Trường Đại học không dạy ta điều gì?

2015-04-08 05:28
- ​Những điều dưới đây sẽ khiến bạn thấy bản thân mình bị “bỏ sót” quá nhiều kỹ năng cần phải có trong cuộc sống…

Muốn đúng, hãy làm sai!

Bạn sẽ không bao giờ được nghe chân lý này khi bạn ngồi trên giảng đường. Tất cả các bộ môn trong giáo trình giảng dạy đều phải có những đáp số chính xác. Vậy nếu bạn không đưa ra đáp số đúng? Tức là bạn sai.

Khi bạn va vấp với cuộc sống sau Đại học, bạn nghĩ mọi thứ đều phải có “đáp số” đúng như khi bạn ngồi trên ghế nhà trường phải không? Và kết quả là gì? Có những điều bạn cố gắng hết sức nhưng vẫn không đạt kết quả như một “đáp số” đúng! Vậy là, những điều mà bạn tưởng là đúng, là chân lý như 1+1= 2 thì khi va chạm với thực tế, những “quy chuẩn” riêng của cuộc sống lại phá vỡ tất cả.

Phải làm sao để mọi thứ “đúng chuẩn” theo suy nghĩ của mình? Bạn đừng cố tỏ ra hoàn hảo, hãy làm sai rồi bạn sẽ nhận ra đâu là việc bạn nên và không nên mắc phải.

Đừng khao khát thành tựu của người khác, hãy biết yêu chính mình!

Trường Đại học luôn là môi trường để bạn “học cách” ngưỡng mộ một thần tượng nào đó: ở trường công nghệ thì Steve Job luôn là “idol” trong lòng sinh viên, trường kinh doanh thì sẽ là ông hoàng Bill Gate, trường nghệ thuật thường có đáp số là Trương Nghệ Mưu, James Cameron…

Những bài học về câu chuyện thành công của những người tài luôn là một động lực to lớn để thổi nhiệt huyết cho những người trẻ đang học cách khởi nghiệp. Việc bạn ngưỡng mộ họ, thần tượng và muốn trở thành họ là một việc hoàn toàn bình thường, nhưng sẽ là “bất thường” nếu như bạn cố gắng để trở thành “vĩ đại” như họ bằng mọi giá nếu như tài năng và may mắn chưa đến với bạn.

Xin khẳng định rằng, cuộc sống luôn là một hình tam giác đều, nếu có đỉnh thì hẳn sẽ có đáy. Vấn đề là sẽ có bao nhiêu đỉnh? Chỉ có một Bill Gates, một Steve Job, một Barack Obama…nhưng chúng ta thì có hàng tỷ người. Chúng ta đừng quá cố gắng để trở thành một ai đó, hãy cố gắng chiến đấu với những thói xấu của bản thân mỗi ngày, vượt lên chính mình mới là chiến thắng vinh quang nhất.

Kỹ năng mềm là gì?

Kĩ năng mềm bao gồm các khả năng liên quan đến chỉ số cảm xúc (EQ) như: kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng đối thoại, kỹ năng nghe nói đọc viết ghi nhớ, kỹ năng đàm phán…ở các trường đại học trong nước, phần kỹ năng mềm thường không được chú trọng, thay vào đó là các bộ môn nặng về lý thuyết. Những cá nhân sở hữu kỹ năng mềm ngay từ khi học đại học đều là những nhân tố “bản năng” được rèn rũa từ khi còn là học sinh phổ thông hoạt động Đoàn - Hội - Đội là chủ yếu.

EQ hay IQ chiến thắng?

Trường đại học sẽ dạy bạn: Người có IQ sẽ là số một, nhưng với “trường đời” người nào sở hữu EQ mới là người chiến thắng. Một người thành công trong cuộc sống ngoài trí thông minh ra thì còn cần rất nhiều yếu tố quan trọng khác: Biết nắm bắt cảm xúc, khả năng lãnh đạo, khả năng logic, dám thất bại…Nếu bạn tốt nghiệp bằng giỏi mà bạn vẫn không tìm được việc làm thì bạn biết lý do vì sao rồi chứ?

Tiến lên là tốt, nhưng hạnh phúc không phải là đích đến!

Trường đại học sẽ là môi trường tốt để bạn ganh đua với các sinh viên khác nhằm giành những suất học bổng hay đơn giản là vị trí trong một bảng xếp hạng nào đó. Việc đó thật sự kích thích bạn, nó khiến những người có chí phấn đấu luôn mang tinh thần đó đến với công việc. Bạn sẽ luôn cố gắng, cố gắng, và cố gắng. Vì bạn nghĩ nếu bạn cố gắng có được mọi thứ thì đó mới là hạnh phúc!

Đôi khi, những thứ bạn giành được chưa hẳn là hạnh phúc! Hạnh phúc thực sự không phải là đích đến như một cuộc đua, nó nằm ngay trên con đường bạn đi, những quãng nghỉ trong cuộc đời, mọi thứ nhỏ bé xung quanh bạn. Hạnh phúc luôn là hành trình, chưa bao giờ là đích đến!

Hành vi quyết định tính cách, không phải hình thức bên ngoài!

Bạn luôn được dạy “Trông mặt mà bắt hình dong” rằng hình thức bên ngoài quyết định “nội dung” một con người? Đúng, nhưng không phải là tất cả. Rất nhiều người tướng mạo và tính cách hoàn toàn “không liên quan” đến nhau, vậy điều mà bạn cần làm là gì? Hãy phân tích bằng lý trí, không phải bằng con tim.

Năng lực luôn là “cán cân” công lý!

Ở trường đại học, có rất nhiều sinh viên giỏi toàn diện khiến bạn phải ngưỡng mộ và muốn học hỏi bí quyết tại sao họ có thể học giỏi các môn trong khi bạn “lệch tủ” hoàn toàn?

Bạn không nhất thiết phải thắc mắc, hãy cứ tập trung vào đam mê của riêng bạn với bộ môn bạn yêu thích và tự tin nhất. Với môi trường công sở, nhà tuyển dụng sẽ chỉ tuyển những ứng viên có năng lực tốt nhất ở một lĩnh vực chuyên sâu chứ không phải một sinh viên “nhớ” giỏi toàn diện.

Hãy quên những gì bạn đã từng được học!

Bạn nghi ngờ ư? Trên thực tế các bộ môn bạn học từ trong trường Đại học đều không thể phục vụ cho công việc hiện tại của mình. Tất cả những đơn vị tuyển dụng khi tuyển nhân sự đều phải mất thời gian đào tạo (ít nhất là 2 tháng thử việc) để nhân sự tiếp quản và bắt nhịp với công việc.

Kiến thức trong trường Đại học luôn là kiến thức “nền” để bạn tự tin trong việc ứng tuyển hoặc làm việc, nhưng trên thực tế bạn sẽ phải học thêm rất nhiều các kỹ năng khác để hoàn thiện bản thân.

Vì thế, hãy quên những gì bạn được học và tiếp tục tiếp thu những điều mới mẻ trong công việc và cuộc sống mỗi ngày, bắt đầu ngay từ bây giờ!

 

Diệu Quỳnh
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Mọi chuyện sẽ ổn thôi, cô gái ạ!