Nấm âm đạo khi mang thai: Đây là nguy cơ có thể xảy ra nếu trở nặng, mẹ bầu phải biết

2017-03-08 14:06
- Nấm âm đạo khi mang thai không gây nguy hiểm tính mạng nhưng nếu nặng có thể gây viêm màng ối, vỡ ối và sinh non.

Nấm âm đạo điều trị không khó nhưng dễ tái phát

Khi mang thai, sản phụ có sự tăng đột biến về hoóc môn nên vùng kín rất nhạy cảm và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Đặc biệt, những tác nhân bên ngoài như thời tiết ẩm như hiện nay các bào tử nấm trong không khí có thể rụng đậu trên quần áo (quần lót). Khi mặc quần lót ẩm là cơ hội tốt để nấm có thể tấn công gây ra nấm âm đạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức, khoảng 20-30% chị em mang thai mắc phải nấm âm đạo. Loại nấm phổ biến gây bệnh nhất là nấm Candida. Khi bị nấm âm đạo sẽ khiến cho thai phụ cảm thấy ngứa “vùng kín”, có nhiều khí hư trắng như bã đậu và có mùi khó chịu.

nấm âm đạo

Khi mang thai chị em phụ nữ dễ bị nhiễm nấm âm đạo do vùng kín thường nhạy cảm hơn. Nấm âm đạo điều trị rất dễ nếu phát hiện sớm, ảnh minh họa.

“Bị nấm âm đạo khi mang thai thường khó có thể gây mất mạng. Trong trường hợp bị nấm âm đạo nặng không điều trị sẽ làm cho bệnh nhân khó chịu. Nấm âm đạo có thể gây ra viêm màng ối dẫn tới vỡ màng ối và sinh non. Nếu nấm phát triển xuyên qua màng ối, trẻ sinh ra dễ gặp các vấn đề về hô hấp”, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức nói.

Nấm âm đạo ở sản phụ nếu phát hiện sớm chữa rất đơn giản, chỉ cần đi khám đặt thuốc trong khoảng 1- 2 tuần có thể hết. Thuốc đặt hầu như không ảnh hưởng tới sức khỏe của bà mẹ và em bé.

TS. Nguyễn Thị Hoài Đức cho hay: “Nấm âm đạo có thể tái lại nếu như sản phụ không biết cách vệ sinh sạch sẽ. Hay để quần lót ẩm ướt hoặc mặc quần lót khi chưa được phơi khô”.

Dân gian thường dùng lá trầu không xông để trị nấm âm đạo, TS Nguyễn Thị Hoài Đức khuyến cáo, sản phụ khi bị nấm âm đạo không nên ngồi xông lá trầu không. Việc xông lá trầu không khó có thể điều trị được hết nấm mà còn khiến sản phụ bị mệt mỏi do phải ngồi lâu.

Khi sản phụ khó chịu vùng kín không nên tự ý mua thuốc đặt điều trị nấm sẽ rất nguy hiểm. Trong trường hợp đặt thuốc liều không đúng có khiến bệnh nặng hơn do nhờn thuốc. Nếu đặt thuốc quá nhiều có thể ảnh hưởng tới sức của của sản phụ và thai nhi.

“Nấm âm đạo ở phụ nữ và sản phụ đều chữa rất đơn giản. Khi có triệu chứng ngứa vùng kín thì chị em nên đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân bị nấm hay nhiễm trùng âm đạo. Bác sĩ sản sẽ đưa ra loại thuốc thích hợp đúng với chủng loại vi khuẩn để đảm bảo được cho sức khỏe của cả mẹ và con”, TS. Nguyễn Thị Hoài Đức nói.

Hạn chế nấm tái phát bằng cách nào?

Theo TS. Nguyễn Thị Hoài Đức, sản phụ khi mang thai để phòng ngừa nấm âm đạo cần phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, phơi quần áo dưới nắng, đặc biệt là quần lót. Trong thời tiết ẩm ướt, quần áo không khô cần phải sấy.

Tháng 3 là tháng “nồm”, nhà thường ẩm ướt cần phải vệ sinh nhà sạch sẽ, khô tránh để bảo tử nấm có cơ hội phát triển.

Muốn dự phòng nhiễm nấm, sản phụ có thể dùng các loại dung dịch vệ sinh cân bằng độ PH, chỉ dùng khi thấy âm đạo tiết dịch nhiều. Khi vệ sinh chỉ rửa nhẹ nhàng không thụt rửa sâu vào trong âm đạo tránh đưa vi khuẩn bất lợi vào bên trong.

“Trong quá trình mang thai nên đi khám phụ khoa 3 tháng 1 lần để được bác sĩ thăm khám kiểm tra và tư vấn”, TS. Nguyễn Thị Hoài Đức nói.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Sao nữ Cbiz vượt ồn ào để tỏa sáng: Angela Baby, Triệu Lộ Tư, Dương Mịch đều góp mặt