Góc khuất nghề Ông già Noel dưới nước: Ngụp lặn dưới nước 10 độ C, bị cá cắn, rùa đớp... vẫn phải mỉm cười với khách

2017-12-15 09:35
- Việc đóng ông già Neol đi phát quà cho trẻ nhỏ dường như không quá khó khăn với bất kỳ ai. Nhưng việc đóng ông già tuyết để ngụp lặn dưới nước lạnh cả tiếng đồng hồ để mua vui cho khách quan thì không phải ai cũng làm được.

Ngụp lặn dưới nước 10 độ C để làm ông già Noel dưới nước

Cứ vào mỗi dịp Giáng sinh, những nghề như đóng giả ông già Neol đi phát quà cho trẻ nhỏ dường như không quá xa lạ hay khó khăn với bất kỳ ai. Nhưng nghề đóng giả ông già tuyết để ngụp lặn dưới nước lạnh cả tiếng đồng hồ để mua vui cho khách quan thì có lẽ không phải ai cũng làm được. 

Anh Phan Mạnh Hào - HLV dạy bơi chuyên nghiệp tại Phú Thọ cho biết, anh đã từng đảm nhiệm công việc làm ông già Noel dưới nước tại một thủy cung lớn ở Hà Nội.

Khác với vẻ hào nhoáng, nhẹ nhàng, thanh thoát dưới nước mà khách quan nhìn thấy anh và đồng nghiệp trình diễn, công việc đóng vai ông già Noel dưới nước ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm và sự khổ cực.

Góc khuất ít ai biết từ nghề Ông già Noel dưới nước mùa Giáng sinh

Anh Phan Mạnh Hào - HLV dạy bơi chuyên nghiệp từng thực hiện chương trình biểu diễn ông già Noel dưới nước mùa Giáng sinh (Ảnh NVCC)

Anh cho biết, màn biểu diễn ông già Noel dưới nước là một chương trình nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng đến với khu vui chơi giải trí mùa Giáng sinh. Vì anh là quản lý đội thợ lặn của thủy cung, là người "cứng cựa" nhất nên đảm nhiệm công việc làm ông già Noel.

Nghề ông già Noel

Việc làm ông già Noel dưới nước từng là nghề tay trái của anh Hào - một thợ lặn chuyên nghiệp tại một thủy cung lớn ở Hà Nội (Ảnh NVCC)

Nhiều vị khách khi thấy anh trình diễn dưới nước thì chỉ nghĩ rằng hẳn công việc này đối với một người chuyên nghiệp thì "dễ như ăn cháo". Nhưng thực tế, anh và đồng nghiệp phải luyện tập khoảng 2 tuần liên tiếp, vì việc khoác thêm bộ đồ đỏ của ông già tuyết bên ngoài khiến việc di chuyển trong nước rất nặng nề.

Nghề ông già Noel

Hình ảnh ông già Noel bơi lội dưới nước khiến nhiều em nhỏ thích thú nhưng quả thực đây không phải là một công việc dễ dàng

"Khi trình diễn thì chúng tôi phải mặc bộ đồ lặn bên trong và đồ ông già Noel bên ngoài. Vì mỗi show diễn kéo dài cả chục phút nên phải có bình oxy, cả bộ đồ lặn bao gồm bình oxy và dây chì thì nặng khoảng 20kg, bao gồm cả xô đựng cá 10kg nữa là phải tải 30kg khi xuống nước tất cả. Nếu người thợ lặn không có sức khỏe thì thực sự rất khó để có thể trình diễn dước một cách thanh thoát và trơn tru được" - anh Hào bộc bạch.

Bên cạnh việc trình diễn cùng với bộ đồ lặn nặng hàng chục kg, anh Hào và đồng nghiệp còn phải chịu môi trường làm việc có nhiệt độ rất thấp, do trình diễn vào mùa đông nên nhiệt độ trong nước chỉ khoảng 15 - 18 độ C mà thôi.

"Trời mùa đông nên nhiệt độ nước thấp lắm. Có những khi các anh em run đến mức răng đánh vào nhau cầm cập vì mỗi ngày phải ngâm nước khoảng 2 tiếng. Vừa vệ sinh bể xong thì đến show biểu diễn ông già Noel cho cá ăn và show ông già Noel và nàng tiên cá. Show nàng tiên cá do các bạn nữ chịu lạnh kém hơn nên chỉ diễn 10 phút thôi, còn show cho cá ăn thì khoảng 20 - 30 phút" - anh Hào chia sẻ.

Nghề ông già Noel

Ảnh NVCC

Bị cá cắn, rùa đớp... vẫn phải mỉm cười với khách

Những tưởng chỉ cần chịu đựng được cái lạnh và độ nặng của bộ đồ là "ông già Noel" có thể trình diễn trọn vẹn dưới nước, nhưng thực tế, công việc này còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm hơn khi các thợ lặn phải thực hiện những động tác khó dưới nước để thu hút sự chú ý của khách, đôi khi còn phải trả bằng máu.

Anh Hào kể lại: "Những show trình diễn như cho cá ăn hay chơi cùng cá thì không ít lần bị cá cắn, rùa đớp chảy cả máu, vì rùa thủy cung rất nguy hiểm. Dù bị chảy máu nhưng anh em vẫn phải cố gắng để làm khách vui. Chưa kể cá đuối ở thủy cung có gai, nếu sơ ý không cắt gai trên đuôi mà biểu diễn cùng sẽ khá nguy hiểm". 

Biết là nguy hiểm, nhưng vì công việc nên những thợ lặn chuyên nghiệp như anh Hào vẫn phải lao xuống nước, chơi đùa cùng những cón cá tưởng chừng như vô hại để mua vui cho khách. 

Nghề ông già Noel

Việc ngâm nước lạnh nhiều giờ cùng 30kg đồ thực sự gây nhiều khó khăn cho các thợ lặn, chưa kể những nguy hiểm nghề nghiệp rình rập (Ảnh NVCC)

Anh kể, anh em thợ lặn đều cực kỳ vui tính và thoải mái, kể cả phải lặn dưới bể có nhiệt độ thấp như bể cua hoàng đế hay bể cá tầm, cá hồi thì nếu thấy khách đến vẫn sẽ nở nụ cười chào đón và check in cùng khách.

Nói thêm về công việc của mình, anh Hào cho biết, vì áp lực và nguy hiểm nên kĩ năng bơi lặn và sức khỏe của người thợ làm việc ở thủy cung gần như ngang ngửa với đặc công nước. 

"Khi tuyển dụng thợ lặn cho thủy cung, tôi phải kiểm tra thể lực và kĩ năng bơi, huấn luyện cho các anh em 2 tháng để làm quen rồi mới bắt đầu bơi được. Vì công việc ở thủy cung không chỉ là trình diễn mà còn có vệ sinh bể, kiểm tra cá, cho cá ăn...". 

Nghề ông già Noel

Ảnh NVCC

Công việc của người thợ lặn ở thủy cung cũng rất vất vả, ít khi có hôm nào anh Hào làm việc đúng 8 tiếng rồi nghỉ, thường là 10 tiếng, 12 tiếng, thậm chí là trọn một ngày.

"Có hôm thủy cung nhận cá từ Nha Trang hay Hải Phòng về thì tôi phải làm thông 24 tiếng. Hôm đấy mệt quá nhưng vẫn cố đi xe về thế là đâm vào xe ba gác. Sau tai nạn ấy, gia đình muốn tôi nghỉ công việc thợ lặn thủy cung để tập trung cho việc dạy bơi, dù kiếm được ít hơn nhưng an toàn hơn" - anh Hào chia sẻ.

Hiện anh Hào đang mở một bể bơi lắp ghép phổ cập bơi cho các trường tại Lâm Thao, Phú Thọ. Anh cũng chuyển hẳn về đây để được ở gần vợ con và gia đình.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Chuyện showbiz: Á hậu Phương Nhi tựa công chúa tuyết trong bộ ảnh đón Giáng Sinh