Thưởng Tết của giáo viên vùng cao chỉ vài trăm ngàn đồng: "Đồ chuẩn bị Tết đều là đồ tự làm chứ ít khi được đi mua sắm"
Tin liên quan
Lời Tòa soạn:
Từ nhiều năm qua, câu chuyện về thưởng Tết trong ngành giáo dục vẫn là một đề tài muôn thuở nhưng chưa bao giờ hết nóng. Dù những năm gần đây, Tết trong các đơn vị giáo dục đã có gam màu tươi sáng hơn, không thảm hại như trước nhưng mỗi vùng miền, mỗi nhà trường, mỗi bậc học lại có mức thưởng khá khác nhau.
Đa số trường chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng có nguồn kinh phí lớn, các khoản thu nhiều nên cuối năm cán bộ, giảng viên, nhân viên ở đây được thưởng Tết…cao ngất ngưởng, có trường cả 100 triệu đồng/người.
Nhưng ở các bậc thấp hơn, đặc biệt là các thầy cô đang cắm bản trên vùng cao, Tết trở thành nỗi ám ảnh khi phải quay cuồng với các khoản chi tiêu nhưng thưởng Tết thì "bèo bọt".
Hôm nay thầy Thuận phải trực, nên tôi không nhớ phải sau bao nhiêu lần hẹn gặp, nhưng mãi đến tối muộn ngày cuối năm, khi sương trắng lạnh cóng đang phủ kín cánh rừng, trong lớp học, lũ trẻ đã yên giấc, lúc này tôi mới trò chuyện được với thầy Tạ Hải Thuận (SN 1991), giáo viên dạy lớp 2 tại điểm trường Phổ thông dân tộc nội trú, tiểu học Bum Tở, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, Lai Châu.
Thầy bảo: “Hôm nay tôi có lịch trực tại điểm trường bán trú nên phải cho các em ăn, ngủ xong mới có thể làm việc khác được”.
Thầy Thuận quê ở Thái Bình, nhưng được sinh ra và nuôi lớn tại vùng đất bốn bề bao bọc bởi núi và cao nguyên Lai Châu. Ngay từ nhỏ thầy đã rất thích nghề giáo, ước mơ khi lớn lên thầy được cống hiến cho mảnh đất này. Vậy là sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Hải Dương và liên thông Đại học Tây Bắc, thầy trở về làm giáo viên trường bản.
Ngôi trường sập xệ nhiều năm là nơi học tập vui chơi của các bé. Ảnh NVCC.
Tuổi trẻ, lại chưa vướng bận gia đình, nên thầy thường xông pha vào những điểm trường ở sâu trong làng bản, đường xá khó khăn, cơ sở vật chất chưa đầy đủ. Mỗi ngày thầy phải trải qua con đường đầy ổ voi dài 20km để đến điểm trường dạy học.
Ngày nắng đã vậy, ngày mưa, con đường sình lầy bùn đất nhầy nhụa cầy lên đến nửa ống chân: “Những lúc này, chiếc xích xe máy của tôi có kéo căng như xích xe tăng thì cũng phải khuất phục trước con đường ám ảnh. Năm năm giảng dạy tại trường này, tôi đã trở thành tay đua xe thứ thiệt khi ngày ngày đánh vật để đến lớp với các em”, vừa cười vui vẻ thầy vừa buông lời hài hước.
Công việc của các thầy cô cắm bản không chỉ dạy kiến thức cho trẻ mà hàng ngày phải thay nhau trực, ăn, ngủ cùng học sinh bán trú.
Khi nhắc đến câu chuyện thưởng Tết, thầy cười bảo: “Chúng tôi làm gì có thưởng Tết mà nhắc làm gì thêm buồn”.
Theo lời thầy giáo trẻ kể, nếu người nào phấn đấu thi đua và được đánh giá đạt xuất sắc suốt một năm thì sẽ được thưởng khoảng 1 triệu. Nhưng đó không phải là tiền thưởng Tết. Đó là khoản tiền động viên các thầy cô. Còn những giáo viên khác, có thể được 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng.
Theo quy định, ngành giáo dục không có quỹ để chi tiền thưởng Tết cho giáo viên. Khoản thưởng hằng năm mà các trường chi cho giáo viên thật ra là khoản dư cuối năm. Tức là ngân sách cho các trường mỗi năm, sau khi chi cho các hoạt động, phong trào, quỹ lương... còn dư thì động viên chút ít cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường. Tùy từng chức vụ, vị trí công việc mà mỗi giáo viên chênh nhau từ 200.000 - 300.000 đồng.
Tại khu bán trú, 6 giờ sáng các học sinh cùng dậy tập thể dục và dọn vệ sinh.
Thầy Thuận nói: “Lương thưởng đối với giáo viên đã có cơ chế, ai cũng mong được nhận lương xứng đáng với công sức mình bỏ ra, nhưng tất cả đã được quy định. Chúng tôi không có thu nhập ngoài, cũng sẽ không có lương tháng thứ 13. Ở đây, có những giáo viên tâm huyết đến độ trích lương của mình mua kẹo và tổ chức các hoạt động vui chơi để các em thích thú đến trường. Có như vậy, chúng sẽ không bỏ học. Nếu chúng chán học, nghỉ ở nhà thì giáo viên lại phải đến động viên, khích lệ các em rất vất vả".
Vậy mỗi năm Tết đến, các khoản chi tiêu của gia đình, các thầy cô phải cân đối làm sao? Trước câu hỏi, thầy Thuận bình thản trả lời: “Với những thầy cô ở xa, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho mọi người ứng trước một tháng lương và trừ vào sau Tết. Tôi dạy học nhưng cũng giống như đi buôn đồng nát vậy. Tiền lương dạy học của tôi chỉ đủ đổ xăng và ăn uống. Ngoài ra tôi phải làm thêm nhiều việc khác nữa nhằm tăng thêm thu nhập. Để giảm bớt chi tiêu dịp Tết, các thầy cô cũng cố gắng nuôi thêm gà, lợn, trồng cây hoa để làm đồ Tết. Gần như đồ chuẩn bị Tết đều là đồ tự tay làm ra chứ ít khi được đi mua sắm"
Theo thầy Thuận, nếu ở dưới xuôi, các thầy cô có thể tận dụng thời gian nghỉ hè để dạy thêm, có thể kinh doanh, buôn bán... còn ở đây giáo viên cắm bản không có khái niệm nghỉ hè. Bởi khi kết thúc môn học, giáo viên phải dạy kèm cho học sinh yếu kém khoảng một tháng. Sau đó đi tập huấn cho năm học mới, nên chẳng còn thời gian để nghỉ hè. Thời gian ba tháng hè, các thầy cô chắc chỉ được nghỉ khoảng 10 ngày. Nên để làm công việc gì thêm để tăng thu nhập cũng rất khó.
Tết đến xuân về, thầy Thuận cùng những giáo viên ở đây chỉ mong các phụ huynh cho con đi học đều, đó là điều giáo viên mong mỏi hơn bao giờ hết.
Nói về lòng đam mê với nghề, thầy chia sẻ thẳng thắn: “Dù có như vậy, tôi vẫn yêu nghề, vẫn muốn được gieo chữ trên vùng đất quê hương mình, để các em được mở mang nhận thức, lớn lên không phải khổ như bố mẹ chúng”.
Tết đang đến gần, mùa xuân đang chào đón, trên nhành cây những nụ xanh đang trực chờ bung nở, chia sẻ về những điều còn trăn trở và niềm mong ước sắp tới, giọng trầm, buồn, thầy Thuận bảo: “Ở đây, người dân chủ yếu là người dân tộc La Hủ, họ không biết tiếng Kinh và nhận thức rất kém. Vì vậy, việc họ quan tâm và dạy dỗ các con gần như không có. Chúng tôi không mong mỏi gì nhiều, chỉ mong phụ huynh quan tâm đưa các em đi học đã là món quà Tết lớn lao đối với những người làm thầy như chúng tôi rồi ”.
Thanh Hương
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất