Thai nhi 25 tuần tuổi - cơ thể bé bắt đầu tích mỡ

Nguyên Ân 2015-08-15 11:52
- Thai nhi 25 tuần tuổi đã dài khoảng 34cm và nặng chừng 680gr, cơ thể bắt đầu tích mỡ khiến làn da "nhăn nheo" căng dần lên...

Ở tuần thứ 24, bé đã dài khoảng 30cm và nặng chừng 600gr. Não bộ và các gai vị giác phát triển nhanh chóng, các nhánh hô hấp hình thành... Hãy xem tuần thứ 25, em bé phát triển như thế nào nhé!

Thai nhi 25 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Trong tuần 25 này, bé đã dài khoảng 34cm và nặng khoảng 680gr. Bé không còn gầy nữa mà cơ thể đã bắt đầu tích mỡ khiến làn da "nhăn nheo" dần căng lên; lúc này, bé trông giống trẻ sơ sinh hơn rồi. Tóc bé cũng đã mọc nhiều hơn, nếu có thể nhìn thấy con trong bụng, mẹ chắc hẳn sẽ phát hiện được màu sắc và dạng tóc trong giai đoạn này.

Thai nhi 25 tuần tuổi - cơ thể bé bắt đầu tích mỡ
Thai nhi 25 tuần tuổi đã dài khoảng 34cm và nặng chừng 680gr. (Ảnh minh họa)

Những thay đổi trên cơ thể mẹ

Không chỉ bé yêu mọc thêm rất nhiều tóc mỗi ngày, mẹ cũng vậy! Tóc của mẹ sẽ dày lên và bóng mượt hơn bao giờ hết. Thực tế, tóc của mẹ không mọc thêm mà do sự thay đổi hoóc-môn trong cơ thể khiến tóc ít rụng hơn bình thường. Mẹ hãy tận hưởng mái tóc dày óng ả này đi nhé vì sau khi sinh, tóc sẽ rụng như trút cho mà xem!

Mẹ cũng sẽ cảm thấy mỗi bước di chuyển dần trở nên nặng nề hơn. Nếu bác sĩ không có bất kì cảnh báo gì về việc tập luyện thì mẹ vẫn nên tiếp tục việc tập luyện của mình mỗi ngày. Mẹ nên nhớ rằng, đừng quá gắng sức làm việc hay tập luyện khi mẹ thấy mệt mỏi, đau đớn, hoa mắt, chóng mặt hay khó thở. Mẹ không nên nằm ngửa và tránh những môn thể thao có va chạm cũng như bất kì bài tập nào khiến mẹ dễ mất thăng bằng. Một điều quan trọng nữa là mẹ đừng quên uống nhiều nước mỗi ngày.

Khi tiến hành kiểm tra đường huyết vào tuần 24 đến 28 của thai kì, bác sĩ có thể lấy thêm một ống máu để xét nghiệm xem liệu mẹ có bị thiếu máu hay không. Nếu xét nghiệm máu cho thấy mẹ bị thiếu sắt, bác sĩ sẽ khuyên mẹ nên bổ sung thêm sắt cho cơ thể.

Mẹ đã bắt đầu chọn tên cho con chưa? Chọn tên cho con là một trong những quyết định rất quan trọng. Mẹ nên xem xét tiểu sử gia đình, các địa danh ưa thích hoặc các nhân vật tiểu thuyết, một bộ phim yêu thích,... Mẹ cũng có thể tham khảo những cái tên ý nghĩa cho bé tại đây nhé!

Thai nhi 25 tuần tuổi - cơ thể bé bắt đầu tích mỡ
Thai nhi 25 tuần tuổi là lúc mẹ nên bắt đầu nghĩ đến chuyện đặt tên cho con. (Ảnh minh họa)

Bao lâu thì mẹ nên gặp bác sĩ để kiểm tra?

Từ khi thai nhi 25 tuần tuổi đến 36 tuần, mẹ nên đi gặp bác sĩ 2 tuần một lần. Trước ngày dự kiến sinh một tháng, nên gặp bác sĩ 1 tuần 1 lần.

Mẹ hãy theo dõi tình trạng thể chất và tinh thần của mình, làm theo những gì bác sĩ căn dặn ở lần khám trước. Nếu đang gặp bất cứ vấn đề gì bất thường, chẳng hạn những cơn co thắt, chảy máu âm đạo, cảm giác lo lắng hay chán nản,... hãy cho bác sĩ biết để tìm cách giải quyết tốt nhất.

Mẹ cũng đừng quên nói ngay với bác sĩ nếu thấy những chuyển động của bé khác thường (nhiều, ít hoặc ngừng chuyển động). Ngoài ra, kiểm tra cân nặng và xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu của chứng tiền sản giật, nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiều bệnh thai kì khác. Đo huyết áp, kiểm tra mắt cá chân, bàn tay và độ phù của mặt cũng là những hoạt động cần thiết. Bác sĩ còn kiểm tra nhịp tim của bé và kiểm tra bụng mẹ để ước tính được kích thước và vị trí của thai nhi. Mẹ sẽ được đo khoảng cách giữa xương mu và chóp tử cung để xem tốc độ tăng trưởng của bé có bình thường hay không.

Mẹ có thể phải đối mặt với những bài kiểm tra nào?

- Xét nghiệm máu: xét nghiệm này thường được lặp đi lặp lại trong quý 3 này. Nhưng nếu mẹ đã xét nghiệm máu và kết quả bình thường thì mẹ có thể bỏ qua xét nghiệm máu ở những lần kiểm tra sau.

- Kiểm tra bệnh tiểu đường khi mang thai: Nếu mẹ đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc glucose và thấy kết quả bình thường thì mẹ không nên lo lắng quá nhiều. Nhưng nếu kết quả xét nghiệm cho thấy dấu hiệu bất thường hoặc mẹ vẫn chưa tiến hành xét nghiệm này thì mẹ nên kiểm tra ngay tuần này.

Kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục: bác sĩ sẽ kiểm tra xem liệu bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến đường tình dục như lậu, giang mai hay HIV không?

Những việc nên làm trong tuần

Tranh thủ nghỉ ngơi, thư giãn và dành nhiều thời gian bên ông xã nhất có thể để vừa được chăm sóc, vừa "níu" lại những khoảng thời gian riêng tư bên nhau trước khi bé chào đời. Mẹ đừng quên tìm hiểu chế độ dinh dưỡng cho bà bầu giai đoạn này, cũng như các phương pháp chăm sóc sức khỏe cần thiết. Bàn bạc về cách đặt tên cho bé cũng sẽ mang lại cho mẹ những giây phút thật thú vị.

Clip: Sự phát triển của thai nhi 25 tuần tuổi. (Youtube)

Minh Phương (BBC)
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hoạt động cả ngày dài với kem chống nắng nâng tone tiện lợi - mỏng nhẹ - hiệu quả