Ốc bươu: Ăn khoái khẩu nhưng quên điều này... có thể tử vong

2016-12-20 17:13
- PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cảnh báo, khi ăn ốc bươu vàng phải chế biến rất kỹ bỏ phần dạ dày và thực quản do chứa nhiều loại ký sinh trùng.

Viêm màng não do ăn ốc bươu vàng sống

Cách đây không lâu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã tiếp nhận và điều trị cho 4 em nhỏ bị viêm màng não do ăn ốc bươu vàng sống. 4 em nhỏ nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn mửa và nhức đầu. Các bác sĩ chẩn đoán cả 4 em bị viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng. Nhờ được cấp cứu và điều trị kịp thời sau một tuần sức khỏe của các em đã ổn định.

Trước đó vào năm 2008 tại thị xã Tân An, tỉnh Long An đã có một người bị tử vong vì ăn ốc bươu vàng sống do nhiễm độc quá nặng.

Cho trẻ ăn ốc, trai, hến không khác gì đầu độc

Ốc bươu vàng không có độc tố nhưng dễ bị nhiễm hóa chất trên độc ruộng gây ra ngộ độc.

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, bản thân các loại nhuyễn thể một mảnh vỏ (ốc), hai mảnh vỏ (hến, trai) đều bị nhiễm ký sinh trùng.

Những loại ốc bò lê dưới đất như ốc sên, ốc bươu vàng vẫn được nhiều người dùng để ăn. Nếu nấu kỹ thường rất dai nên không ít người nấu chưa chín kỹ để ăn mềm, dòn. Tuy nhiên, ốc không được nấu chín kỹ khiến ký sinh trùng đi vào cơ thể dễ dàng gây bệnh.

Các loại trứng giun, sán, thậm chí vi sinh vật phát triển trong cơ thể rất dễ gây bệnh. Ấu trùng đi vào cơ thể xuyên qua thành ruột di chuyển lên não và tủy sống gây ra viêm màng não, lên mắt gây giảm thị lực, gây mù lòa…

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Trên thực tế, các loại ký sinh trùng có trong ốc bươu vàng chỉ gây ra bệnh chứ không gây ra ngộ độc và chết ngay tức khắc. Khi ăn ốc bươu vàng phải chế biến rất kỹ bỏ phần dạ dày và thực quản. Đây là phần có nhân tròn màu hồng ở giữa đầu của ốc do chứa nhiều loại ký sinh trùng tồn tại".

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho hay, ốc bươu vàng không chứa độc tố, nhưng chúng được xếp vào nhóm sinh vật ngoại lai gây hại cho mùa màng. Vì vậy, chúng thường bị người nông dân dùng hóa chất để tiêu diệt nên rất dễ ngấm các độc tố.

“Ốc bươu vàng sống trên đồng ruộng bị phun đủ mọi loại thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc diệt côn trùng… nên khi ăn có thể bị ngộ độc cấp, ngộ độc nặng có thể gây chết người”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh nói.

Không cho trẻ nhỏ ăn các loại ốc, trai, hến sống ở tầng đáy

Một số các loại ốc, trai, hến sống ở tầng đáy khi ăn không chỉ có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng mà còn nhiễm độc kim loại nặng.

Khi khảo sát mức độ an toàn của môi trường, các nhà môi trường học thường lấy sinh vật đáy (ốc, hến, trai) như là chất chỉ thị để đánh giá sự an toàn của môi trường. Những loại ốc, hến, trai sống ở tầng đáy và thức ăn của chúng là bùn đất bẩn.

ốc bươu vàng

Ăn cháo trai, hến có nguy cơ nhiễm kim loại nặng.

“Những loài động vật nhuyễn thể, ốc, hến, trai được xếp vào loại độc nhất, vì nó sống ở tầng đáy ăn những thứ bẩn. Khi chúng ta luộc vẫn còn nguyên bùn đất trong bụng. Nếu sơ chế hay làm không sạch đối diện nguy cơ nhiễm kim loại nặng rất cao”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, người có sở thích ăn các loại cháo trai, cháo hến cần phải bỏ ngay vì phần lớn hến, trai hiện nay đều bị nhiễm kim loại nặng.

“Nhiều gia đình thường xuyên cho con ăn cháo trai, hến do nghĩ tốt cho sức khỏe cần phải bỏ ngay. Trẻ nhỏ ăn các loại ốc, trai hến có nguy cơ tích lũy độc tố và nguy hiểm tới tính mạng”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh nói.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

20 lý do hài hước khiến chàng F.A