NƯỚC MẮT NGHỀ GIÁO: Nói rát cổ bỏng họng, chật vật sống với đồng lương "chết đói" (P.1)

Thu Hà 2017-11-06 06:30
- Chia sẻ về thu nhập, cuộc sống gia đình sau những giờ lên lớp, chị Nguyễn Thị Loan (giáo viên dạy Lịch sử, Vĩnh Phúc) đã buồn rầu cho biết, lương của chị hiện không bằng lương công nhân!

“Nâng hết bậc lương thì cũng già”

Sự việc cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh), tham gia BHXH được 22 năm 8 tháng nhưng chỉ nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng đang khiến dư luận giật mình về chế độ về hưu dành cho người miệt mài lái đò nhiều chục năm ròng rã.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, không chỉ giáo viên nghỉ hưu mà ngay cả nhiều giáo viên đang hàng ngày giảng dạy trên bục giảng, họ cũng phải chật vật sống với đồng lương của mình.

Nước mắt nghề giáo: Nói rát cổ bỏng họng, thu nhập vẫn không bằng lương công nhân, nâng hết bậc lương thì cũng già (P.1)

Nhiều giáo viên đang phải chật vật sống bằng đồng lương "chết đói". Ảnh minh họa.

Cô giáo Nguyễn Thị Loan*, một giáo viên có bằng Thạc sĩ, dạy môn Lịch sử ở trường cấp 3 tại Vĩnh Phúc cho biết, sau 6 năm ra trường và hai lần nâng lương, thu nhập hiện tại của chị  là 4.164.000 đồng mỗi tháng.

Với mức thu nhập đó, cô Loan khẳng định giáo viên có con đang tuổi đi học là thực sự rất khó khăn. Nếu hai vợ chồng đều là giáo viên thì còn bi đát hơn nữa!

“Thu nhập của giáo viên phụ thuộc vào bậc lương của họ. Bậc lương cho người tốt nghiệp Đại học là 2.34 x lương cơ bản là 1.300.000 đồng. Nếu mức lương cơ bản thấp thì thu nhập thấp.

Sau ba năm làm việc, giáo viên sẽ được nâng một bậc lương, từ 2.34 lên 2.67, nhân lên cho đến khi nào nâng hết bậc thì lúc ấy cũng già”, cô giáo Loan phân tích.

Đừng nghĩ giáo viên lên lớp 17 giờ/ tuần là sướng!

Khi mới ra trường, lương của cô Loan là 2.34 x 1.050.000 đồng, chưa trừ bảo hiểm. Ngoài ra, chị có thêm 30% phụ cấp đứng lớp (áp dụng với giáo viên THCS và THPT). Với giáo viên tiểu học và mầm non, phụ cấp là 35%.

Năm 2011, mức lương cơ bản là 1.050.000 đồng. Sau đó tăng lên 1.110. Hiện lương cơ bản là 1.300.000 đồng. Sau khi trừ bảo hiểm, cô Loan được nhận về mức lương 4.164.000 đồng với bậc lương 2.67.

Nước mắt nghề giáo: Nói rát cổ bỏng họng, chật vật sống với đồng lương chết đói (P.1)

Ngoài áp lực giảng dạy, giáo viên còn phải đối mặt với vô vàn "việc không tên" khác. Ảnh minh họa. 

“Theo quy định của Bộ, mỗi tuần giáo viên phải dạy đủ 17 giờ trên lớp. Nhưng thực tế giáo viên không chỉ làm việc có 17 giờ mỗi tuần. Giáo dục có đặc thù khác biệt so với ngành khác, không phải cứ làm đủ 17 giờ là nghỉ mà còn tối về còn phải chuẩn bị bài dạy, lên lớp, kiểm tra, chấm bài, làm đủ các loại hồ sơ, sổ sách, giấy tờ, giáo án, sổ chủ nhiệm, sổ họp.

Chưa kể cuối năm phải tính điểm, nhập điểm, vào học bạ, tham dự đủ các cuộc thi từ thiết kế giáo án điện tử, dạy học theo phương pháp mới: tích hợp, liên môn”, cô Loan nói.

Đã từng làm chủ nhiệm lớp, cô giáo Loan nhận định nếu người nào "được" phân công làm giáo viên chủ nhiệm thì số giờ làm việc thực tế không tính được. 

“Học sinh nghỉ học, học sinh vi phạm nội quy,...giáo viên chủ nhiệm đều phải chịu trách nhiệm giải quyết hoăc phối hợp giải quyết. Họ còn vô vàn những công việc không có tên khác phải làm.

Mặt khác, giáo viên phải đối mặt với các cậu ấm cô chiêu, phụ huynh hổ báo, thiếu hiểu biết, đủ thứ áp lực từ phòng giáo dục cho đến sở. Cho nên đừng nghĩ được làm giáo viên chủ nhiệm là có thêm ưu ái và lên lớp 17 giờ mỗi tuần là sướng!”, cô Loan bộc bạch.

* Họ tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu

Với mức lương không bằng lương công nhân đó, nhiều giáo viên phải làm trăm nghề để kiếm sống. Sau giờ giảng dạy là đi bán khoai sắn, chả cả, thậm chí viết bài sale với giá 15.000 đồng/bài. Mời bạn đọc Emdep.vn đón đọc kỳ tiếp theo. 

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Từ A đến Z tuyệt chiêu triệt lông vùng bikini tại nhà đơn giản nhất, hè đến tung tăng đi biển