Chuyên gia dinh dưỡng 'rỉ tai' cách bảo quản thịt, cá, rau củ quả dịp Tết... không bao giờ lo ngộ độc

2018-02-15 06:45
- Thực phẩm khi đã đưa ra khỏi ngăn đá rã đông thì không cấp đông lại. Nếu cấp đông lại thì nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ rất cao.

Dưới đây PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra một số khuyến cáo khi tích trữ thực phẩm trong những ngày Tết.

Để thịt không bị nhiễm khuẩn

Để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn của thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho hay thịt, cá sau khi lọc xương, sơ chế sạch sẽ, cắt thành từng miếng nhỏ vừa lượng ăn nhúng qua nước muối loãng rồi cho vào hộp nhựa túi đựng thực phẩm, để ngăn đá. Nhúng qua nước muối loãng giúp thực phẩm được bảo quản tốt hơn, hạn chế việc bị nhiễm khuẩn.

Ăn Tết ngon không lo ngộ độc cần ghi nhớ những nguyên tắc bảo quản thực phẩm

Chia thịt thành từng miếng nhỏ trước khi bảo quản trong tủ lạnh.

Lưu ý thực phẩm khi đã đưa ra khỏi ngăn đá rã đông thì không cấp đông lại. Nếu cấp đông lại thì nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ rất cao.

Thịt, cá chỉ để 1 tuần trong ngăn đá

Dù bảo quản thực phẩm trong ngăn mát hay ngăn đá nếu để quá lâu sẽ làm cho thực phẩm bị biến chất, mất đi giá trị dinh dưỡng. Nhiệt độ trên ngăn đá tủ lạnh (khoảng -10˚C) có thể kìm hãm được đa số các loại vi khuẩn nhưng không diệt được chúng. Còn với nhiệt độ trong ngăn mát khoảng 0,5 – 5˚C, vi khuẩn chỉ giảm tốc độ sinh sôi.

“Bảo quản thực phẩm sau một thời gian nhất định, thức ăn vẫn sẽ bị “hỏng” biến chất. Khi đưa thực phẩm ra rã đông, vi khuẩn sẽ phát triển rất nhanh”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói.

Rau củ, quả chỉ nên để 2-3 ngày trong tủ lạnh

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cung cấp thông tin cho độc giả Emđẹp, rau, củ, quả khi được bảo quản trong ngăn mát chỉ nên để từ 2-3 ngày. Rau có thể để được lâu cần phải nhặt sạch rau bỏ lá úa, chia thành khẩu phần cho vào bao gói cẩn thận. Rau củ có thời gian nhất định để tích trữ trong tủ lạnh, vitamin C trong rau bị giảm, biến mất theo thời gian.

Ăn Tết ngon không lo ngộ độc cần ghi nhớ những nguyên tắc bảo quản thực phẩm

Rau và hoa quả chỉ để trong ngăn mát từ 2-3 ngày.

Trong trường hợp nhà không có tủ lạnh trong những ngày Tết, có thể bảo quản bằng cách để rau ở nơi kín gió, thoáng mát.

Tránh nhiễm khuẩn cho thực phẩm trong tủ lạnh

Theo chuyên gia, nguyên tắc để không bị nhiễm khuẩn, khi tích trữ thức ăn tuyệt đối không để đồ ăn sống với đồ ăn chín. Mỗi một tuần nên dành thời gian lau dọn tủ ít nhất một lần để không xảy ra nhiễm khuẩn chéo giữa các loại thực phẩm, đồ ăn với nhau.

Ăn Tết ngon không lo ngộ độc cần ghi nhớ những nguyên tắc bảo quản thực phẩm

Thực phẩm sau khi rã đông thì không cấp đông lại.

Không bảo quản đồ ăn cho trẻ quá lâu

Trước Tết, nhiều bà mẹ đã nấu cháo cấp đông cho trẻ ăn dần. Nhưng điều này có nên? “Các vitamin và chất khoáng sẽ dễ bị phân hủy trong quá trình nấu nướng. Người ta ước tính lượng vitamin mất do nấu nướng như sau: vitamin C: 50%; vitamin B1: 30%; caroten: 20%, chưa kể việc các mẹ cho cháo/ thức ăn vào lò vi sóng, nấu đi nấu lại như vậy rất dễ làm tinh bột bị biến tính, vitamin bị phân hủy. Các bé ăn vào sẽ bị đầy bụng mà không có chất”, PGS.TS Lâm nói.

Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn ăn bổ sung cần phải ăn đủ 8 nhóm thực phẩm, gồm: ngũ cốc, đạm (gồm 4 nhóm nhỏ là sữa, trứng, các loại thịt cá, đậu), chất béo (dầu ăn, mỡ), rau có màu lá xanh thẫm, các loại củ có màu vàng và quả chín.

Vào dịp Tết, cha mẹ dù bận tới đâu cũng không được quên bữa ăn của trẻ. Khi cho trẻ ăn bữa nào, nên mua/ chế biến bữa đó để đảm bảo hấp thu tối đa hàm lượng vi chất, chất dinh dưỡng có trong rau củ, thực phẩm. Song nếu quá bận rộn, bạn có thể chế biến thức ăn cho bé dùng trong 2 – 3 ngày, không được vượt quá một tuần.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên