khách chọn mua sẽ rất khó để tiêu thụ, chỉ còn cách bán rẻ hoặc đưa về nhà sử dụng.
Còn chị Nhung (Đông Ngạc, Nam Từ Liêm, Hà Nội) khốn khổ hơn khi tư vấn kỹ càng cho khách nhưng sau khi giao hàng thì mất nhiều ngày để yêu cầu thanh toán tiền. Hầu hết khách hàng đều phải chuyển khoản trước, nhưng có một số khách hàng lâu năm được chị "đặc cách". Tuy nhiên, chính những vị "thượng đế" này lại phụ lòng tin, chây ì trả tiền kéo dài cả tháng trời.
"Tôi sợ nhất là những khách hàng đã nhận sản phẩm nhưng không chịu trả tiền. Họ chưa đến mức chặn Facebook hay trốn tránh nhưng đòi thì kêu chưa có, khất hết lần này đến lần khác khiến cho tôi cũng khó khăn để nhập hàng mới. Với người kinh doanh cần nhất là xoay vòng tiền để nhập các sản phẩm mới về. Một người chây ì là kéo theo mọi việc bị đình trệ", chị Nhung nói.
Khách hàng cần ứng xử có văn hóa
Trao đổi với chúng tôi, anh Tuấn Anh (Nhân viên lĩnh vực marketing) cho hay, xu thế mua hàng online đang thực sự phát triển mạnh khi nó có nhiều lợi thế hơn cách mua hàng truyền thống là đến tận chợ, cửa hàng... Tuy nhiên, sự phát triển này đặt ra việc hình thành văn hóa bán hàng - mua hàng online.
Bên cạnh đòi hỏi người bán sự nhã nhặn khi tư vấn hay chất lượng sản phẩm đảm bảo thì người mua phải ứng xử có văn hóa. Việc chọn lựa sản phẩm phải dựa theo sở thích, nhu cầu của bản thân. Khi đã đặt hàng thì phải thanh toán đúng hẹn, đã đặt hàng phải nhận để tránh ảnh hưởng đến kế hoạch của người bán trừ khi chất lượng, mẫu mã không được như hình ảnh đăng tải trên mạng.
"Có một thực tế là người mua có thể thay đổi ý kiến hoặc không thích sản phẩm đó nữa nhưng không hề báo cho người bán. Chỉ khi shipper đưa sản phẩm đến mới bắt đầu kêu ca, phàn nàn, hay bịa ra các lý do khác nhau. Điều này là hoàn toàn không chấp nhận được. Nếu ai cũng như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ việc nhập hàng, bán hàng, xoay vòng tiền của người bán", anh Tuấn Anh nói.
Khi mua hàng online thì shipper là cầu nối giữa người bán và người mua, cho nên khách hàng phải cung cấp địa chỉ chính xác, rõ ràng, ghi nhớ thời điểm nhận hàng. "Có không ít khách hàng biết shipper đưa sản phẩm đến nhưng vẫn đi ra ngoài dẫn đến tình huống dở khóc dở cười. Shipper đợi cả tiếng đồng hồ thì không được sẽ ảnh hưởng các đơn hàng khác, đưa về thì mất công giao hàng lần nữa. Cho nên khách hàng phải căn thời gian nhận hàng chính xác, tốt nhất nên bố trí vào thời điểm rảnh rỗi, các thành viên khác trong gia đình cũng có mặt ở nhà để thay mặt nhận hàng", anh Tuấn Anh nhấn mạnh.
Thay vì đặt hàng theo cảm tính, người mua cần xét xem có nhu cầu thực sự để sử dụng hay không. Nếu đặt hàng mà không lấy như giao hẹn, người bán có nguy cơ chịu lỗ nhất là những sản phẩm đắt tiền có giá tiền triệu với số lượng nhập 1-2 chiếc/lần. Nếu có bất cứ thay đổi nào phải báo sớm để tránh thiệt hại cho người bán.
Theo anh Tuấn Anh, một điều thường gặp là có khách hàng "bùng" tiền người bán. Họ thậm chí dùng chiêu trò chặn số điện thoại, Facebook để cắt đứt liên lạc nhằm không thanh toán. Tuy nhiên, người bán có thể báo với cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi của mình, đồng thời mang tính răn đe với những khách hàng khác.
Hiền Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Top 3 cung hoàng đạo có 'phẩm chất công chúa', ngoại hình thanh tú, cư xử lịch thiệp khiến ai cũng mê mệt