Bệnh nhân nữ suýt mất mạng vì tự ý uống sữa để chữa hóc xương gà

2017-11-07 15:49
- Sau khi mắc xương gà, nữ bệnh nhân 36 tuổi uống sữa để tiêu xương nhưng không thành.

Bệnh nhân nữ (36 tuổi, ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị hóc xương gà đâm sâu vào 1/3 dưới thực quản đã phải nhập Bệnh viện E cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nuốt khó, đau đớn, không ăn được, có kèm triệu chứng tức ngực nhưng không khó thở, không sốt, không ho...

Bệnh nhân bị mắc xương gà ở ngang mức đốt sống ngực 3 (vùng trung thất) có thể gây những biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy cơ tử vong cho bệnh nhân trước, trong và sau ca phẫu thuật.

ThS.BS Đặng Trung Thành, Phó Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện E – người trực tiếp nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân cho biết, một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân có ăn thịt gà nhưng không may nuốt phải một mảnh xương. Nhưng thay vì tới viện, bệnh nhân đã chữa mẹo uống sữa cho xương tiêu.

Bác sĩ xác định đây là ca bệnh rất nguy hiểm bởi di vật hóc xương biến chứng áp xe, nhiễm trùng nặng. Dị vật nằm trên quai động mạch chủ gần vị trí động mạch cảnh trái.

Mắc xương gà nữ bệnh nhân dùng mẹo uống sữa để xương tiêu đã suýt mất mạng

Bệnh viện E mổ nội soi thành công cho bệnh nhân hóc xương gà hiếm gặp, ảnh BVCC.

ThS.BS Thành cho hay: “Nếu dị vật không được gắp bỏ kịp thời thì sẽ gây áp xe, nhiễm trùng thực quản, phổi, áp xe phổi gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh. Bởi dị vật là một mảnh xương sắc, có nhiều góc cạnh và đã tồn tại rất lâu trong thực quản. Trong quá trình thực hiện nội soi gắp mảnh dị vật rất dễ gây xước, tổn thương các tổ chức xung quanh như chọc vào mạch máu quai động mạch chủ của bệnh nhân; mạch máu lớn (động mạch cảnh…); gây tràn khí trung thất do thủng thực quản… nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Chính vì thế, kíp bác sĩ thực hiện có đầy đủ các chuyên khoa: tiêu hóa, ngoại, tim mạch, gây mê… như vậy”.

Ca mổ phức tạp

Sau 30 phút tiến hành ca mổ, dị vật được lấy ra là một mảnh xương gà hình chữ L, cắm sâu vào thực quản và gây 2 vết loét đối xứng nhau, trong đó một vết loét sâu qua lớp cơ thực quản nhưng hiện tại chưa gây thủng thực quản. Các bác sĩ tiến hành đặt xông dạ dày, nội soi qua vết loét để tránh gây tổn hại đến sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân được nuôi xông hoàn toàn tránh vết loét nặng thêm và gây các biến chứng tiếp theo.

Theo bác sĩ Thành, ca mổ khá thành công nhưng bệnh nhân vẫn cần phải theo dõi sau mổ. Các yếu tố cần theo dõi là: mạch, huyết áp ổn định; tình trạng hô hấp tốt; đau ngực (do áp xe xâm lấn); sốt cao do nhiễm trùng).

Dự kiến bệnh nhân này có thể ra viện sau 7 -10 ngày tới nếu không gặp biến chứng và điều trị tốt thuốc kháng sinh phổ rộng, chống viêm giảm phù nề, giảm tiết axit dạ dày...

“Khi bị hóc dị vật (xương gà, xương cá, xương lợn…) cần đến ngay bệnh viện để được khám và xử lý kịp thời, không tự ý móc, gắp xương ra, vì như vậy càng khiến dị vật trôi xuống sâu hoặc đâm sâu hơn vào thực quản. Bệnh nhân khi bị hóc xương tuyệt đối không chữa mẹo hay bài thuốc dân gian, vì sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân tuyệt đối không nên để quá lâu như bệnh nhân trê, vì vết loét sẽ nhiễm trùng nặng”, bác sĩ Thành khuyến cáo.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 động tác kéo căng trước khi đi ngủ giúp bạn giảm cân siêu tốc