Những kiểu người này dễ bị đào thải chốn công sở

2016-05-15 07:00
- “Cuộc sống nếu bạn không tiến lên thì sẽ thụt lùi” câu nói này càng chân thực ngay trong thời đại hội nhập hiện nay. Nếu giữ mãi tư tưởng sau, bạn sẽ khó tránh bị đào thải.

Có thể trước đây, chỉ cần biết một nghề nào đó, chăm chỉ làm việc ở một cơ quan nào đó thì bạn có thể yên tâm “sống qua ngày” đến hết đời. Nhưng xã hội bây giờ cần ở bạn nhiều hơn thế, nhịp sống nhanh và sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật đòi hỏi bạn phải thay đổi, tiến bộ. Bạn có đang vướng phải những nguy cơ sẽ bị đào thải?

Những người dễ bị đào thải trong xã hội hiện đại

Người giữ mãi những tri thức cũ

Ngày nay, tốc độ cập nhật tri thức càng ngày càng nhanh, chu kỳ tăng tiến của lượng tri thức càng ngày càng rút ngắn lại. Thập niên 60 của thế kỷ XX, chu kỳ này là 8 năm, đến thập niên 70 đã giảm còn 6 năm, và đến thập niên 80 thì chỉ còn 3 năm, từ sau thập niên 90 thì cứ một năm tăng trưởng gấp một lần. Con người đang thực sự bước vào thời đại bùng nổ tri thức.
Sống trong thời đại này, bất kỳ người nào cũng phải không ngừng học tập, cập nhật tri thức, nếu bạn chỉ muốn dựa vào những tri thức có được trên ghế nhà trường để “ứng phó” với cả một đời thì hoàn toàn không thể được. Trước đây, chúng ta lý giải cho “giáo dục trọn đời” chính là một người từ lúc bắt đầu đi học cho đến tuổi về hưu phải luôn tiếp nhận sự giáo dục; song hiện tại, khái niệm này cần phải được định nghĩa lại, “giáo dục trọn đời” phải tiến hành xuyên suốt từ lúc con người còn nằm trong nôi cho đến khi “trở về cát bụi”. Chính vì vậy, trong xã hội hiện nay, nếu bạn chỉ biết ôm những khái niệm còn bảo thủ và khiếm khuyết, chỉ biết giữ những tri thức cũ kỹ không chịu đổi mới thì bạn sẽ là người gặp nhiều phiền phức trong công việc, tiền đồ sự nghiệp của mình đấy.

Người chỉ có kỹ năng đơn nhất

Một người chỉ biết làm một công việc duy nhất, nếu thay đổi cương vị khác thì hoàn toàn “mù tịt” thì sau khi bước vào thời kỳ hội nhập sẽ không thể sống một cuộc sống thật tốt được. Cùng với sự hội nhập, cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Tìm việc - nghỉ việc - rồi lại tìm việc - rồi lại nghỉ việc đã trở thành chuyện không hiếm thấy nữa. Nếu muốn tránh tình trạng trở thành “vật sơ cua” ở nơi làm việc, cách duy nhất là bạn phải học thông thạo nhiều hơn một nghề và kỹ năng phải càng phong phú hơn. Chỉ có như vậy, bạn mới không lâm vào cảnh “bị treo chết trên một cành cây”, cho dù có mất việc trong lòng cũng không hoảng loạn bởi vì bạn hoàn toàn có thể tìm được cơ hội khác. Nếu như nói, trong tương lai, những kiểu người “đa năng” sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt, còn người chỉ chuyên một kỹ năng sẽ bị lạnh nhạt dần cũng không có gì lạ, đây cũng là chuyện tất yếu trong thời hội nhập này. 

 

 

Những người dễ bị đào thải trong xã hội hiện đại

Người có chỉ số EQ thấp

Chỉ số EQ thể hiện bản lĩnh xử sự của một cá nhân, nó được phản ánh trong từng biểu hiện đối nhân xử thế của con người. Trong xã hội tương lai, không chỉ phải biết làm việc, mà còn cần phải biết làm người. Người có chỉ số EQ cao, làm chuyện gì cũng thỏa đáng, minh mẫn nhanh nhạy, ai gặp cũng yêu mến. Ngược lại, người có chỉ số EQ thấp, nếu không phải là “không hòa đồng” thì cũng “khiến người ta chán ghét”. Đây thật sự là vấn đề phiền phức đấy! hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài truyền nhau một câu nói đại khái là: “Dựa vào EQ để được nhận vào, dựa vào EQ để được cất nhắc”. Khi đã bước vào một đơn vị, có thể làm việc thuận lợi hay không, sự nghiệp có thành tựu hay khong thì chỉ số EQ là một trong những nhân tố then chốt. Vì vậy, nếu bạn không muốn tương lai mình chỉ giậm chân tại chỗ, thậm chí là thụt lùi thì song song với việc nâng cao năng lực, còn phải không ngừng bồi dưỡng EQ của mình, nếu không cho dù bạn có kỹ năng đầy mình cũng khó tránh gặp rào cản.

Người có tâm lý yếu đuối    

Gặp một chút khó khăn đã lùi bước, có một chút không thuận lợi thì tinh thần xuống dốc thảm hại, những người như thế chắc chắn sẽ có những ngày tháng tồi tệ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Do nhịp sống ngày càng nhanh, áp lực cạnh tranh càng lớn, người có trở ngại tâm lý hoặc bệnh tâm lý dần dần tăng lên. Tinh thần khẩn trương, tâm lý yếu đuối đã trở thành “căn bệnh hiện đại” trong cuộc sống đô thị. Vì vậy, bất luận là bạn đang làm việc hay đang tìm việc cũng phải tự rèn năng lực chịu đựng tâm lý mạnh mẽ hơn, nâng cao “sức đề kháng” của mình. Sống trong xã hội hiện nay, nếu không có một sức mạnh không chịu thua, không có một sức bền không sợ khó thì quả là không thể nào tồn tại vững chãi được.

Người có tầm nhìn ngắn

Tầm nhìn ngắn khó mà thành đại sự, cũng như một câu nói rất hay: “Bạn có thể nhìn được bao xa thì bạn sẽ có thể đi được bao xa”. Sự trưởng thành của một tổ chức cần phải quy hoạch; sự trưởng thành của một con người cần phải thiết kế. Người có “thiết kế” cho cuộc sinh nhai của mình trong tương lai ắt thành công và ngược lại, nếu cứ sống với tâm thế “được ngày nào hay ngày nấy”, “chỗ nào sống được thì sống”, chỉ nhìn thấy mảnh đất nhỏ ngay dưới mũi của mình thì bạn đừng trông mong vào một chút thành tựu nào ngày sau cả.

Những kiểu người này dễ bị đào thải chốn công sở

6. Người có phản ứng trì trệ

Trì trệ thì sẽ dẫn đến trì hoãn, lạc hậu thì phải bị đào thải. Nếu như trước đây, “cá lớn nuốt cá bé” thì bây giờ phải nói là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Sau khi hội nhập, một người nếu tư duy không nhanh nhạy, phản ứng không tốc độ, cứ khư khư giữ thành kiến và luôn cầu an phận thì sớm muộn cũng bị xã hội “hất” sang một bên mà thôi.

7. Người chỉ biết "đơn đả độc đấu"

Hiện thực “khoa học giao nhau, tri thức dung hợp, kỹ thuật hội tụ” đã nói với chúng ta rằng, trong vòng tuần hoàn lớn của nền kinh tế quốc tế hiện nay thì thời đại “đơn đả độc đấu” của một cá nhân đã qua rồi, tác dụng của cá nhân không còn đứng hàng đầu nữa mà tác dụng của tập thể đang được nâng lên. Muốn làm nên sự nghiệp, chỉ dựa vào cá nhân hay thiểu số thì không thể nào, cần phải có một đội ngũ, một tổ chức, cần có sự phấn đấu chung của một tập thể, sự giao lưu tiếp xúc trí tuệ của nhiều người và sự hợp tác cả đoàn thể.

8. Người không biết học tập

Có những người tuy cũng muốn học tập nhưng lại không biết phương pháp học. Những người này sẽ chịu thiệt thòi trong thời hội nhập này. Ngày nay, sự khác biệt giữa người với người chính là sự khác biệt về năng lực học tập. Trước đây chúng ta gọi người không biết chữ là mù chữ, nhưng tương lai phải đổi lại một chút, “mù chữ” chính là người muốn học nhưng không biết cách học. Vì vậy, nếu bạn chỉ học theo quán tính thì cũng không khác nào người mù chữ cả, trước khi muốn tiếp thu tri thức, hãy tìm cho mình phương pháp trước đã.    


Nguyệt Quế

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 5 cô nàng khó cưa đổ nhất trong 12 con giáp