Cách chăm sóc “cậu nhỏ” sau CẮT BAO QUY ĐẦU để không làm mất khả năng “đàn ông” của con trong tương lai

Thu Hà 2018-06-13 19:16
- Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, chuyên khoa Ngoại – Tiết niệu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) khẳng định, dù cắt bao quy đầu là tiểu phẫu nhưng vết thương ở khu vực “nhạy cảm” nên cần phải đặc biệt lưu ý cách chăm sóc trẻ để tránh biến chứng.

Rất hiếm trẻ phải cắt bao quy đầu

Năm nay, con trai chị Lê Thu Thủy (Q. Hà Đông, Hà Nội) lên 3 tuổi. Cậu bé trắng trẻo, bụ bẫm, ai nhìn cũng chỉ muốn “cấu má” vì trông rất đáng yêu. Thế nhưng trong lòng chị Thủy luôn cảm thấy lo lắng không yên vì con có biểu hiện hẹp bao quy đầu.

Chị không thể lộn da quy đầu mỗi khi chị tắm rửa cho con. Chị Thủy nung nấu ý định cho con đi làm tiểu phẫu cắt bao quy đầu vì nghe nói “tật” này sẽ gây ảnh hưởng sinh lý về sau. 

Tuy nhiên, chị cũng lo lắng không biết phải chăm sóc con thế nào sau khi tiểu phẫu để con bớt đau, bớt sợ hãi. 

Cách CHĂM SÓC “cậu nhỏ” sau cắt bao quy đầu để không làm mất khả năng “đàn ông” của con trong tương lai

Trẻ bị hẹp bao quy đầu là nỗi lo của bố mẹ. Tuy nhiên, rất hiếm trẻ phải chỉ định cắt bao quy đầu. Ảnh minh họa. 

Trong quá trình khám và điều trị, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, chuyên khoa Ngoại – Tiết niệu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) gặp không ít trường hợp như thế.

Theo bác sĩ Đình Liên, hẹp bao quy đầu là tình trạng bao da của quy đầu dương vật không thể lộn được về phía gốc dương vật hoàn toàn hoặc chỉ lộn được một phần của bao quy đầu. Nguyên nhân do bẩm sinh lỗ bao quy đầu nhỏ hẹp hoặc do mắc phải bệnh lý như nhiễm trùng tiết niệu, viêm dính do cặn nước tiểu.

Chẩn đoán hẹp bao quy đầu hoàn toàn dựa vào khám lâm sàng. Khi đi tiểu người bệnh có biểu hiện bao quy đầu phồng to lên, tia nước tiểu phụ mạnh và xa.

“Với trẻ còn nhỏ, chỉ cần nong tách miệng bao quy đầu theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Rất ít trường hợp phải tiến hành chích rạch, cắt bao quy đầu. Ở tuổi thiếu niên, trưởng thành mới có thể tiến hành cắt, chích rạch vòng xơ bao quy đầu. Thủ thuật nong tách bao quy đầu được chỉ định khi bệnh nhân bị viêm dính bao quy đầu, nhiễm khuẩn tiết niệu, dự phòng các biến chứng của hẹp bao quy đầu và tạo thuận lợi cho chăm sóc cơ quan sinh dục”, Bác sĩ Đình Liên cho biết.

Do đó, khi nghi ngờ con trai có dấu hiệu hẹp bao quy đầu, cha mẹ cần đưa con đến các bệnh viện uy tín để được khám và điều trị đúng cách. Tuyệt đối không được tự ý nong tách, chữa “mẹo” mà đánh mất khả năng “đàn ông” của con trong tương lai.

Các bước chăm sóc sau tiểu phẫu để tránh biến chứng

Bác sĩ Đình Liên khẳng định dù là tiểu phẫu nhưng dương vật là vùng rất nhạy cảm về chức năng sinh lý tình dục, sinh lý tiểu tiện, tinh thần và tâm lý của bệnh nhân cho nên cần phải có chế độ chăm sóc chặt chẽ, cẩn thận để hạn chế các tai biến, biến chứng trong và sau cắt bao quy đầu.

“Các biến chứng có thể gặp đó là rách bao quy đầu, tổn thương miệng sáo, viêm nhiễm, xơ hẹp bao quy đầu, thắt nghẹt bao quy đầu gây đau đớn, thậm chí hoại tử da rất nguy hiểm”, Bác sĩ Đình Liên cảnh báo.  

Cách CHĂM SÓC “cậu nhỏ” sau cắt bao quy đầu để không làm mất khả năng “đàn ông” của con trong tương lai

Sau tiểu phẫu cắt bao quy đầu, bố mẹ cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa trong việc chăm sóc trẻ để tránh biến chứng đáng tiếc. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Đình Liên tư vấn cha mẹ cần nắm vững các bước chăm sóc nếu con buộc phải cắt bao quy đầu để con nhanh chóng phục hồi như sau.

Đầu tiên, cha mẹ cần được tư vấn đầy đủ về các biến chứng trong và sau khi cắt hẹp bao quy đầu rồi sau đó làm thủ tục cam kết tiểu phẫu. Khi thực hiện thủ thuật cần giảm đau tại chỗ tốt cho trẻ, bố mẹ và nhân viên y tế cần giữ trẻ tốt.

Sau khi cắt, người bệnh được điều trị bằng kháng sinh đường uống, chống viêm giảm đau, giảm phù nề, chống cương cứng dương vật.

Hai tuần đầu tiên sau khi cắt bao quy đầu là mốc thời gian người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ việc chăm sóc, tái khám với bác sĩ chuyên khoa.

Cụ thể người bệnh cần được thay băng vào ngày thứ hai sau khi cắt. Khi tháo gạc, băng cần có nước vô khuẩn bơm vào để chống dính vào vết mổ và giảm đau tối đa.

Thay băng sao cho phần da bao quy đầu còn lại được lộn ra hết, vuốt ngược về phía gốc dương vật rồi dùng gạc mềm băng tròn theo chu vi, để lộ quy đầu ra phía trước.

Trong 3 – 4 ngày đầu, người bệnh nên hạn chế tắm toàn thân, chỉ lau người, trừ dương vật để tránh nước thấm vào vết mổ. Bên cạnh đó, người bệnh cần được hướng dẫn đi tiểu đúng cách để tránh nước tiểu đọng vào vết mổ; mặc quần áo thoáng mát để hạn chế đau, đụng chạm vào “cậu nhỏ”.

Tái khám sau 3 – 4 ngày đều thay băng, kiểm tra vết mổ.

Cắt chỉ vào ngày 7 – 10 sau tiểu phẫu. Bác sĩ đánh giá kiểm tra lại bao quy đầu mới về độ rộng, cân xứng, màu sắc, sẹo và đặc biệt là miệng sáo có viêm dính, hẹp không để xử lý kịp thời. Sau 3 – 4 tuần, dương vật sẽ hồi phục hoàn toàn.

 Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 cô nàng hoàng đạo là mẫu người vợ lý tưởng trong mắt cánh mày râu