Người vợ 42 tuổi chỉ khóc ân hận lúc “phê” thuốc và câu nói thắt lòng lúc lâm chung của mẹ già

Thu Hà 2017-09-19 06:50
- Bị ma túy dày vò đến thân tàn ma dại, hai lần đi cai nghiện, chị Thủy Tiên (Hà Nội) quả quyết lần đi cai này, chị sẽ cố trở về làm lại cuộc đời thực sự.

Chỉ khóc vì ân hận trong lúc “phê” thuốc

“Người nghiện ai cũng muốn dứt bỏ thuốc. Nhưng cứ lên cơn là không nghĩ được gì nữa. Những hôm mưa gió, không đi lấy thuốc được tôi chỉ muốn chết quách cho xong. Chân tay bủn rủn, ruột gan như đang có ai cào xé, người yếu đến nỗi con ruồi đậu vào má cũng không buồn đuổi. Những lúc đó, thấy cái chết có lẽ còn sướng hơn lên cơn thế này”, Thủy Tiên đã nói như thế với chúng tôi khi kể về cảm giác lúc lên cơn “vật thuốc”.

Cảm giác kinh khủng đó khiến chị Thủy Tiên hàng ngàn lần muốn bỏ thuốc nhưng cũng là hàng ngàn lần chị không thể bỏ nổi bởi vì chị không đủ bản lĩnh vượt qua nó. Thứ duy nhất người nghiện nghĩ đến trong lúc lên cơn chỉ là ma túy và làm mọi cách để có nó.

42 tuổi vẫn đi cai nghiện, cánh chim tự do rơi nước mắt vì day dứt “giá như ngày ấy không thử ma túy”

Lao động trị liệu là một trong những cách giúp người nghiện đoạn tuyệt ma túy. Ảnh: Thu Hà

“Lúc được “phê” thuốc, người nghiện mới có thể tỉnh táo, suy nghĩ lại mọi thứ. Và tôi thường khóc vì ân hận trong lúc phê”, Tiên chia sẻ.

Biết nếu vẫn còn ở nhà thì không thể cai được nên đến năm 2002, chị chủ động xin đi trại cai nghiện. “Ở nhà, tôi có thể làm đủ trò để bố mẹ thương, thả xích cho đi. Và chỉ cần bước chân ra khỏi cổng là có bạn nghiện đợi sẵn. Nhưng ở trong môi trường cai nghiện thì người nghiện luôn xác định được tư tưởng bỏ thuốc”, Tiên giải thích.

Thấy con gái xin đi cai nghiện, bố mẹ Tiên vui mừng động viên: “Con cứ yên tâm đi cai nghiện. Bố mẹ không bao giờ bỏ con”.

Câu nói thắt lòng lúc lâm chung của mẹ già với con gái nghiện

Vượt qua 15 ngày cắt cơn, chị được đi lao động trị liệu. 5h15 sáng, nghe tiếng đánh kẻng là chị phải dậy vệ sinh cá nhân. 6h lên xưởng làm đồ trang sức mỹ ký. 10h45 về ăn cơm, nghỉ đến 13h45 lên xưởng làm. 17h chiều chị về tắm giặt, nghỉ ngơi.

Ngoài giờ lao động trị liệu, Tiên còn được đi học các lớp chuyên đề về giá trị sống, tái hòa nhập cộng đồng, thể dục thể thao, xem phim, đọc sách báo…

Chị cảm nhận sự động viên của thầy cô, có sự đồng cảm của bạn cai nghiện, không có sự kỳ thị, xa lánh, tất cả khiến người nghiện quên được thuốc. Năm 2003, chị Tiên chính thức chia tay được với ma túy.

“Lần đầu tiên bước ra khỏi cổng trung tâm cai nghiện, tôi thấy mình như cánh chim tự do. Bố mẹ lên đón tôi. Tôi được nhìn thấy giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ. Mẹ đã khóc rất nhiều vì tôi, nhưng tôi biết lần này mẹ khóc vì mẹ hạnh phúc con đã trở về”, chị Thủy Tiên nhớ lại.

Nhưng quãng đường tái hòa nhập với chị khá gian nan, không đơn giản như chị tưởng. Chị Tiên không biết nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào. Chị chỉ biết quanh quẩn ở nhà, phụ bán hàng với bố mẹ. “Bố mẹ chỉ cần con, không cần gì cả”, đó là lời mẹ luôn nói với chị Tiên khi đó.

Rồi chị cũng lấy chồng, sinh con. Bạn đời của chị cũng là một gã giang hồ. Nhưng bố mẹ chồng của chị thì trên cả tuyệt vời. Hai vợ chồng chị chỉ việc bán quán ăn, còn con cái, mọi thứ trong nhà đã có bố mẹ chồng lo.

Những tưởng có cuộc sống hạnh phúc như vậy, chị sẽ quên đi thuốc. Nhưng sau mấy năm, chị lại tái nghiện sau một cái tặc lưỡi, huýt sáo của bạn nghiện. Và chị “bắt sóng”rất nhanh.

Cảm giác mời gọi lại xuất hiện sau mấy năm cai nghiện. Chị bắt nghiện trở lại và khốc liệt hơn lần đầu. Tiền bán hàng ăn được bao nhiêu, chị Tiên đổ cả vào những tép thuốc.

Có những lúc đang bán hàng lên cơn thèm thuốc, chị phải bỏ cửa hàng ăn để vào nhà chơi thuốc. Cánh chim tự do được ra khỏi trại cai nghiện ngày nào dần dần lại bị gãy cánh, quặt quẹo không còn sức sống chỉ vì ma túy.

cai nghiện ma túy

“Mười năm tái nghiện, cuộc sống không có màu xanh, cũng không có màu hồng. Chỉ là vô vị trong cái vòng luẩn quẩn lên cơn là đi tìm thuốc, thuốc vào lại phê. Con cái phó mặc cho bố mẹ chồng chăm. Chỉ những lúc tỉnh táo mới nghĩ đến con, đến bố mẹ”, người phụ nữ này ngậm ngùi.

Người phụ nữ này cũng tâm sự, bố chị đã mất vì bệnh tật. Mẹ chị thì ốm nặng, chết lâm sàng tới 5 ngày nhưng vẫn không về bên kia thế giới được. Bởi bà chờ chị về chỉ để nói một câu: “Mẹ chỉ mong trước khi nhắm mắt, mẹ được nhìn thấy con gái không nghiện”. Nói xong câu đó, bà nhắm mắt ra đi. Bởi thế cho đến tận bây giờ, chưa bao giờ chị thôi day dứt về câu nói lúc lâm chung của mẹ.

Chính câu nói đó là động lực thôi thúc chị trở lại trại cai nghiện. Hiện chị Tiên đang cai nghiện tại Trung tâm chữa bệnh, giáo dục LĐXH số II Hà Nội. Chị được thầy cô trong Trung tâm đánh giá cao về thái độ chấp hành và nghị lực cai nghiện.

Con gái chị Tiên hiện đã 17 tuổi. Bà mẹ này luôn sợ một ngày nào đó, nhỡ con lại đi theo vết xe đổ của chị.

"Cứ nghĩ đến con gái là tôi lại cảm thấy mình bất hiếu với bố mẹ hai bên nội ngoại. Tôi chỉ muốn nói lời xin lỗi với mẹ và quyết tâm làm lại tất cả vì mẹ. Trong giấc mơ hàng đêm, tôi vẫn mơ thấy mẹ về và được ôm mẹ trong giấc mơ", chị ngậm ngùi nói.

Chỉ còn vài tháng nữa, thời hạn cai nghiện của chị Tiên sẽ hết. Cuối năm nay, chị sẽ được trở về tái hòa nhập cộng đồng. Điều chị muốn làm đầu tiên khi trở về là lên mộ tạ lỗi với người mẹ đã quá cố.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Điểm mặt những ngôi sao thành danh khi quyết định Nam tiến