Thai nhi 40 tuần tuổi - Mẹ mong con yêu chào đời

2015-09-01 09:41
- Thai nhi 40 tuần tuổi rồi nên nếu chưa thấy hiện tượng trở dạ, chắc mẹ sẽ nóng lòng lắm phải không? Tuy nhiên, mẹ cứ bình tĩnh vì có thể bé yêu vẫn chưa muốn chui ra trước tuần 41 đâu!

Thai nhi 39 tuần tuổi là thời điểm cục cưng thực sự đủ ngày đủ tháng để chào đón thế giới rộng lớn bên ngoài. Tuy nhiên, nếu bé chưa sẵn sàng để ra ngoài, bé có thể ở trong bụng mẹ thêm 1 - 2 tuần nữa. Và nếu chưa thấy dấu hiệu trở dạ, mẹ hãy tiếp tục theo dõi hành trình của thai nhi 40 tuần tuổi ra sao nhé!

Sự phát triển của thai nhi 40 tuần tuổi

Thật khó có thể chắc chắn được bé đã lớn chừng nào trong tuần này nhưng một đứa trẻ sơ sinh thường nặng khoảng 3,5kg (cỡ một quả bí ngô) và dài khoảng 50cm. Xương sọ của bé vẫn chưa khít lại mà có thể vẫn có khe hở, tạo điều kiện cho con dễ dàng lọt qua ống sinh. Bởi vậy, bé con sinh ra đỉnh đầu thường hơi giống hình chóp. Tuy vậy, mẹ cũng không nên lo lắng vì hiện tượng này chỉ là hiện tượng tạm thời trong vài tuần đầu thôi.

Thai nhi 40 tuần tuổi - Mẹ mong con yêu chào đời

Thai nhi 40 tuần tuổi, cơ thể mẹ thay đổi ra sao?

Sau nhiều tháng mong đợi, ngày dự sinh cũng đã cận kề và mẹ vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của sự lâm bồn. Mẹ có thể rất sốt ruột và lo lắng nhưng việc sinh muộn cũng vẫn là một hiện tượng bình thường. Đôi khi, đây không phải là đã muộn như bạn nghĩ. Nếu mẹ chỉ dựa duy nhất vào ngày dự sinh trên cơ sở kì kinh cuối cùng thì cũng chưa hẳn đã chuẩn xác hoàn toàn. Thậm chí khi ngày dự sinh được tính toán kĩ càng thì tình trạng kéo dài ngày sinh với những lí do không rõ ràng không phải là hiếm.

Để chắc chắn rằng bé vẫn đang phát triển khỏe mạnh trong bụng mẹ, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm và kiểm tra xem liệu việc tiếp tục mang thai chờ ngày trở dạ có bất kì nguy hiểm nào cho bé không. Mẹ có thể lập cho mình một hồ sơ sinh lí trong đó bao gồm khám siêu âm để kiểm tra các chuyển động của bé, cử động hít thở, chuyển động của các cơ ngực và cơ hoành, bé xòe hay nắm bàn tay, duỗi hay gập chân lại và đặc biệt là kiểm tra lượng nước ối bao quanh cơ thể bé để xem sự hỗ trợ của nhau thai tới sự phát triển của bé. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ tiến hành theo dõi nhịp tim thai nhi.

Thai nhi 40 tuần tuổi - Mẹ mong con yêu chào đời

Nếu kết quả xét nghiệm kể trên cho thấy có gì không ổn, chẳng hạn như lượng nước ối quá thấp… mẹ sẽ được kích sinh ngay lập tức. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, mẹ có thể phải tiến hành sinh mổ ngay lập tức.

Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra cổ tử cung của mẹ xem liệu nó đã về vị trí, độ mềm, độ giãn nở đã đủ cho mẹ có thể lâm bồn hay chưa để thực hiện kích sinh khi cần thiết.

Kích sinh ư???

Nếu sự chuyển dạ không diễn ra một cách tự nhiên, bác sĩ có thể sử dụng một số kĩ thuật và thuốc để giúp mẹ trở dạ. Nhưng các bác sĩ chỉ kích sinh trong trường hợp con bị nguy hiểm khi tiếp tục phát triển trong bào thai thêm vài ngày thậm chí vài tuần nữa. Hầu hết các bác sĩ sẽ kích sinh nếu mẹ không hề có dấu hiệu chuyển dạ khi ngày dự sinh đã qua khoảng 1 đến 2 tuần. Khi quá ngày dự sinh, nhau thai có thể trở nên kém hiệu quả khi cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi và nguy cơ biến chứng cao.

Mẹ sẽ được kích sinh như thế nào?

Có rất nhiều phương pháp kích sinh, tùy thuộc vào tình trạng cơ thể và cổ tử cung của mẹ sẽ quyết định phương pháp kích sinh nào là phù hợp.

Thông thường, nếu mẹ cần kích sinh mà cổ tử cung của mẹ vẫn chưa chịu giãn nở, mẹ có thể sẽ phải nhập viện. Và bác sĩ sẽ kích sinh bằng cách tiêm thuốc có chứa prostaglandin vào âm đạo của mẹ. Loại thuốc này có tác dụng kích thích cổ tử cung giãn nở và gây ra những cơn co thắt chuyển dạ chuẩn bị cho việc lâm bồn của mẹ.

Nếu các loại thuốc prostaglandin không hiệu quả, bác sĩ có lẽ sẽ phải dùng tới Pitocin (oxytocin).

Liệu có cách nào khác ngoài việc sử dụng thuốc kích sinh?

Không có bất kì kĩ thuật nào được chứng minh là an toàn và hiệu quả để mẹ có thể tự kích sinh cho mình. Do đó, mẹ không nên thử bất cứ bất cứ cách thức kích sinh nào mà không có sự đồng ý của bác sĩ. Dưới đây là một số phương pháp mà mẹ có thể đã nghe qua:

Thai nhi 40 tuần tuổi - Mẹ mong con yêu chào đời

Thai nhi 40 tuần tuổi. (Ảnh minh họa)

-    Quan hệ tình dục: tinh dịch có chứa prostaglandin có thể kích thích những cơn co thắt cổ tử cung. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, quan hệ tình dục khi gần lâm bồn là một dạng của kích sinh nhưng một số nghiên cứu khác lại phản đối điều đó.

-    Kích thích núm vú tiết ra oxytocin giúp mẹ trở dạ. Tuy nghiên, chưa có bất kì nghiên cứu nào chứng minh điều này cả.

-    Sử dụng dầu Castor (thuốc nhuận tràng) kích thích đường ruột tạo ra những cơn đau co thắt thúc đẩy chuyển dạ. Nhưng điều này vẫn chưa hề được chứng minh.

-    Sử dụng thảo dược: một số thảo dược được bán như một loại thuốc kích sinh, nhưng đừng mạo hiểm nhé bởi mẹ có thể gặp những cơn co thắt quá dữ dội khiến nguy hiểm cho con.

Mẹ nên làm gì tuần này?

Hãy thư giãn mẹ nhé. Xem một vài bộ phim, đọc một cuốn tiểu thuyết hoặc tạp chí, nghe nhạc hoặc ngủ bất cứ khi nào mẹ mệt là những gợi ý tuyệt vời. Mẹ đang ở giai đoạn cuối của thai kì và mẹ xứng đáng được hưởng những khoảng thời gian yên bình nhất. Nếu mẹ vận động liên tục trong giai đoạn này thì khi sinh con mẹ sẽ trở nên kiệt sức.

Xem thêm

Thai nhi 41 tuần

Cách tính tuổi thai

Cách tính ngày dự sinh

Minh Phương (BBC)
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Serum cấp nước nổi đình đám trong giới beauty blogger