Bà nội trợ méo mặt vì giúp việc sau Tết "mất hút" không lên, đòi nghỉ qua rằm tháng Giêng

Trang Lê 2017-02-08 16:04
- Sau Tết, nhiều bà nội trợ đang điên đầu vì giúp việc gia đình bỗng dưng "mất hút" hoặc đòi nghỉ qua rằm tháng Giêng mới lên làm.

Méo mặt vì giúp việc “mất hút” sau Tết

Người giúp việc đang trở thành "nỗi ám ảnh" của nhiều gia đình ở các thành phố lớn đặc biệt là dịp sau  khi nghỉ Tết nguyên đán. Nhiều gia đình khốn đốn tìm gấp người giúp việc vì sau kỳ nghỉ Tết người giúp việc cũng "mất hút" không thấy tăm hơi. Hoặc khi chủ nhà gọi ời ời giúp việc lên làm lại sau Tết, giúp việc cứ hết lần này đến lần khác lấy lý do bận việc gia đình, hội hè, đình đám.

Đang sống quen trong cảnh có người giúp việc đỡ đần việc nhà và chăm sóc con nhỏ, chị Nguyễn Thị Quỳnh (35 tuổi ở Nhổn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bỗng nhiên bị stress. Từ khi bắt đầu đi làm lại sau nghỉ Tết cho đến nay, không hôm nào chị không đến công ty muộn.

Chị Quỳnh than thở: “Nhà tôi có 3 con nhỏ nên không có người giúp việc là cả một vấn đề lớn. Sáng dậy phải lấy quần áo cho đứa lớn 6 tuổi, rồi đứa nhỏ 5 tuổi và một bé trai mới 21 tháng tuổi. Tôi quay ra quay vào lo xong cho 3 con ăn uống, thay quần áo đi học thì đã muộn giờ làm. Chồng tôi là bộ đội nên không về được. Nhà chỉ có 4 mẹ con tự xoay xoả”.

Chị Quỳnh cho biết hơn một tuần nay chị không ngày nào kịp chải đầu trước khi đi làm. Ngày nào chị cũng phải trơ mặt xin phép sếp đến muộn.

Nhà chị Quỳnh có thuê người giúp việc nhưng từ khi về quê nghỉ Tết đến nay vẫn không thấy tăm hơi giúp việc lên làm. Trước đó, biết rằng sau Tết, giúp việc sẽ ngại đi làm lại nên chị đã dùng nhiều chiêu để “nịnh” và giữ giúp việc.

“Trước khi nghỉ Tết, tôi đã trả lương đầy đủ, có thưởng Tết, quần áo mới và ứng trước 1 tháng lương là 4 triệu đồng. Ngoài ra tôi cũng không ngại ngần chi tiền mua quà cáp để cho người làm về quê ăn Tết với gia đình.

Tuy nhiên, mùng 7 Tết không thấy giúp việc lên nên tôi có gọi điện nhưng số máy cũng không liên lạc được. Tôi liền gọi theo số của người giới thiệu thì được biết cô giúp việc xin ở nhà một thời gian giải quyết công việc gia đình. Khi nào xong mà nhà tôi có nhu cầu thuê thì lại làm tiếp như bình thường”.

Chị Quỳnh nghe vậy mà như “sét đánh ngang tai". Bởi vì một mình chị với núi công việc mỗi ngày và 3 đứa trẻ chị đang không biết tính sao. Cực chẳng đã, chị Quỳnh đầu năm đã phải liên hệ đến công ty giúp việc tìm người mới nhưng đều không có người.

Chị em đau đầu vì tìm người giúp việc sau nghỉ Tết

Không có người giúp việc nhiều chị em phải làm núi công việc. Ảnh minh họa

Không có người giúp việc, cuộc sống gia đình chị Quỳnh bị đảo lộn. Con cái nheo nhóc không được chăm chút cẩn thận. Chị thì liên tục nhận được những ánh mắt khó chịu của sếp khi thường xuyên đi làm muộn.

"Tôi đang phải cầu viện tới bà ngoại từ quê lên trông giúp con cái và nhà cửa vài hôm. Chứ cứ đi làm muộn hoài không ổn. Từ giờ đến cuối tháng 2, tôi sẽ phải tìm giúp việc bằng được", chị Quỳnh nói.

Cũng giống nhà chị Quỳnh, Chị Nguyễn Thị Huyền (Đống Đa, Hà Nội) suốt cả tuần nay cũng đang nháo nhào gọi điện nhờ người thân, bạn bè có quen ai thì giới thiệu người giúp việc cho.

Vì gia đình làm kinh doanh, bán hàng tạp hóa nên để có thời gian quản lý cửa hàng chị Huyền phải thuê người giúp việc về chăm sóc cho hai con nhỏ.

Ngoài lương cứng 3,5 triệu đồng, tháng nào chị Huyền cũng chăm lo đời sống tinh thần cho người giúp việc như cùng gia đình đi ăn nhà hàng, xem phim, đi chơi cuối tuần… Tuy nhiên, sau Tết người giúp việc nhà chị Huyền xin nghỉ cả 1 tháng ở nhà với lý do lo đám cưới cho con gái đầu lòng.

Không muốn thay giúp việc khác vì khá ưng với giúp việc cũ nên từ sau Tết, chị Huyền vừa kinh doanh trông hàng vừa chạy vào bếp lo ăn uống cho con.

"Vợ chồng mình hiện nay còn không có thời gian đi uống cà phê, hay đi lễ chùa đầu năm như mọi năm. Cả ngày vợ chồng chỉ có quanh ra quanh vào lo nhà cửa con cái cũng tối tăm mặt mũi", chị Huyền than vãn.

"Hết Tết rồi nhưng vẫn muốn ở nhà đến hết rằm tháng Giêng để đi lễ chùa đầu năm"

Có kinh nghiệm làm giúp việc cho các gia đình lâu năm ở Hà Nội là bác Nguyễn Thị Đ. (60 tuổi, quê Yên Bái). Năm nay ngày 28 Tết, bác Đ. cũng được chủ nhà cho về nghỉ Tết đúng như lịch của các công nhân viên chức nhà nước.

Khi về quê bác Đ. được chủ nhà ứng trước cho hơn 3 triệu tiền lương, cộng với tiền công lao động tháng cuối của năm và 1 triệu tiền mừng tuổi. Cầm trong tay khoảng 10 triệu đồng, đối với một người lao động ở quê như bác là đủ lo cho một cái Tết to và ấm áp.

Tuy nhiên không hiểu vì sao dù đến hôm nay đã hết Tết, nhưng bác Đ. vẫn chưa muốn lên thành phố làm lại. Chưa kể, con cái, cháu chắt của bác cứ bảo bác ở nhà thêm 1 thời gian nữa, cúng xong rằm tháng Giêng mới ra. Bởi thế bác cũng mạnh dạn gọi điện cho chủ nhà xin nghỉ Tết thêm. Dù chủ nhà không đồng ý và động viên bác ra làm sớm nhưng bác vẫn chưa muốn đi.

người giúp việc

Bác trần tình: "Biết họ cũng rất sốt ruột khi người giúp việc lâu lên lại sau Tết nhưng bác cũng muốn đi chùa cùng mấy người bạn già. Cả năm làm quần quật rồi cũng muốn nghỉ ngơi rồi xuống Hà Nội làm tiếp".

Dù quả quyết sẽ qua 15 tháng Giêng mới đi làm nhưng vì nhận trước tiền lương của chủ nhà nên bác Đ. không biết mở lời nói chuyện với gia đình chủ nhà thế nào cho phải. "Nghỉ như thế này, bác cũng thương hai đứa bé không có người chăm tử tế… Nhưng, Tết xong thật sự chẳng muốn ra làm sớm", bác Đ. than ngắn thở dài.

Ngoài trường hợp của bác Đ. cũng có rất nhiều người giúp việc sau Tết không muốn đi làm vì nhiều lý do khác nhau, như muốn thay đổi môi trường làm việc, muốn nghỉ vì có việc riêng, hoặc do chủ nhà khó tính mà Tết xong muốn tranh thủ xin nghỉ luôn…

 Trang Lê

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Chốt thời gian nghỉ Tết của học sinh Hà Nội