Khát vọng sống của nữ sinh viên 19 năm chống chọi với bệnh “cả đời phải truyền máu”

Thu Hà 2017-12-06 11:50
- 19 năm chống chọi với bệnh Thalassemia – tan máu bẩm sinh nhưng nữ sinh viên này chưa bao giờ mặc cảm vì bệnh tật của mình. Trái lại, em còn khát khao làm được nhiều điều hơn cho chính mình và cộng đồng để người bệnh như em có thể vui sống.

Không mặc cảm vì được thương yêu

Khác với tưởng tượng của chúng tôi, em Nguyễn Thị Thơ, sinh năm 1999, hiện là sinh viên năm thứ nhất trường Cao đẳng Y tế Hà Đông rất lí lắc, vui vẻ khi kể về hành trình chung sống với bệnh Thalassemia của mình.

Năm 4 tuổi, Thơ  phải cắt bỏ lách để duy trì sự sống. Cũng từ đó, sức khoẻ của em cũng bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng nhờ bố mẹ luôn bên cạnh chăm sóc, em đã dần khoẻ mạnh.

Khát vọng sống của nữ sinh viên 19 năm chống chọi với bệnh “cả đời phải truyền máu”

Cô sinh viên mắc bệnh Thalassemia khám bệnh tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Bệnh tật nhưng Thơ vẫn đến trường đúng tuổi như bao bạn bè khác. Cho đến tận bây giờ, Thơ vẫn nhớ như in kỷ niệm về kỳ thi học sinh giỏi huyện năm lớp 9. Trước ngày thi, Thơ bị sốt cao, nhưng cô giáo kỳ vọng em sẽ làm được nên cho hai bạn cùng lớp và bố bạn ấy đến đón Thơ đi thi.

Sáng thi môn Văn, kết quả Thơ làm rất tốt nhưng đến buổi chiều do sức khoẻ không đảm bảo, em choáng váng, mắt nhoà đi, bài thi môn giáo dục công dân hôm đó Thơ đã không thể hoàn thiện. Tuy nhiên, không ai trách mắng Thơ cả. Trái lại, ai cũng bảo em đã chiến thắng ngoạn mục bằng chính nghị lực của mình. Chính tình yêu thương của mọi người khiến cho em chưa bao giờ mặc cảm vì bị căn bệnh oái oăm “cả đời phải truyền máu” này.

Khát vọng sống của nữ sinh viên 19 năm chống chọi với bệnh “cả đời phải truyền máu”

Đi truyền máu, thải sắt, mệt mỏi nhưng Thơ vẫn vui cùng các em nhỏ. 

Trong một lần xem tivi về chương trình Hành Trình Đỏ vận động hiến máu xuyên Việt, Thơ đã cảm thấy rất thích thú hoạt động thiện nguyện giúp tiếp nhận lượng máu lớn từ các địa phương cho những bệnh nhân như em, lại tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh.

“Nhiều lần em phải chờ vài ngày mới có máu để truyền, cơ thể sẽ rất mệt mỏi, trong khi đó em chỉ mong nhanh được truyền máu để về đi học. Hơn ai hết, em hiểu được nỗi vất vả của người bệnh khi thiếu máu nên đã quyết định tham gia vào hoạt động vận động hiến máu. Thiện nguyện cũng là một cách để bệnh nhân như em cảm thấy khỏe mạnh hơn và không mặc cảm”, Thơ chia sẻ.

“Mong mọi người có ý thức sàng lọc để không sinh ra trẻ bị bệnh”

Hiện tại Thơ đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông để thuận tiện cho việc học tập và điều quan trọng nhất là được ở gần nhà. Chỉ những đợt bệnh nặng, thải sắt Thơ mới nhập Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Khi chính thức trở thành sinh viên năm thứ nhất của Trường Cao đẳng y tế Hà Đông, Thơ đã đăng ký để trở thành tình nguyện viên của chương trình “Trung thu cho em”, một chương trình hiến máu vì bệnh nhân nhi để các em được sum vầy bên gia đình trong dịp Trung thu. Thơ còn tham gia câu lạc bộ vận động hiến máu Kết Nối Đỏ do bệnh nhân Thalassemia tan máu bẩm sinh lập ra.

Khát vọng sống của nữ sinh viên 19 năm chống chọi với bệnh “cả đời phải truyền máu”

Tuyên truyền vận động hiến máu là "liều thuốc tinh thần" giúp Thơ vui vẻ, lạc quan chiến đấu bệnh tật.

Câu lạc bộ Kết Nối Đỏ hoạt động chính ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Cho nên, với Thơ, Viện Huyết học cũng chính là “ngôi nhà thứ hai” của em.

“Nếu chính những bệnh nhân đi vận động hiến máu thì hiệu quả nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh tan máu bẩm sinh rõ nét hơn. Câu chuyện của người bệnh sẽ khiến cộng đồng được truyền cảm hứng và tích cực tham gia hiến máu.

Khi đi vận động hiến máu, em có một khát khao đó là tuyên truyền để mọi người biết được mối nguy hiểm của căn bệnh tan máu bẩm sinh, để các cặp đôi trước khi tiến tới hôn nhân hãy đi làm xét nghiệm sàng lọc, để không còn những đứa trẻ sinh ra bị bệnh”, Thơ hào hứng bày tỏ.

Học xong ca chiều 17h00, Thơ bắt xe buýt đến một số điểm dừng đỗ xe buýt để cùng các bạn tuyên truyền. Có hôm xong muộn, không bắt được xe buýt về, Thơ phải ngủ nhờ nhà bạn.

Cô sinh viên năm nhất nhiệt thành với công việc này với suy nghĩ “Biết đâu một ngày nào đó, chính những đơn vị máu em tuyên truyền được lại được truyền vào cơ thể mình”.

Tiếp xúc với cô gái nhỏ bé này, ai cũng cảm thấy em đang vươn lên mạnh mẽ như cây xương rồng mọc trên cát. Cho dù bệnh tật có làm em phải truyền máu đến cuối đời nhưng em luôn trân trọng từng phút giây được sống.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 xu hướng trang điểm nổi bật đến từ Tiktok mọi cô gái đều làm được